Thứ tư, 24/04/2024 | 15:30

Thứ tư, 24/04/2024 | 15:30

Bài báo khoa học

Cập nhật 11:46 ngày 29/12/2020

Nghiên cứu ứng dụng phân hữu cơ từ xử lý vi sinh rơm rạ và phân hữu cơ sinh học cho cây thuốc lá vàng sấy ở Cao Bằng

TÓM TẮT
Mục tiêu của đề tài là ứng dụng phân hữu cơ từ xử lý vi sinh nguồn rơm rạ tại chỗ và phân hữu cơ sinh học trong chế độ phân bón cho cây thuốc lá vàng sấy nhằm sản xuất nguyên liệu thuốc lá theo hướng bền vững ở phía Bắc. Kế thừa kết quả nghiên cứu của đề tài thu được năm 2018, vụ Xuân 2019 tại Cao Bằng đã có một thí nghiệm đồng ruộng được tiến hành bao gồm 5 công thức thí nghiệm, cụ thể: (1) Công thức đối chứng: bón 1 tấn phân hỗn hợp vô cơ  VTL:BM; (2) Bón 1 tấn phân VTL:BM + 3 tấn phân HC rơm rạ; (3) Bón 0,8 tấn phân VTL:BM + 3 kg phân Bestsoil Powder; (4) Bón 0,8 tấn phân VTL:BM + 3 kg phân Bestsoil Powder + 3 tấn phân HC rơm rạ; (5) Bón 0,7 tấn VTL:BM + 3 kg Bestsoil Powder + 3 tấn phân HC rơm rạ. Kết quả nghiên cứu cho thấy công thức bón kết hợp 3 tấn phân hữu cơ từ ủ vi sinh rơm rạ + 3 kg phân Bestsoil Powder + 80% định lượng phân hỗn hợp vô cơ chuyên dụng (0,8 tấn phân VTL:BM) cho 1 ha TLVS là triển vọng nhất.
Từ khóa: chất hữu cơ, phân bón, lá, thuốc lá vàng sấy
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Những năm gần đây, cơ giới hóa  tăng nhanh ở các vùng trồng thuốc lá phía Bắc, tình trạng lao động trở lên khan hiếm, … là những nguyên nhân chính làm giảm sút đàn trâu, bò dẫn đến giảm sút nguồn phân chuồng cho cây thuốc lá. Đồng thời, một lượng lớn rơm rạ thu được từ vụ lúa mùa - cây trồng trước cây thuốc lá trước đây được dùng trong chăn nuôi gia súc thì nay bị đốt bỏ, hệ quả vừa ô nhiễm không khí vừa lãng phí nguồn hữu cơ tái tạo độ phì đất canh tác.  
Cao Bằng là một trong số những vùng sản xuất nguyên liệu thuốc lá vàng sấy (TLVS) trọng điểm ở phía Bắc với loại đất chính trồng TLVS là đất có thành phần cơ giới nặng. Năm 2018, đề tài lựa chọn vùng Cao Bằng để mở đầu chương trình nghiên cứu (NC) xây dựng mô hình canh tác TLVS theo hướng thân thiện môi trường đó là: ứng dụng phân hữu cơ (HC) từ xử lý vi sinh nguồn rơm rạ tại chỗ (gọi tắt là phân HC rơm rạ) và phân HC sinh học trong chế độ phân bón cho cây TLVS. 
II. NỘI DUNG, ĐỊA ĐIỂM VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Nội dung nghiên cứu 
Thí nghiệm bón kết hợp phân hỗn hợp vô cơ chuyên dụng với phân HC rơm rạ, phân HC sinh học cho 1 ha trồng TLVS bao gồm 5 công thức như sau: (1) Công thức đối chứng (ĐC): bón 1 tấn phân hỗn hợp vô cơ  VTL:BM (ký hiệu VC); (2) Bón 1 tấn phân VTL:BM + 3 tấn phân HC rơm rạ (ký hiệu RR); (3) Bón 0,8 tấn phân VTL:BM + 3 kg phân Bestsoil Powder (ký hiệu SH); (4) Bón 0,8 tấn phân VTL:BM + 3 kg phân Bestsoil Powder + 3 tấn phân HC rơm rạ (ký hiệu 80%VC); (5) Bón 0,7 tấn VTL:BM + 3 kg Bestsoil Powder + 3 tấn phân HC rơm rạ (ký hiệu 70%VC).
2. Địa điểm nghiên cứu: xã Nam Tuấn - Hòa An - Cao Bằng
3. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu
3.1. Vật liệu nghiên cứu
- Nguồn rơm rạ là của vụ lúa mùa 2018 (giống lúa Đoàn kết) tại địa bàn NC.
- Chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ Fito-Biomix RR được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học thuộc Tập đoàn BIOGROUP. 
- Phân bón: phân HC từ xử lý rơm rạ bằng chế phẩm Fito-Biomix RR; phân hỗn hợp vô cơ VTL:BM do Viện Thuốc lá sản xuất (N ≥ 5,5%; P2O5 ≥ 6,5%; K2O ≥ 11%); phân HC sinh học Bestsoil Powder (50% chất hữu cơ, 27% humic axit và các trung vi lượng khác).
- Giống thuốc lá: GL7
3.2. Phương pháp tiến hành:
- Tạo phân hữu cơ rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh Fito-Biomix RR và hướng dẫn kỹ thuật ủ rơm rạ của nhà cung cấp chế phẩm, cụ thể:
+ Quy mô đống ủ: 1 tấn rơm rạ khô
+ Kỹ thuật ủ: Rơm rạ khô được gia ẩm đến độ ẩm 50 - 60%; Hoà 200 g chế phẩm vào 50 lít nước, bổ sung 1 kg phân NPK; tạo lớp rơm rạ đầu tiên (đã gia ẩm) đạt độ cao 60 cm (dài = rộng = 1,6 m), rồi lấy 1/3 lượng hỗn dịch chế phẩm tưới đều lên trên; tạo 2 lớp rơm rạ tiếp theo mỗi lớp dầy 30 cm để xử lý 1/3 định lượng hỗn dịch chế phẩm/lớp theo cách xử lý cho lớp ủ đầu tiên; dùng bao tải, nilon che kín đống ủ; thời gian ủ là từ ngày 26/11/2018 - 14/01/2019 (49 ngày), trong đó đảo đống ủ lần 1 vào ngày 10/12/2018 (14 ngày sau ủ) và lần 2 là ngày 26/12/2018 (30 ngày sau ủ).
- Tiến hành thí nghiệm bón kết hợp phân hỗn hợp vô cơ với phân HC rơm rạ, phân HC sinh học cho cây TLVS:
+ Thiết kế đồng ruộng: sử dụng sơ đồ khối đủ ngẫu nhiên; nhắc lại 3 lần.
+ Thông tin về thời vụ trồng, bón phân: bón lót ngay trước khi trồng (100% phân HC rơm rạ; 50% phân VTL:BM và 50% phân Bestsoil Powder) và trồng vào ngày 15/01/2019; bón thúc vào ngày 14/02/2019 (lượng phân VTL:BM và phân Bestsoil Powder còn lại).
- Phương pháp thử nghiệm mẫu rơm rạ/phân HC rơm rạ, thuốc lá được thực hiện theo Tiêu chuẩn tạm thời bình hút cảm quan thuốc lá nguyên liệu bằng phương pháp cho điểm TC 01- 2000 [2]. 
- Bình hút cảm quan theo tiêu chuẩn TC 01 - 2000 [3].
- Số liệu thí nghiệm được xử lí thống kê bằng các phần mềm EXCEL, STATISTIX, ...
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
1. Kết quả tạo phân hữu cơ từ ủ rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh Fito-Biomix RR
Bảng 1. Kết quả phân tích rơm rạ trước và sau khi ủ tại Cao Bằng, vụ Đông Xuân 2018 - 2019
Đề tài đã dùng chế phẩm để xử lý rơm rạ theo hướng dẫn sử dụng kèm theo, có điều chỉnh kéo dài thời gian ủ (thông qua thử nghiệm ủ rơm rạ của đề tài vụ Đông Xuân 2017-2018) để tạo phân HC cho NC ứng dụng trên cây TLVS.
Kết quả phân tích một số thành phần hóa học, VSV trong rơm rạ nguyên liệu trước khi ủ cho thấy, đã có sẵn VSV phân giải xenlulo trong rơm rạ nguyên liệu. Kết quả tương đồng với tài liệu công bố của một số tác giả trong và ngoài nước [4].
Tương tự kết quả thử nghiệm ủ vi sinh rơm rạ của đề tài trong vụ Đông Xuân 2017 - 2018, sau gần 50 ngày ủ bằng chế phẩm Fito-Biomix RR trong vụ Đông Xuân 2018 - 2019 đã cho sản phẩm đạt yêu cầu về phân HC truyền thống (Bảng 1). Kết quả phân tích phân HC từ ủ rơm rạ bằng chế phẩm Fito-Biomix RR của đề tài có sự tương đồng giữa 2 năm nghiên cứu và tương đồng với kết quả nghiên cứu trong nước về tạo phân HC rơm rạ [1] [4] [6].
Phân HC rơm rạ của đề tài đã được dùng trong thí nghiệm bón kết hợp phân hỗn hợp vô cơ với phân HC rơm rạ, phân HC sinh học cho cây TLVS ở Cao Bằng, vụ Xuân 2019.
2. Thí nghiệm ứng dụng phân hữu cơ rơm rạ và phân hữu cơ sinh học trên cây TLVS
Thí nghiệm được bố trí trên loại đất chính trồng TLVS ở Cao Bằng đó là đất có thành phần cơ giới nặng, chất hữu cơ ở mức khá (3 - 4%) và có phản ứng chua vừa.
2.1. Kết quả nghiên cứu về yếu tố cấu thành năng suất, năng suất và phẩm cấp 
Bảng 2. Ảnh hưởng của bón kết hợp phân vô cơ với phân HC rơm rạ, phân HC sinh học đến một số yếu tố cấu thành năng suất, năng suất và tỷ lệ lá cấp 1+2 tại Cao Bằng, vụ Xuân 2019
Ảnh hưởng của bón kết hợp phân vô cơ với phân HC rơm rạ, phân HC sinh học đến một số yếu tố cấu thành năng suất, năng suất và tỷ lệ lá cấp 1+2 được trình bày ở Bảng 2 cho thấy, bón kết hợp phân vô cơ với phân HC rơm rạ, phân HC sinh học theo cách khác nhau cho TLVS trong vụ Xuân 2019 ảnh hưởng không đáng kể đến tổng số lá, số lá kinh tế/cây khi so sánh với bón 100% phân vô cơ (đối chứng).
Công thức bón kết hợp 70% phân vô cơ với phân HC rơm rạ và phân HC sinh học đã làm giảm rõ rệt kích thước, khối lượng lá TLVS khi so sánh với ĐC và 3 công thức có bón phân HC còn lại, trong khi ĐC có chỉ tiêu khối lượng lá tươi trung bình vị bộ lá giữa đạt trị số lớn nhất. Cả 4 công thức bón kết hợp phân vô cơ với phân HC rơm rạ, phân HC sinh học đều làm tăng tỷ lệ lá khô/tươi của TLVS khi so với ĐC. 
Công thức 70%VC cho năng suất lá sấy tương đương ĐC, trong khi cả 3 công thức có bón phân HC còn lại đều cho năng suất lá sấy vượt trội ĐC (mức ý nghĩa 0,05). Đối chiếu với yếu tố cấu thành năng suất của 3 công thức có bón phân HC cho năng suất lá sấy vượt trội ĐC cho thấy tỷ lệ lá khô/tươi cao hơn hay sự nổi trội về tích lũy chất khô của TLVS ở 3 công thức này đã làm tăng năng suất lá sấy so với ĐC.
Cả 3 công thức giảm lượng bón phân vô cơ kết hợp với bón phân HC đều cho tỷ lệ lá cấp 1+2 vượt trội ĐC và công thức RR (mức ý nghĩa 0,05), trong đó công thức 70%VC đạt tỷ lệ cấp 1+2 cao nhất nhưng khác biệt không có ý nghĩa thống kê so với công thức 80%VC.
2.2. Một số thành phần hóa học và kết quả bình hút cảm quan
Bảng 3. Ảnh hưởng của bón kết hợp phân vô cơ với phân HC rơm rạ, phân HC sinh học đến tính chất hút và một số thành phần hóa học của nguyên liệu TLVS ở Cao Bằng, vụ Xuân 2019
Các công thức bổ sung phân HC có xu hướng làm giảm hàm lượng nicotin, nhất là ở 3 công thức bón phân HC theo cách thay thế một phần phân vô cơ. Trong khi đó, hàm lượng đường khử, N và Cl tăng giảm không đáng kể khi so sánh giữa 4 công thức có bón phân HC so với ĐC. Ngoại trừ công thức 70%VC có điểm hương, vị thấp hơn đáng kể so với ĐC, 3 công thức có bón phân HC còn lại đều thuộc loại nguyên liệu có tính chất hút khá tốt (tổng điểm ≥ 40), tương đương ĐC. Về khía cạnh dinh dưỡng, tích lũy P của TLVS thuộc thí nghiệm là trong giới hạn đủ dinh dưỡng P (0,13 - 0,3%) và tích lũy K vượt trên giới hạn đủ dinh dưỡng K (1,5 - 2,5%) của dạng hình thuốc lá này [5].
IV. KẾT LUẬN
Trên loại đất chính trồng TLVS ở Cao Bằng, biện pháp bón kết hợp 3 tấn phân hữu cơ từ ủ vi sinh rơm rạ + 3 kg phân Bestsoil Powder + 80% định lượng phân hỗn hợp vô cơ (công thức 80%VC) cho 1 ha TLVS là triển vọng nhất. Biện pháp kỹ thuật này được áp dụng dài hạn cho cây TLVS sẽ cho hiệu quả duy trì, cải thiện độ phì nhiêu của đất trồng trọt.  
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tài liệu tiếng Việt
 [1] Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO/ IEC 17025:2005 (2005); Yêu cầu chung về năng lực của phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn.
[2] Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (2000); Tiêu chuẩn tạm thời bình hút cảm quan thuốc lá nguyên liệu bằng phương pháp cho điểm TC 01- 2000.
[3] Trần Văn Cường và cộng sự (2014); Một số kết quả ứng dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý chất thải nông nghiệp thành phân bón hữu cơ;  Tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm nghiệp số 4 - 2014.
Tài liệu tiếng Anh và trang web
[4] C.R. Campbell (2000); Tobacco, Flue-cured - Reference sufficiency ranges field crops; Electronic Document Prepared by: Catherine Stokes, Communication Specialist Agronomic Division of the N.C. Department of Agriculture and Consumer Services.
[5] Tran Thi Ngoc Son, Luu Hong Man, Cao Ngoc Diep, Tran Thi Anh Thu and Nguyen Ngoc Nam (2008); Bioconversion of paddy straw and biofertilizer for sustainable rice based cropping systems; Omonrice 16 Journal, Cuu Long Rice Research Institute, Can Tho - Vietnam.
[6] Sreenivasulu Reddy, at all (2011); Manures, Fertilizers and Agricultural Chemicals; Acharya N.G.Ranga Agricultural University, Rajendra Nagar, Hyderabad, India.
RESEARCHING TO APPLY COMPOSTED PADDY STRAW MANURE AND BIO-ORGAMIC FERTILIZER FOR FLUE CURED TOBACCO AT CAO BANG PROVINCE
Đinh Văn Năng
Abstract
This study has been established in order to apply bioconversion of available paddy straw producing organic manure and bio-orgamic fertilizer to establish regime of nutrition for flue cured tobacco, ultimately to expect sustainability in leaf tobacco production in the Northern Viet Nam. Based on the results of this study in 2018, in sping 2019 at Cao Bang, a field experiment has been designed with three replications, including five treaments: (1) Control: applicating 1 ton mixed fertilizer named VTL:BM/ha; (2) Combination of 1 ton VTL:BM and 3 ton paddy straw manure/ha; (3) Combination of 0.8 ton VTL:BM and 3 kg bio-organic fertilizer named Bestsoil Powder/ha; (4) Combination of 0.8 ton VTL:BM and 3 kg Bestsoil Powder and 3 ton paddy straw manure/ha; (5) Combination of 0.7 ton VTL:BM and 3 kg Bestsoil Powder and 3 ton paddy straw manure/ha. The results showed that the combination of 0.8 ton VTL:BM and 3 kg Bestsoil Powder and 3 ton paddy straw manure/ha will being most promising treament for the flue cured tobacco production of the North.
Keywords: organic manure, fertilizer, leaf, flue cured tobacco
ThS. Đinh Văn Năng
Viện Thuốc lá

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 4
  • 8
  • 1
  • 1
  • 1
lên đầu trang