Thứ sáu, 29/03/2024 | 12:07

Thứ sáu, 29/03/2024 | 12:07

An toàn thực phẩm

Cập nhật 07:52 ngày 04/05/2021

Đà Nẵng nhân rộng mô hình dán tem QR Code để kiểm soát hiệu quả chất lượng thực phẩm

Hơn 5,3 triệu tem dán QR Code đã được hỗ trợ miễn phí cho các tiểu thương và doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, nhất là khi xảy ra sự cố. Việc dán tem QR Code cũng làm tăng tính trách nhiệm của tiểu thương, đơn vị sản xuất, đồng thời tạo thói quen tiêu dùng bền vững cho người dân.
Tăng trách nhiệm cho đơn vị sản xuất, kinh doanh
Là chợ đầu tiên thực hiện thí điểm dán tem QR Code, việc dán tem để truy xuất nguồn gốc thực phẩm đã trở thành một thói quen của hàng trăm tiểu thương kinh doanh các mặt hàng thực phẩm đóng gói, thực phẩm khô tại chợ Hàn (Hải Châu, Đà Nẵng).
Dán tem QR Code đã trở thành một thói quen của nhiều tiểu thương ngành hàng thực phẩm tại chợ Hàn (Đà Nẵng)
Tiểu thương Ngô Thị Thúy Vân, quầy hàng Yến Nhỏ (lô 41 chợ Hàn) cho biết, quầy hàng của bà bán các mặt hàng đặc sản Đà Nẵng, trong đó có nhiều loại hải sản khô đóng gói, đóng hộp như các loại cá, mực, tôm, yến…. Các sản phẩm này đều do cửa hàng nhập về sau đó đóng gói, nên đều có dán tem QR Code.
Theo bà Thúy Vân, việc dán tem QR Code để chứng nhận đây là hàng hóa của quầy hàng, đảm bảo chất lượng. “Nhiều người tiêu dùng khi mua quét mã QR Code thì hiện ra thông tin của sản phẩm và quầy hàng trong đó, họ tin tưởng hơn”, bà Thúy Vân nói và cho biết thêm, đối tượng khách hàng thường xuyên quét QR Code là các bạn trẻ, khách du lịch, nhất là khách nước ngoài. “Khách du lịch nước ngoài khi đến mua hàng (thời điểm chưa có dịch) họ luôn có thói quen quét mã QR Code để xem thông tin. Trên tem có chứng nhận là tem do cơ quan quản lý nhà nước phát hành (Sở Công Thương) đảm bảo chất lượng, nhờ vậy tem dán cũng như một hình thức để PR về uy tín sản phẩm của chúng tôi đến khách hàng”, bà Thúy Vân cho hay.
Tại chợ Cồn, tiểu thương Nguyễn Thị Tố Trinh, quầy hàng Dì Xí - Hoa (lô 11-91, Đình 7, chợ Cồn) đang dán tem QR Code cho những sản phẩm mắm các loại mới đưa từ nơi sản xuất lên kệ hàng. Bà Tố Trinh cho biết, hiện quầy hàng của bà bán 15 loại sản phẩm mắm các loại có dán tem QR Code. “Việc dán tem QR Code có lợi cho mình, không sợ giả mạo. Dù chưa có nhiều người quét trực tiếp tại chợ nhưng khi dán tem này nếu khách hàng sử dụng sản phẩm có vấn đề thì họ sẽ liên lạc với mình hoặc biết nguồn gốc sản xuất”, bà Tố Trinh nói.
Tiểu thương Khuất Thị Hiền Quyên - quầy nem chả Hường Na (lô 36, đình 7, chợ Cồn) vui vẻ chia sẻ: “Dán tem QR Code mình dễ bán lắm. Ai bán hàng thực phẩm cũng thích dán tem hết. Người mua quét vào mã code thấy nguồn gốc là họ thích vì mọi thông tin về sản phẩm công khai minh bạch”. Theo bà Hiền Quyên, có nhiều khách du lịch khi mua sản phẩm về dùng xong hài lòng, họ còn quét QR Code để lấy số điện thoại gọi điện vào phản hồi sản phẩm và đặt thêm hàng. “Mình sản xuất và kinh doanh nên mình rất coi trọng chất lượng của sản phẩm. Dán tem QR Code như chứng thực cho cam kết về chất lượng sản phẩm của mình. Đó cũng là một cách để giữ uy tín, tạo dựng niềm tin với khách hàng”, bà Hiền Quyên nói thêm và mong muốn Sở Công Thương sẽ duy trì và tiếp tục hỗ trợ cho các tiểu thương kinh doanh thực phẩm.
Nhiều người tiêu dùng Đà Nẵng và du khách đã dần hình thành thói quen tiêu dùng thực phẩm sạch, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thông qua việc quét mã QR Code để kiểm tra thông tin sản phẩm
"Hồi đầu không biết cái tem này để làm gì, sau nghe tiểu thương giới thiệu cũng thấy rất hữu ích. Không chỉ đi chợ Cồn, mà nếu ghé mua hàng ở các chợ khác khi thấy có dán tem này tôi mua hàng thấy yên tâm hơn, dần dần lại quen với việc quét mã này khi mua sản phẩm tiêu dùng", chị Trần Hoàng Anh (32 tuổi, Thạch Thang, Hải Châu, Đà Nẵng) chia sẻ.
Nghiên cứu mở rộng áp dụng dán tem QR Code để kiểm soát nguồn gốc thực phẩm
Đề án thí điểm dán tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm (QR code) do Sở Công Thương TP. Đà Nẵng phối hợp với VNPT Đà Nẵng thực hiện, được triển khai tại chợ Hàn từ tháng 10/2018 với 76 tiểu thương ngành hàng thực phẩm gồm gia vị, công nghệ phẩm, mắm, nem, chả tham gia thí điểm dán tem QR code để khách hàng truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Sau thời gian thí điểm, Sở Công Thương đã mở rộng thêm ngành hàng, và các chợ áp dụng dán tem QR Code để kiểm soát nguồn gốc thực phẩm.
Từ năm 2018 đến nay, Sở đã hỗ trợ khoảng 5,3 triệu tem dán QR-Code cho khoảng 470 hộ tiểu thương tại 10 chợ trên địa bàn thành phố. Trong đó có 3 chợ do Sở quản lý gồm chợ Cồn, chợ Hàn và chợ Đống Đa; và 7 chợ thuộc 7 quận, huyện quản lý.
Ông Hoàng Cung Thượng Đức - Phó trưởng Ban quản lý chợ Hàn - cho biết, chợ Hàn là chợ du lịch nên thường xuyên được ưu tiên triển khai thí điểm các cơ chế, chính sách mới về thương mại của thành phố. Trong đó có dán tem QR Code. Năm 2018, trong chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào kinh doanh buôn bán lẻ, Sở Công Thương Đà Nẵng đã chọn chợ Hàn triển khai thí điểm truy xuất hàng hóa bằng hình thức dán tem QR Code tại những hộ kinh doanh thực phẩm đóng gói. Qua 2 đợt triển khai, hiện hơn 1 triệu tem QR Code đã được phát và được 118 tiểu thương thuộc các ngành hàng công nghệ phẩm, gia vị, thực phẩm khô…. tại chợ sử dụng thường xuyên, trách nhiệm.
Ông Nguyễn Xuân Tuấn - Phó trưởng Ban quản lý chợ Cồn - cho biết, hiện có hơn 60 tiểu thương thuộc các ngành hàng mắm dưa, nem chả, đậu, đường, một số tiểu thương kinh doanh hải sản khô thực hiện dán tem QR Code. Tổng số lượng tem được Sở Công Thương chuyển giao qua 2 đợt là hơn 1,62 triệu tem.
Ngoài ra, Sở Công Thương còn hỗ trợ khoảng 100.000 tem dán QR-Code cho 2 đơn vị sản xuất là Hợp tác xã Gà Nhơn Phát (thịt gà) và Công ty TNHH Thanh Hồng Phúc (chả mực).
Việc dán tem QR Code đã góp phần kiểm soát nguồn gốc chất lượng thực phẩm cung ứng vào chợ, tăng trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh
“Việc dán tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm là rất thiết thực và hiệu quả trong thời đại công nghệ 4.0, bước đầu góp phần kiểm soát nguồn gốc chất lượng thực phẩm cung ứng vào các chợ”, bà Lê Thị Kim Phương - Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng - cho hay và cho biết thêm, hiện Sở đang nghiên cứu để triển khai nhân rộng Đề án dán tem QR-Code đối với một số sản phẩm thực phẩm sản xuất, chế biến trên địa bàn thành phố; cũng như triển khai hiệu quả việc thực hiện mở rộng Đề án dán tem QR-Code để truy xuất nguồn gốc tại 2 chợ hạng I (chợ Cồn, chợ Đống Đa) và 7 chợ quận, huyện.
Theo: Báo Công Thương

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 3
  • 8
  • 4
  • 6
  • 7
  • 7
lên đầu trang