Thứ sáu, 29/03/2024 | 04:17

Thứ sáu, 29/03/2024 | 04:17

Tin tổng hợp

Cập nhật 09:24 ngày 11/04/2021

Ứng dụng công nghệ sinh học tạo sức cạnh tranh cho nông sản Việt

Sự bứt phá của khoa học, đặc biệt là công nghệ sinh học (CNSH) với những phát minh của công nghệ di truyền, công nghệ gen, công nghệ vi sinh… đã giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập nhờ việc tăng năng suất và giảm thiểu chi phí thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt . 
Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Đóng góp của cây trồng công nghệ sinh học trong nông nghiệp tại Việt Nam” tổ chức chiều 7/4. Theo đó, tại Việt Nam, những cây trồng dựa trên công nghệ sinh học mới đã có nhiều đóng góp cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển sản xuất ở các địa phương.
Các chuyên gia thảo luận về lợi ích và tiềm năng của cây trồng công nghệ sinh học
Lợi ích ứng dụng CNSH trong nông nghiệp
Phát biểu tại hội thảo, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam Trần Xuân Định cho biết: “Trong những thập niên đầu của thế kỷ 21, với lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta chứng kiến sự bứt phá của khoa học, đặc biệt là công nghệ sinh học với những phát minh của công nghệ di truyền, công nghệ gen, công nghệ vi sinh… Nhiều giống cây trồng được tạo ra bằng CNSH đã có mặt ở Việt Nam, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập nhờ việc tăng năng suất và giảm thiểu chi phí thuốc bảo vệ thực vật”.
CNSH ứng dụng trong nông nghiệp được xem là một trong các thành tựu khoa học nổi bật của thế kỷ trước, cho tới nay vẫn đang được minh chứng tính ưu việt bởi số liệu ứng dụng ngày một tăng trên toàn cầu cũng như những tác động kinh tế, xã hội và môi trường tích cực mà công nghệ mang lại cho nông dân, người tiêu dùng và cộng đồng.
Theo báo cáo của ISAAA, với việc có thêm 3 quốc gia châu Phi, số lượng các quốc gia canh tác cây trồng CNSH đã tăng lên 29 vào năm 2019. Trong đó, 5 quốc gia dẫn đầu với diện tích cây trồng CNSH lớn nhất là: Hoa Kỳ, Brazil, Argentina, Canada và Ấn Độ. Ước tính, khoảng 1,95 tỷ người, tương đương với 26% dân số thế giới được hưởng lợi từ CNSH vào năm 2019.
Tại Việt Nam, cây trồng CNSH đã được chính thức được cấp phép canh tác thương mại từ 2014-2015 trên cây ngô. Ngô cũng là một trong các cây trồng chính trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp và nước ta cũng là một trong các quốc gia canh tác ngô nhiều nhất trên thế giới.
Việc đưa các giống cây trồng CNSH thời điểm đó được xem là một trong các công cụ quan trọng giúp tiếp tục nâng cao năng suất và chất lượng sản xuất, gia tăng giá trị và giúp nông dân trồng ngô có thêm lợi nhuận, từ đó củng cố năng lực của Việt Nam trong việc đảm bảo nguồn cung cho chuỗi thực phẩm và thức ăn chăn nuôi trong nước.
Giống ngô lai đơn F1 NK6275 cho năng suất cao và giảm thiểu chi phí thuốc bảo vệ thực vật (Nguồn: Internet)
Tiến sĩ Graham Brookes, Viện PG Economic đã dẫn chứng các số liệu trong nghiên cứu gần nhất phát hành năm 2020: “Tính đến năm 2018, tổng thu nhập gia tăng dành cho nông dân canh tác cây trồng CNSH là 19 tỷ USD. Theo đó, với mỗi USD chi phí đầu tư thêm cho hạt giống CNSH, lợi nhuận thu được thêm là 4,42 USD. Bên cạnh đó, chỉ tính riêng năm 2018, cây trồng CNSH cũng giúp hạn chế tổng lượng CO2 thải ra môi trường khoảng 23 tỷ kg tương đương với việc loại bỏ 15,3 triệu ô-tô lưu thông trên đường trong một năm.
Theo TS, Graham, nông dân đặc biệt là những nông hộ có quy mô sản xuất nhỏ tại các nước đang phát triển thu được lợi ích rõ ràng hơn từ cây trồng CNSH, không chỉ từ việc năng suất cây trồng tăng (từ 10 tới 16,5% tùy loại cây trồng), lợi nhuận tăng (trung bình khoảng 103 USD/ha) mà còn giúp giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng từ đó giảm bớt các tác động tiêu cực lên môi trường khoảng 19% (theo chỉ số EIQ). 
Năm 2030 Việt Nam có thể làm chủ được một số CNSH thế hệ mới
Nhận định về tương lai về ứng dụng CNSH trong nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho biết: Theo Quyết định số 429/QĐ-TTg ban hành ngày 24-3-2021 về việc phê duyệt Đề án phát triển CNSH ngành nông nghiệp đến năm 2023, một trong các mục tiêu tới năm 2030 đó là Việt Nam có thể làm chủ được một số CNSH thế hệ mới, tạo ra sản phẩm quy mô nông nghiệp ứng dụng thực tiễn sản xuất và phát triển số lượng doanh nghiệp CNSH trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng thêm tối thiểu 30% so với giai đoạn 2021-2025. Điều này cũng cho thấy định hướng phát triển và ứng dụng CNSH trong nông nghiệp là định hướng phát triển chung là việc bắt kịp xu hướng của Việt Nam cùng các nước trên thế giới trong ứng dụng các giống cây trồng thế hệ mới với các tính trạng cải tiến bằng khoa học hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và hiện đại.
Khẳng định, sự bứt phá của khoa học, đặc biệt là CNSH với những phát minh của công nghệ di truyền, công nghệ gen, công nghệ vi sinh… đã giải quyết được rất nhiều vấn đề nông nghiệp trên thế giới. Cây trồng được tạo ra bằng CNSH đã có mặt ở Việt Nam phải kể đến cây ngô giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập nhờ việc tăng năng suất và giảm thiểu chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, việc đưa ứng dụng CNSH vào khá chậm và diện tích không như kỳ vọng như chúng ta đặt ra ban đầu.
Để thúc đẩy phát triển CNSH trong nông nghiệp trong thời gian tới, ông Trần Xuân Định cho rằng, cần có sự chỉ đạo và chính sách rất minh bạch, có đầu tư trọng điểm của Nhà nước cho các đơn vị, doanh nghiệp đi tiên phong trong việc ứng dụng CNSH trong nông nghiệp.
"Ở đây, CNSH chúng tôi muốn nói đến công nghệ gen, công nghệ phân tử, công nghệ tạo ra các sản phẩm mới dựa trên nền tảng của việc di truyền của công nghệ phân tử. Biến đổi khí hậu với hệ quả của nó sẽ làm phát sinh ra rất nhiều loài côn trùng mới, bệnh tật mới. CNSH sẽ góp phần giải quyết tốt các vấn đề này, năng suất sẽ gia tăng, giá thành thấp đi, tạo sự cạnh tranh tốt hơn trong nông sản của mình”, ông Trần Xuân Định nói.
Hương Linh 

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 3
  • 8
  • 1
  • 8
  • 6
  • 0
lên đầu trang