Thứ năm, 25/04/2024 | 16:55

Thứ năm, 25/04/2024 | 16:55

Tin Đề án

Cập nhật 02:38 ngày 09/12/2020

Công nghệ sản xuất đường Trehalose từ tinh bột bằng công nghệ enzyme ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm

Sáng ngày 8 tháng 12, đoàn công tác Bộ Công Thương gồm đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ và Tổ chuyên gia đã thực hiện kiểm tra thẩm định sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu sản xuất đường Trehalose từ tinh bột bằng công nghệ enzyme ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm”. Đề tài được thực hiện bởi PGS. TS. Lê Đức Mạnh cùng các cộng sự tại Viện Công nghiệp Thực phẩm.
Đề tài thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì. Buổi thẩm định nhằm kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện của nhiệm vụ trước khi tiến hành nghiệm thu cấp quốc gia theo quy định.

Đoàn công tác Bộ Công Thương thực hiện kiểm tra, thẩm định sản phẩm nhiệm vụ KHCN tại Viện Công nghiệp thực phẩm.
Báo cáo tại buổi kiểm tra, đại diện nhóm thực hiện đề tài cho biết, Trehalose (α -D-glucopyranosyl α-D-glucopyranoside) là đường không khử được cấu tạo từ hai phân tử glucose liên kết với nhau theo liên kết α-1, 1-glycosid. Trehalose có tính chất ổn định và là chất bảo vệ chống lại hiện tượng sốc nhiệt, biến tính protein trong quá trình sấy khô/làm lạnh, cung cấp giá trị dinh dưỡng, nâng cao chất lượng và độ ổn định của sản phẩm. Do đó, trehalose được sử dụng nhiều và không có giới hạn trong thành phần phụ gia thực phẩm, dược phẩm,..

Toàn cảnh buổi thẩm định sản phẩm.
Hiện nay, trong công nghệ sản xuất trehalose, phương pháp biến đổi sinh học bởi enzyme là phương pháp tiếp cận mới. Trong đó, hai enzyme MTsase và MTHase này được sản xuất độc quyền theo quy trình công nghiệp của Nhật Bản. Đặc biệt trên thị trường Việt Nam hiện nay trehalose chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài nên giá thành tương đối cao. Vì vậy, việc nghiên cứu sản xuất enzyme trehalase tái tổ hợp và ứng dụng cho sản xuất đường trehalose không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn có giá trị kinh tế xã hội

Với nhu cầu đó, PGS. TS. Lê Đức Mạnh và các cộng sự tại Viện Công nghiệp thực phẩm đã thực hiện nhiệm vụ KHCN được Bộ Công Thương giao với mục tiêu xây dựng được quy trình công nghệ, mô hình thiết bị và sản xuất được đường trehalse từ tinh bột bằng enzyme tái tổ hợp (MTSase, MTHase) để thay thế sản phẩm ngoại nhập ứng dụng trong công nghiệp chế biến thực phẩm. Theo đó, nhóm đã nghiên cứu công nghệ tạo chủng tái tổ hợp sinh tổn hợp enzyme MTHase và MTSase; xây dựng quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất chế phẩm enzyme tái tổ hợp quy mô 50 lít dịch lên men/mẻ; nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất đường trehalose (độ tinh sạch 98%) quy mô 500 kg nguyên liệu/mẻ và ứng dụng sản phẩm trehalose vào sản phẩm sữa chua tại Công ty Cổ phần Sữa Ba Vì.

Sản phẩm sữa chua có bổ sung trehalose của đề tài.
Kết quả của nhiệm vụ cho thấy nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình công nghệ và sản xuất thực nghiệm quy mô 500kg nguyên liệu, sản xuất 50 mẻ, sản xuất được 6003,9 kg đường trehalose. Đặc biệt nhóm nghiên cứu đã phối hợp với Công ty CP Sữa Ba Vì sản xuất được 1000 hộp sữa chua có bổ sung trehalose với hàm lượng trehalose sau lên men đạt 5,0% độ axit đạt 83 – 84,6°T. Nhóm thực hiện đề tài đã sử dụng kết hợp các công nghệ vi sinh, lên men, thủy phân và chuyển hóa, các phương pháp phân tích hiện đại và cập nhật phương pháp thế giới đang sử dụng, vì vậy kết quả nghiên cứu, các sản phẩm của đề tài có giá trị khoa học và thực tiễn cao.

Sản phẩm đường Trehalose – VTP tinh khiết

Thành phẩm enzyme MTSase 
Kết luận tại buổi làm việc, đoàn công tác đánh giá, nhóm thực hiện đề tài đã hoàn thành đầy đủ về số lượng và chủng loại sản phẩm đã đăng ký với Bộ Công Thương. Các hồ sơ báo cáo, tài liệu, minh chứng sản phẩm,…được nhóm chuẩn bị tốt. Đoàn công tác đề nghị chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa một số thiếu sót nhỏ, hoàn thiện các báo cáo trước khi tiến hành nghiệm thu cấp quốc gia theo đúng quy định.
Vụ Khoa Học và Công nghệ
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 5
  • 7
  • 7
  • 4
  • 1
lên đầu trang