Thứ ba, 23/04/2024 | 18:42

Thứ ba, 23/04/2024 | 18:42

Tin Đề án

Cập nhật 07:51 ngày 28/08/2020

Sản xuất sinh khối nấm thượng hoàng: Đề tài chất lượng, hứa hẹn hiệu quả

Trong khuôn khổ Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, Bộ Công Thương đã giao Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam) thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất sinh khối nấm thượng hoàng và ứng dụng để sản xuất thực phẩm chức năng”.
Đề tài chất lượng
Báo cáo với Đoàn công tác kiểm tra định kỳ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, do Bộ Công Thương thành lập mới đây, TS. Nguyễn Thị Minh Huyền - Chủ nhiệm đề tài - cho biết, nấm thượng hoàng có tên khoa học là Phellinus linteus - một loại nấm thuốc được sử dụng ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trong nhiều thế kỷ, để ngăn ngừa bệnh rối loạn chức năng dạ dày ruột, xuất huyết và ung thư.

Đoàn công tác kiểm tra định kỳ làm việc với Viện Công nghệ sinh học
Hiện tại, nấm thượng Hoàng được bán tại Việt Nam chủ yếu dưới dạng quả thể và nhập khẩu từ Hàn Quốc, với giá bán đắt gấp 3 - 4 lần so với nấm linh chi được trồng và thu hoạch theo cùng một thời gian. Trong tự nhiên, loại nấm này thường mọc ở những vùng rừng sâu, núi cao hiểm trở, đặc biệt là các khu rừng nguyên sinh. Do đó, việc tìm được nấm thượng hoàng trong tự nhiên rất hiếm. Đồng thời, thời gian sinh trưởng để cho ra quả thể có giá trị trong y học cũng rất dài. Vì vậy, việc tìm được điều kiện môi trường phù hợp để trồng nấm này rất cần thiết.
Xuất phát từ thực tế đó, đề tài đặt ra mục tiêu tạo sinh khối nấm thượng hoàng và sản xuất thiết bị lên men chìm, nhằm phục vụ riêng cho sản xuất sinh khối. Việc này khắc phục được khuyết điểm của nhân nuôi dưới dạng quả thể như: Có thể chủ động được điều kiện nuôi cấy trong các bình lên men và nhân nuôi tập trung, không tốn nhiều diện tích cũng như không phá hoại môi trường sinh thái, do việc tìm kiếm nấm trong tự nhiên có thể gây ra.
Đây là đề tài mới đầu tiên về triển khai tạo hệ thống lên men dạng sợi cho nấm thượng hoàng tại Việt Nam ở quy mô lớn.
Chủ động nguyên dược liệu
Đến thời điểm hiện tại, nhóm nghiên cứu đã đi được 2/3 chặng đường, hoàn thành 7/9 nội dung với 36/42 công việc cụ thể. Theo đó, 2 nội dung đã được hoàn thiện thêm so với kỳ kiểm tra trước đó là triển khai sản xuất thử nghiệm sinh khối nấm thượng hoàng quy mô 350 lít/mẻ, nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn và kiểm nghiệm chất lượng của sinh khối nấm, sản phẩm thực phẩm tạo ra.
Đề tài thành công sẽ góp phần tạo ra nguồn nguyên liệu dược liệu quý dùng để sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng, giúp nâng cao sức khỏe của người dân với giá thành rẻ hơn mua từ nước ngoài. Đặc biệt, những sản phẩm của đề tài như bột sinh khối nấm, bột hòa tan uống liền, dạng trà túi lọc chứa tinh chất nấm là những sản phẩm mới lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường Việt Nam, do đơn vị trong nước sản xuất.
Theo đánh giá chung của đoàn công tác, đây là đề tài có chất lượng với các nội dung nghiên cứu kỹ lưỡng, số liệu đáng tin cậy. Về mặt kinh tế, nếu được chuyển giao công nghệ sớm sẽ cho hiệu quả kinh tế tốt, do nhu cầu về các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư tại nước ta rất cao. Thậm chí, nếu được đầu tư nghiên cứu sâu hơn theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, sản phẩm có khả năng xuất khẩu. Ngoài ra, việc thực hiện thành công đề tài cũng góp phần nâng cao năng lực khoa học của cán bộ nghiên cứu, năng lực đưa nghiên cứu vào ứng dụng…
Theo Báo Công Thương
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 4
  • 0
  • 7
  • 0
  • 0
lên đầu trang