Thứ bảy, 20/04/2024 | 06:26

Thứ bảy, 20/04/2024 | 06:26

Tin tổng hợp

Cập nhật 11:24 ngày 11/11/2020

Mô hình sản xuất nấm bào ngư

Nấm Bào ngư (Pleurotus), còn gọi là nấm dai, nấm sò, nấm hương chân ngắn, nấm trắng, nấm bình cô, là loài nấm được khuyến khích trồng nhiều ở các nước đang phát triển để tạo nguồn thực phẩm bổ sung và giải quyết các phế liệu nông, lâm nghiệp để giảm ô nhiễm và làm giàu hữu cơ cho đất.
Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Nấm Bào ngư được trồng chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc (sản lượng khoảng 3.000 tấn/năm). Nấm cũng được trồng với quy mô lớn ở một số tỉnh vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Ở miền Nam, trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 2 có khí hậu lạnh hơn, nên nấm Bào Ngư phát triển tốt và cho năng suất cao.
Nấm Bào ngư được trồng trên các loại cây gỗ hoặc cùi, thân bẹ bắp, rơm rạ lúa mì, lúa mạch, lúa nước, nhiều loại mùn cưa, thân vỏ cây đậu… Đây là loài nấm cho năng suất cao hơn các loài nấm khác.
Theo một kết quả điều tra của Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp TP.HCM trước đây, trên địa bàn thành phố có khá nhiều hộ, cơ sở sản xuất nấm (tập trung chủ yếu tại các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ), quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ (trung bình 578 m2/cơ sở với năng suất 60 tấn/lứa/ha). Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện một số mô hình trồng nấm đạt hiệu quả cao, kết hợp sản xuất phôi nấm và sản xuất nấm nguyên liệu.
Quy trình nuôi trồng và sản xuất nấm Bào Ngư
Chuẩn bị, xây dựng mô hình
Nguyên vật liệu và hóa chất: khoai tây; glucose; agar; hạt lúa gạo (có thể thay bằng hạt lúa mì, bo bo (shorghum), hạt bắp …); thân cây khoai mì; mạt cưa cao su; cám gạo, bột bắp,…
Dụng cụ, máy móc thiết bị: cân; chậu, thau nhựa lớn; đèn cồn, ben kẹp, dao cấy; lò hấp; xe đẩy và khay gỗ; xẻng; tủ cấy.
Nhà xưởng: nhà làm bịch phôi; nhà trồng nấm.
Quy trình nuôi trồng và sản xuất nấm
Quy trình nuôi trồng và sản xuất nấm Bào ngư
Mô tả quy trình
Giống gốc: phân lập từ quả thể nấm Bào ngư
- Chuẩn bị: môi trường PGA (khoai tây: 200 g/L, glucose: 20 g/L, agar: 20 g/L), pH 6,5, hấp khử trùng ở 121oC trong 20 phút. Đổ môi trường vào đĩa petri trong điều kiện vô trùng và để môi trường ở nhiệt độ phòng.
- Phân lập: vệ sinh mẫu nấm, gọt bỏ gốc, vệ sinh mặt ngoài, tiến hành lau cồn, tách đôi tai nấm. Dùng dao mổ (hay dao có mũi nhọn) khử trùng dưới ngọn lửa đèn cồn, cắt lấy một phần mô thịt nấm và chuyển vào môi trường thạch đĩa PGA, nuôi ủ ở nhiệt độ phòng 28 ± 2°C, thường xuyên triểm tra để phát hiện mẫu nhiễm và loại bỏ. Sau 5-7 ngày, các khuẩn ty nấm sẽ mọc ra từ mô thịt. Dùng dao mổ cắt lấy mẫu thạch tơ nấm và cấy chuyển sang môi trường PGA mới để thu được tơ nấm thuần. Sau đó, tơ nấm thuần được đưa vào sản xuất và được bảo quản giữ giống trong điều kiện 4oC.
Meo thạch: sử dụng môi trường thạch đĩa PGA. Cấy chuyền mẫu thạch tơ nấm giống gốc vào tâm ống nghiệm thạch nghiêng hoặc đĩa thạch. Ủ ở nhiệt độ phòng 28 ± 2°C trong 5-7 ngày.
Meo gạo: sử dụng hạt lúa gạo (có thể thay thế bằng hạt lúa mì, bo bo (shorghum), hạt bắp …).  Hạt lúa cho vào nước, loại bỏ các hạt lép và trấu. Nấu sôi đến khi hạt lúa nứt 1/3 nhìn thấy hạt gạo bên trong, vớt ra để ráo. Cho vào ống nghiệm hay chai nhỏ hoặc bịch PP, đậy nút bông. Hấp khử trùng ở 1 atm (121°C) trong 40-60 phút. Để nguội, cấy sợi tơ nấm từ môi trường thạch vào môi trường meo hạt.
Meo cọng: thường dùng thân cây khoai mì làm meo cọng. Khoai mì chẻ nhỏ 0,5-0,7 cm chiều ngang, dài 10-12 cm. Ngâm vào dung dịch nước vôi trong 24-48 giờ. Vớt để ráo, cho vào bịch hấp khử trùng 1 atm trong 40-60 phút. Meo hạt lúa sau khi tơ mọc phủ kín có thể được cấy thẳng vào meo cọng.
Meo phôi: dùng mạt cưa cao su. Mạt cưa được làm ẩm với nước vôi 1% và ủ đống 24-72 giờ, bổ sung dinh dưỡng (cám gạo, bột bắp, vi lượng ..). Đóng bịch và hấp thanh trùng 100oC trong 8-10 giờ, để nguội. Cấy meo cọng khoai mì khi lan đầy sợi tơ nấm vào meo phôi.
Ủ bịch phôi mùn cưa và chăm sóc cho ra nấm: khi tơ nấm lan đầy bịch, bịch phôi được chuyển ra nhà trồng, xếp trên kệ hoặc treo dây để ra quả thể. Tiếp tục ủ khoảng 7 ngày để tơ nấm dày lên rồi tiến hành tưới nước cho nấm. Nhiệt độ nuôi trồng 20°C, độ ẩm 80-85%. Trong thời gian này, tiến hành tưới nấm 3-4 lần/ngày.
Thu hái: khi thu hái tai nấm to thì các nụ nấm non còn lại có thể bị héo mà không mọc tiếp. Do đó, phải thu cùng lúc tất cả nấm trên một bịch một cách hợp lý để không mất nhiều nụ nấm còn non. Dùng dao cắt và gỡ cuống dính trên bịch  khi thu hái nấm Bào ngư. Cũng có thể hái nấm bằng tay, nhưng cần cắt ngay cuống nấm có dính mùn cưa để mùn cưa không rơi vào các khe giữa phiến nấm.
Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế
Với cơ sở vật chất là nhà trồng với diện tích 100 m2 và hệ thống tưới phun sương dọc theo chiều dài nhà trồng, có thể trồng được 10.000 bịch phôi nấm Bào ngư. Một vụ trồng hường kéo dài trong 4 tháng. Chi phí và lợi nhuận sản xuất nấm Bào như sau:
Chi phí sản xuất 10.000 bịch phôi
Chi phí sản xuất cho 10.000 bịch phôi là 37,58 triệu đồng (giá thành 3.758 đồng/bịch phôi). Với lượng bịch phôi dự kiến sản xuất sau 2 ngày là 2.500 bịch (một năm có thể sản xuất khoảng 300.000 bịch phôi). Lợi nhuận thu được khi sản xuất bịch phôi là 72,6 triệu đồng/năm (với giá bán là 4.000 đồng/bịch).
Lợi nhuận sản xuất trong năm (với 300,000 bịch phôi)
Chi phí sản xuất cho một nhà trồng/vụ (10.000 bịch phôi)
Chi phí sản xuất cho một nhà trồng/vụ (10.000 bịch phôi) là 65,84 triệu đồng. Với năng suất bình quân 300g nấm Bào ngư tươi/bịch, với giá thành nấm Bào ngư thấp nhất hiện nay là 25.000 đồng/kg. Lợi nhuận thu được là 9,16 triệu đồng.
Bảng kê chi phí đầu tư và lợi nhuận thu được sau một vụ trồng
Nấm Bào ngư là loài nấm dễ trồng, cho năng suất cao và mang lại giá trị kinh tế cao. Mặc dù đầu tư ban đầu khá cao, nhưng bù lại, nấm Bào ngư cho thu hoạch liên tục trong vòng 4 tháng. Từ khi trồng cho tới khi thu hoạch cần khoảng 70 ngày. Mỗi 10 ngày, nấm cho thu hoạch một lần, hơn nữa, có thể điều chỉnh được sự ra quả thể của nấm theo nhu cầu thị trường. Với những gia đình có diện tích nuôi trồng lớn, đây là một lợi thế lớn, giúp hàng ngày đều cho sản lượng nấm tương đương với nhau. Hiện nấm Bào ngư trên thị trường có giá khoảng 25.000-45.000 đồng/kg (có thể lên 100.000đồng/kg vào những ngày cao điểm như cuối tuần hoặc lễ, tết). Ngoài ra, sau khi thu hoạch có thể tận dụng bịch phôi nấm để trồng nấm rơm. Vì thế, quy trình nuôi trồng và sản xuất nấm Bào ngư có tiềm năng chuyển giao rất lớn.
Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao.
Địa chỉ: Ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM.
Điện thoại: (028) 3886 2726, 3537 5910
Theo Trang Trung tâm Thông tin và Thống kê KH & CN TP.HCM
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 0
  • 8
  • 6
  • 9
  • 8
lên đầu trang