Thứ bảy, 20/04/2024 | 00:06

Thứ bảy, 20/04/2024 | 00:06

Tin Đề án

Cập nhật 10:07 ngày 23/11/2020

Nhiều triển vọng ứng dụng công nghệ enzyme sản xuất omega 6, 7, 9 từ vi khuẩn tía quang hợp

Thông qua việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất Omega 6, 7, 9 từ vi khuẩn tía quang hợp ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm và dược phẩm”, các nhà khoa học tại Viện Công nghệ sinh học đã sản xuất thành công sản phẩm TPCN dạng viên nang có tác dụng làm giảm các nồng độ lipid máu thông qua các chỉ số cholesterol, triglyceride, LDL-C và làm tăng HDL-C, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực. Đời sống của người dân ngày một được nâng cao, kéo theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe cũng ngày một tăng lên. Bên cạnh việc ăn uống hàng ngày, người dân cũng thường sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) để bảo vệ, nâng cao sức khỏe. Do đó, nhu cầu TPCN trong nước ngày càng cao, nhiều sản phẩm TPCN được sản xuất trong nước thậm chí không đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân nên phải nhập ngoại. Trong số các sản phẩm nhập ngoại không thể không kể đến các sản phẩm TPCN chứa omega 3, 6, 7, 9.  
Nhằm đa dạng hóa các sản phẩm TPCN bảo vệ sức khỏe con người và nâng cao chất lượng cuộc sống, trong khuôn khổ Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, Bộ Công Thương đã giao Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thực hiện đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất Omega 6, 7, 9 từ vi khuẩn tía quang hợp ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm và dược phẩm”. Đề tài do TS. Hoàng Thị Yến làm chủ nhiệm, được triển khai từ tháng 10/2017 đến tháng 9/2020.
TS. Hoàng Thị Yến - Chủ nhiệm đề tài
Vi khuẩn tía quang hợp – nguồn tài nguyên sẵn có trong nước 
TS. Hoàng Thị Yến – Chủ nhiệm đề tài cho biết, con người và động vật hầu như không tự tổng hợp được omega 6, 7, 9 mà chủ yếu được cung cấp từ nguồn thức ăn. Mặc dù omega 6, 9 có nhiều trong các loại dầu động, thực vật nhưng omega 7 lại rất khan hiếm trong giới thực vật và cả thế giới động vật. Tuy nhiên, một số nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu về nhóm vi khuẩn tía quang hợp nhận thấy, trong tế bào của một số loài vi khuẩn tía quang hợp, hàm lượng omega 7 lại rất cao, chiếm từ 65% - 82% tổng axit béo. 
Vi khuẩn tía quang hợp là nhóm vi sinh vật tiền nhân có khả năng tiến hành quang hợp nhưng không thải oxy như vi khuẩn lam. Chúng là các tế bào gram âm, đơn bào và có các dạng cầu, xoắn, gậy, phẩy. Nằm trong vùng nhiệt đới, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cho các động thực vật và đặc biệt là vi sinh vật, trong đó có nhóm vi khuẩn tía quang hợp phát triển. 
Vi khuẩn tía quang hợp đã được nghiên cứu, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Tuy nhiên, trong lĩnh vực sử dụng sinh khối vi khuẩn tía quang hợp để tách chiết dầu sinh học giàu axit béo không bão hòa một nối và đa nối đôi (omega 6, 7, 9) sử dụng cho sản xuất thực phẩm chức năng là một hướng nghiên cứu hoàn toàn mới ở Việt Nam và mới chỉ được đề cập đến trong 1-2 năm trở lại đây.
“Ở Việt Nam, có rất nhiều công trình đã công bố về ứng dụng của nhóm vi khuẩn tía quang hợp không lưu huỳnh trong lĩnh vực xử lý nước thải, khử sulfide, sử dụng làm thức ăn tươi sống trong nuôi trồng thủy sản,….Tuy nhiên, chưa có thông báo nào công bố về khả năng tổng hợp các axit béo không no dạng omega 6, 7, 9”, TS. Hoàng Thị Yến cho biết. 
Đa dạng sản phẩm TPCN chứa omega 6, 7, 9
Phát biểu tại buổi kiểm tra, thẩm định sản phẩm nhiệm vụ KHCN ngày 19 tháng 11, TS. Hoàng Thị Yến cho biết, với mục tiêu chính là ứng dụng công nghệ lên men để sản xuất sinh khối vi khuẩn tía quang hợp và công nghệ enzyme để sản xuất các axit béo không no (omega 6, 7, 9) sử dụng trong công nghiệp thực phẩm và dược phẩm từ nguồn nguyên liệu trong nước, nhóm nghiên cứu đã bắt đầu thực hiện đề tài được giao bằng việc tuyển chọn các chủng vi khuẩn tía quang hợp có khả năng sinh tổng hợp omega 6, 7, 9 và nghiên cứu sản xuất sinh khối vi khuẩn tía quang hợp làm nguyên liệu để tách chiết dầu sinh học giàu omega 6, 7, 9 trước khi xây dựng quy trình sản xuất dầu sinh học giàu omega 6, 7, 9 tách chiết được từ sinh khối vi khuẩn tía quang hợp. 
Đoàn công tác Bộ Công Thương thực hiện kiểm tra, thẩm định sản phẩm nhiệm vụ KHCN tại Viện Công nghệ sinh học 
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với Công ty CP Dược phẩm Novaco sản xuất 20.000 viên nang TPCN đã được đánh giá tính an toàn cũng như đánh giá tác dụng sinh dược. Kết quả cho thấy, sản phẩm có khả năng làm giảm các nồng độ lipid máu thông qua các chỉ số cholesterol, triglyceride, LDL-C và làm tăng HDL-C. Nếu được thương mại hóa, sản phẩm sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm TPCN chứa omega 6, 7, 9, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng. 
Sản phẩm Lives Omega 3 – 6 - 7 – 9 của đề tài.
Kết luận tại buổi làm việc, đoàn công tác đánh giá, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành đầy đủ về số lượng và chủng loại sản phẩm đã đăng ký với Bộ Công Thương. Các hồ sơ báo cáo, tài liệu, minh chứng sản phẩm,…được nhóm chuẩn bị tốt. Đoàn công tác đề nghị chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa một số thiếu sót nhỏ, hoàn thiện các báo cáo trước khi tiến hành nghiệm thu cấp quốc gia theo đúng quy định.
Vụ Khoa học và Công nghệ

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 0
  • 6
  • 4
  • 7
  • 7
lên đầu trang