Thứ ba, 16/04/2024 | 18:45

Thứ ba, 16/04/2024 | 18:45

An toàn thực phẩm

Cập nhật 12:17 ngày 08/01/2021

Triển khai sớm công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết

Ngày 11 tháng 12 năm 2020 tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Đức Đam đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố liên quan tập trung chỉ đạo triển khai sớm các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết. Đồng thời, xây dựng cơ chế và có Chương trình hỗ trợ, bảo đảm các thực phẩm có uy tín, chất lượng đều có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trên thị trường trong nước và quốc tế.
Cam Cao Phong - Hòa Bình được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại EU. Ảnh: Khánh Vũ
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu trong thời gian tới, các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục tập trung chỉ đạo công tác quản lý, bảo đảm ATTP với định hướng trọng tâm là đến năm 2025 tất cả thực phẩm tiêu dùng trong nước đạt mức tiêu chuẩn chất lượng tương đương thực phẩm xuất khẩu; thực hiện được việc truy xuất nguốn gốc đối với các loại hàng hóa thực phẩm cơ bản lưu hành trên thị trường; các sản phẩm thực phẩm uy tín phải có chỉ dẫn địa lý được công bố, bảo hộ theo quy định của pháp luật.
Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cần khẩn trương có kế hoạch, lộ trình, biện pháp chỉ đạo thực hiện việc áp dụng tiêu chuẩn thực phẩm tiêu dùng trong nước và truy xuất nguồc gốc thực phẩm.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố liên quan xây dựng cơ chế và có Chương trình hỗ trợ, bảo đảm các thực phẩm có uy tín, chất lượng đều có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đưa vào vận hành hệ thống thông tin ATTP trước ngày 31 tháng 12 năm 2020, trước hết là đối với 6 nhóm hàng thuộc phạm vi quản lý nhà nước về ATTP của Bộ Y tế và một số nhóm hàng chủ yếu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 công tác triển khai các hoạt động về thanh tra kiểm tra về ATTP đã giảm thiểu nhưng vẫn được triển khai đồng bộ quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, tăng cường quản lý quảng cáo về ATTP, thực phẩm chức năng, tập trung xử lý các doanh nghiệp có sản phẩm vi phạm, các trang mạng, tổ chức cá nhân phát hành quảng cáo không đúng quy định.
Trong năm 2020, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành tăng cường quản lý quảng cáo về ATTP, thực phẩm chức năng, trong đó tập trung xử lý các doanh nghiệp có sản phẩm vi phạm, các trang mạng, tổ chức cá nhân phát hành quảng cáo không đúng quy định.
Toàn ngành Y tế đã kiểm tra 406.278 cơ sở, phát hiện 58.317 cơ sở vi phạm về ATTP, xử lý 10.077 cơ sở với tổng số tiền phạt là 48,6 tỷ đồng.
Ngành Nông nghiệp đã kiểm tra 40.036 cơ sở, xử phạt hành chính 2.737 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp ATTP nông lâm thủy sản với số tiền phạt là 19,1 tỷ đồng.
Tính đến tháng 10/2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thanh tra kiểm tra 12.240 vụ, xử lý 7.158 vụ việc vi phạm về ATTP, xử phạt hành chính 27,9 tỷ đồng và thu giữ số hàng hoá trị giá hơn 28,5 tỷ đồng.
Lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 8.529 vụ/8.548 đối tượng vi phạm về pháp luật ATTP, xử lý hành chính 7.659 vụ/7.189 cá nhân, tổ chức với số tiền xử phạt là 52,6 tỷ đồng, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 7 vụ/8 bị can về tội vi phạm các quy định về ATTP.
Mai Anh t/h
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 5
  • 7
  • 5
  • 8
  • 5
  • 5
lên đầu trang