Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:04

Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:04

Kiến thức khoa học

Cập nhật 02:38 ngày 24/09/2018

Mô hình ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gà

Một xu hướng mới mà hiện nay đang được người nông dân nhiều nơi quan tâm, đó là việc tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp để tự sản xuất thành thức ăn chăn nuôi như: Cám, ngô, đậu tương, bã cá khô, rơm rạ… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phần lớn số phụ phẩm này vẫn đang được người nông dân sử dụng theo cách hết sức thủ công ở dạng thô, chưa có biện pháp tận dụng triệt để lợi ích của các phụ phẩm nông nghiệp này trong chăn nuôi. 
Yên Thế là huyện dẫn đầu cả nước với trên 4 triệu con gia cầm và khoảng hơn 120 nghìn con lợn được nuôi mỗi năm. Phần lớn thức ăn chăn nuôi được các hộ gia đình, chủ trang trại, gia trại mua từ các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi quy mô công nghiệp. Các doanh nghiệp này cơ bản đều nhập công nghệ của nước ngoài, sử dụng nguyên liệu nhập khẩu do đó làm tăng giá thành của thức ăn chăn nuôi, không kiểm soát được chất lượng nguyên liệu đầu vào dẫn đến vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm rất khó kiểm soát. Với mong muốn ứng dụng công nghệ sinh học ủ men hỗn hợp thức ăn để sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gà. Năm 2016, trường Đại học công nghiệp Hà Nội đã đề xuất triển khai đề tài nghiên cứu “Ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gà từ các phụ phẩm và sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang”.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lợi - Chủ nhiệm đề tài trường Đại học công nghiệp Hà Nội cho biết: “Sử dụng thức ăn là sản phẩm của đề tài này, đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt, tương đương với các loại thức ăn khác đang được bán trên thị trường. Tuy nhiên, ưu điểm nổi bật khi sử dụng thức ăn này là tỷ lệ gà chết giảm từ 5-7% so với mô hình đối chứng. Hơn nữa chất thải của gà ít bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường, góp phần làm sạch không gian chuồng trại”.
Mục tiêu của đề tài là ứng dụng công nghệ sinh học ủ men hỗn hợp thức ăn để sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gà từ các nguyên liệu như ngô vàng, đậu tương, cá mè, xương trâu bò, chế phẩm sinh học. Xây dựng mô hình sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gà quy mô 2 tấn từ phụ phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn chất lượng - tiêu chuẩn Việt Nam 2265-2017. Sau 2 năm triển khai, đề tài đã phân tích 5 mẫu nguyên liệu để làm thức ăn chăn nuôi, bố trí 9 công thức thí nghiệm, phân tích hàm lượng dinh dưỡng thức ăn của 09 công thức thức ăn, lựa chọn được 03 công thức đạt tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn Việt Nam 2265-2017, sản xuất 450 kg thức ăn cho gà ở các giai đoạn, xây dựng mô hình thử nghiệm thức ăn chăn nuôi tại một số hộ dân trên địa bàn huyện Yên Thế. 
Gia đình ông Nguyễn Văn Phương - thôn Liên Cơ, xã Đồng Tâm đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề chăn nuôi gà. Mỗi năm gia đình ông cung cấp ra thị trường từ 4-5 nghìn con gà. Với mong muốn tìm được loại thức ăn mới để tiết kiệm chi phí chăn nuôi, ông tham gia triển khai mô hình đối chứng 200 con gà với 100 con sử dụng thức ăn từ kết quả nghiên cứu của đề tài, 100 con sử dụng thức ăn thông thường. Qua thời gian nuôi cho thấy, tuy trọng lượng gà từ 2 mô hình không chênh lệch nhiều, nhưng gà nuôi từ thức ăn của đề tài có ưu điểm nổi bật là ít bệnh, giảm chi phí do trong quá trình nuôi không cần sử dụng thuốc kháng sinh, tỷ lệ sống cao hơn so với nuôi thông thường 15%.
Ông Nguyễn Văn Phương - thôn Liên Cơ, xã Đồng Tâm nói: “So với mô hình nuôi gà đối chứng thì chất lượng đàn gà sử dụng thức ăn của đề tài tương đương nhau, nhưng thức ăn của đề tài rẻ hơn nhiều. Hơn nữa nguồn nguyên liệu để sản xuất thức ăn của địa phương rất dồi dào. Đặc biệt hiện nay, khi chất lượng cuộc sống được nâng cao, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn thì mô hình chăn nuôi gà bằng nguồn thức ăn chế biến từ các sản phẩm sẵn có rất hữu ích. Theo tôi, đề tài này cần được nhân rộng thêm để bà con hiểu rõ hơn lợi ích của nó, từ đó bà con sẽ ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nhằm giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn và bảo vệ môi trường”.
Chị Nguyễn Thị Hòa - Thôn Hồng Lạc - xã Đồng Tâm nói: “Sử dụng thức ăn từ sản phẩm của đề tài tôi thấy đàn gà có khả năng kháng bệnh tốt hơn, ít xảy ra các dịch bệnh thông thường như sử dụng các loại thức ăn chăn nuôi khác đang bán trên thị trường”.
Đặc biệt với loại thức ăn được nghiên cứu này cần có quá trình lên men hỗn hợp thức ăn nhàm mục đích thủy phân các thành phần phức tạp trong thức ăn thành các chất đơn giản giúp cho gà dễ tiêu hóa và hấp thu. Đồng thời làm tăng các thành phần có mùi, vị đặc trưng cho thức ăn. Các công thức đề tài đưa ra dễ áp dụng, bà con có thể triển khai với quy mô hộ gia đình một cách thuận lợi và dễ dàng. Chi phí cho một kg thức ăn tự sản xuất sẽ thấp hơn so với thức ăn thông thường khoảng 2 nghìn đồng/kg.
 Tiến sĩ Nguyễn Văn Lợi - Chủ nhiệm đề tài trường Đại học công nghiệp Hà Nội cho biết thêm: “Để sản xuất thức ăn chăn nuôi tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương bà con không cần vốn đầu tư lớn. Với chi phí hiện tại, số tiền đầu tư cho thiết bị sản xuất thức ăn mà chúng tôi đang sử dụng chỉ khoảng trên dưới 10 triệu đồng. Mô hình này nếu được nhân rộng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, hơn nữa bà con còn có thể tự kiểm định được nguồn nguyên liệu để sản xuất thức ăn. Đồng thời sự phát triển của mô hình còn giúp huyện Yên Thế xây dựng được vùng sản xuất nguyên liệu làm thức ăn cho chăn nuôi gà đồi, qua đó thúc đẩy nông nghiệp của địa phương phát triển tốt hơn”.
Việc ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gà từ các phụ phẩm và sản phẩm nông nghiệp sẽ mở ra hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực phân lập tuyển chọn các chủng vi sinh vật thích hợp, an toàn, có khả năng sản sinh enzim cao và ứng dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, giúp người chăn nuôi gà chủ động được công nghệ sản xuất thức ăn, tận dụng triệt để nguồn phụ phẩm và sản phẩm trong nông nghiệp… Từ đó góp phần giảm giá thành chăn nuôi, tăng lợi nhuận, nâng cao chất lượng của sản phẩm./.   
Theo yenthe.vn   
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 3
  • 8
  • 7
  • 4
  • 8
  • 3
lên đầu trang