Thứ tư, 24/04/2024 | 16:35

Thứ tư, 24/04/2024 | 16:35

An toàn thực phẩm

Cập nhật 08:57 ngày 10/09/2020

Bộ Công Thương: Đẩy mạnh thực thi vai trò quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Với vai trò là 1 trong 3 Bộ có trách nhiệm chính trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã có những chỉ đạo cụ thể, giải pháp thiết thực tương ứng từng thời điểm góp phần cùng các bộ ngành khác xây dựng một thị trường thực phẩm an toàn.
Phóng viên báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Đào Trọng Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) xung quanh vấn đề này.
Thực hiện vai trò quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai những giải pháp gì nhằm góp phần xây dựng một thị trường thực phẩm an toàn, thưa ông?
Với vai trò là 1 trong 3 Bộ có trách nhiệm chính trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được phân công tại Điều 64 Luật an toàn thực phẩm, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã có những chỉ đạo cụ thể, giải pháp thiết thực tương ứng từng thời điểm góp phần cùng các bộ ngành khác xây dựng một thị trường thực phẩm an toàn. Có thể nhóm thành 5 giải pháp tiêu biểu.
Ông Đào Trọng Cường
Giải pháp thứ nhất, Bộ đã từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm. Theo đó, thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước được phân công tại Luật an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ ngành góp ý kiến, chủ trì xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó đáng chú ý là các văn bản: Luật Phòng chống tác hại của rượu bia; Nghị định 105/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu…
Giải pháp thứ 2, Bộ đã phối hợp cùng các Bộ ngành trong công tác chỉ đạo, triển khai quản lý ATTP theo quá trình sản xuất, dựa trên phân tích nguy cơ gây ô nhiễm, tăng cường công tác kiểm tra
Bộ Công Thương đã chỉ đạo thực hiện dự án mô hình chợ an toàn thực phẩm trên cả nước. Tính đến nay, số tỉnh/thành phố có mô hình là 63/63 tỉnh (Hà Nội không sử dụng ngân sách Trung ương mà sử dụng ngân sách địa phương để xây dựng mô hình), đảm bảo đúng mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ đã giao đến năm 2020 “100% các tỉnh, thành phố có mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm” tại Quyết định phê duyệt dự án an toàn thực phẩm thuộc Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số. Từ mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm được xây dựng từ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ, một số địa phương đã bố trí ngân sách địa phương để nhân rộng tại địa phương mình, điển hình như: Thanh Hóa (đã nhân rộng 02 mô hình và hỗ trợ 90 chợ hoàn thành để công bố chợ đạt chuẩn TCVN 11856:2017 – Chợ Kinh doanh thực phẩm), Ninh Bình (nhân rộng 03 mô hình), Hòa Bình (đã nhân rộng 05 mô hình), Tiền Giang (đã nhân rộng 02 mô hình), Bà Rịa – Vũng Tàu (đã nhân rộng 03 mô hình), TP Hồ Chí Minh (năm 2019 cũng đã lựa chọn mỗi huyện 01 chợ để nhân rộng mô hình). Công tác kiểm tra đặc biệt là hậu kiểm theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Giải pháp thứ 3, Bộ đã đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục, tuyên truyền. Hoạt động tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được Bộ Công Thương đẩy mạnh, tập trung vào dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động ATTP, Tết Trung thu, mùa du lịch, lễ hội. Ngành Công Thương đã tổ chức nhiều Hội thảo phổ biến các chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ về ATTP trong tình hình mới, đẩy mạnh vai trò của các Hiệp hội trong việc đưa thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.
Giải pháp thứ 4, công tác đào tạo, tăng cường tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; tổ chức đào tạo lại cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm tra các tuyến. Công tác đào tạo, tập huấn kiến thức ATTP cho đối tượng là chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cán bộ quản lý chợ, người tiêu dùng cũng được đẩy mạnh thực hiện.
Riêng với hoạt động xây dựng và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn và hậu kiểm về an toàn thực phẩm thời gian qua đã được triển khai ra sao, thưa ông?
Giai đoạn 2016-2020, triển khai Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, Bộ Công Thương đã ưu tiên bố trí kinh phí tổ chức các lớp đào tạo, phổ biến, hướng dẫn cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, tư vấn và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm tiên tiến (GMP, GHP, HACCP, ISO 22000) cho doanh nghiệp. Đồng thời, phổ biến cho các địa phương áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam về Chợ kinh doanh thực phẩm. Từ năm 2017 – 2020, Bộ Công Thương đã và đang hướng dẫn 36 địa phương triển khai xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP); trong đó có hướng dẫn các địa phương áp dụng TCVN 11856:2017 để xây dựng mô hình. Bên cạnh đó, Bộ chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với tổ chức Codex, các tổ chức kỹ thuật quốc tế về an toàn thực phẩm để đẩy mạnh việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho các sản phẩm thực phẩm được phân công quản lý.
Đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
Ngày 07/9/2018, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã ký phê duyệt Quyết định số 3263/QĐ-BCT ban hành “Lộ trình hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Công Thương đến năm 2025”, trong đó có kế hoạch xây dựng các QCVN lĩnh vực an toàn thực phẩm. Bộ Công Thương cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học tại các viện nghiên cứu, các trường đại học trong ngành Công Thương tập trung nghiên cứu xác định, đánh giá và đưa ra các giải pháp can thiệp nhằm cải thiện tình trạng an toàn thực phẩm tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Với hoạt động hậu kiểm về an toàn thực phẩm, nhằm mục tiêu ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, có nguồn gốc nhập lậu và gian lận thương mại, hàng thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 657/KH-BCT ngày 03 tháng 02 năm 2020 triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2020 của ngành Công Thương.
Theo đó Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tổ chức các đoàn kiểm tra công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ tại 14 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, Gia Lai, Tây Ninh, Vũng Tàu, Kiên Giang, Bến Tre và giao Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Qua 6 tháng đầu năm 2020 ghi nhận, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 5.670 vụ, xử lý 3.572 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính gần 9,3 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ hơn 19,1 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm bị thu giữ là: 2.950 chai và 2.085 lít rượu; 44.210 lon bia;
Cùng với việc tiếp tục thực hiện vai trò là một trong 3 cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề an toàn thực phẩm, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các nhóm nhiệm vụ gì, thưa ông?
Với vai trò là một trong 3 cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề an toàn thực phẩm, từ đầu năm 2020 cho đến thời điểm này và trong thời gian tới, Bộ Công Thương luôn thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo đúng quy định tại Luật an toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm và theo đúng 7 nhiệm vụ trọng tâm tại Báo cáo số 223/BC-CP của Chính phủ.
Một số nhóm nhiệm vụ cụ thể sẽ được thực hiện là phổ biến, hướng dẫn thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; Tăng cường nội dung thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm; Phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; Đẩy mạnh công tác truyền thông; Tăng cường công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp đối với thực phẩm chức năng...
Theo: Báo Công Thương
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 4
  • 8
  • 3
  • 6
  • 0
lên đầu trang