Thứ sáu, 29/03/2024 | 18:55

Thứ sáu, 29/03/2024 | 18:55

Tin tổng hợp

Cập nhật 09:18 ngày 18/08/2020

Hiệu quả ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi và trồng trọt tại huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa)

Thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 4-3-2005 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, thời gian qua, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện Cẩm Thủy đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Mô hình chăn nuôi gà bằng công nghệ đệm lót sinh học quy mô 4.000 con của gia đình ông Cao Văn Giới, xã Cẩm Tú.
Xác định CNSH là hoạt động mang lại năng suất và thu nhập cao đối với lĩnh vực nông nghiệp, sau 15 năm triển khai thực hiện tại địa phương đã tạo nên sự chuyển biến rõ nét về năng suất cây trồng, chất lượng vật nuôi, công tác xử lý môi trường. Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện Cẩm Thủy đã đưa giống cây trồng có ứng dụng CNSH vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa, xây dựng một nền nông nghiệp bền vững. Hàng năm đơn vị đã triển khai xây dựng các mô hình điểm về cây trồng nông lâm nghiệp; đưa các loại giống lúa lai, ngô lai, cây keo nuôi cấy mô... từ đó chọn lọc những bộ giống có tiềm năng cho năng suất cao, chất lượng tốt chống chịu sâu bệnh khá. Cụ thể, từ năm 2013 đến năm 2018, huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai mô hình trồng cây keo nuôi cấy mô với diện tích 33 ha tại xã Cẩm Tân. Do áp dụng đúng quy trình trồng, chăm sóc nên cây giống sinh trưởng và phát triển đồng đều, sạch sâu bệnh, ít bị đổ ngã hơn so với các loại giống cây keo khác. Năm 2015, UBND huyện đã phối kết hợp với Công ty Mosanto và Công ty Syngenta xây dựng mô hình ngô biến đổi gen áp dụng CNSH và mô hình kháng sâu đục thân, kháng thuốc trừ cỏ. Trong đó: Mô hình kháng thuốc trừ cỏ được thực hiện trên 2,5 ha; mô hình kháng sâu đục thân 2,5 ha; mô hình kháng sâu khoang, sâu đục bắp 2 ha. Các mô hình nói trên đã tổ chức hội thảo đầu bờ, được cán bộ và bà con nông dân trên địa bàn huyện đánh giá cao. Đến nay các giống ngô biến đổi gen này được bà con nông dân áp dụng rộng rãi trong sản xuất.
Việc ứng dụng CNSH trong phát triển chăn nuôi cũng đã đem lại hiệu quả rõ nét như: Sử dụng bình khí nitơ để kéo dài thời gian bảo quản tinh dịch bò; tập trung lai hóa đàn bò để cải thiện tầm vóc đàn bò cái nền, tăng trọng lượng và giá trị với giống bò lai Brahman, Droughmaster, BBB. Kết quả từ năm 2005 đến nay, công tác truyền tinh nhân tạo cho đàn trâu, bò được 4.774 con (trong đó đàn bò 4.618 con, đàn trâu 156 con), số bê, nghé lai ra đời phát triển tốt, trọng lượng cao hơn nhiều so với giống trâu, bò bản địa. Mô hình nuôi gà công nghiệp bán chăn thả tại xã Cẩm Tú, quy mô thực hiện 6.000 con; mô hình nuôi gà công nghiệp bán chăn thả tại xã Cẩm Thành, quy mô 10.000 con; ứng dụng CNSH trong chăn nuôi gà thả vườn, bằng phương pháp sử dụng đệm lót sinh học Balasa tại xã Cẩm Bình quy mô 600 con để giảm ảnh hưởng tới môi trường sinh thái; mô hình nuôi dê sinh sản, dê lấy thịt tại xã Cẩm Yên... cho năng suất và chất lượng cao. Ngoài ra, huyện cũng đã triển khai dự án giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, bằng việc xây dựng hầm khí biogas. Bên cạnh đó, huyện đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ biogas, sử dụng vi sinh vật để xử lý chất thải từ việc chăn nuôi gia súc thành khí biogas phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của các hộ gia đình, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Các mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học, đặc biệt là chăn nuôi gà, sử dụng chế phẩm EM từng bước được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi để khử mùi hôi, vệ sinh chuồng trại, chế biến phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Song song với đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện còn phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn như: Kỹ thuật trồng nấm rơm, nuôi gà thả vườn, nuôi và phòng trừ bệnh cho lợn, trồng rau an toàn, chế biến và bảo quản nông sản...; tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, an toàn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, IPM, ICM trên cây lúa, cây lạc; kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản, trồng nấm trên nguyên liệu rơm rạ, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi... Các kiến thức sau khi được đào tạo, tập huấn đã được các học viên áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất.
Ông Hà Thanh Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Thủy cho biết: Ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp được coi là giải pháp đột phá, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Vì vậy, thời gian qua ngành nông nghiệp đã có nhiều chủ trương, chính sách về đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNSH trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt. Qua đó từng bước đưa các giống cây trồng, vật nuôi có ưu thế vào sản xuất, nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi; bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Theo đó, địa phương sẽ tiếp tục lựa chọn và ứng dụng CNSH để thử nghiệm, từng bước nhân rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất đối với các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp với điều kiện của huyện như: Phát triển đàn bò lai, lợn nái ngoại, cây ăn quả, các giống lúa đặc sản, rau củ quả và nuôi trồng thủy sản. Phấn đấu đến năm 2030, các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, truyền thống của huyện được bảo hộ sở hữu công nghiệp, xác lập chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và quản lý, sử dụng có hiệu quả. Tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng lớn; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ quy mô tập trung theo hướng liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp. Phát triển và áp dụng CNSH phục vụ chế biến và bảo quản thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón chức năng, thuốc sinh học phòng trừ sâu bệnh... theo hướng tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương để sản xuất phân bón vi sinh; bảo quản và chế biến nông sản; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ sau thu hoạch từ khâu bảo quản, sơ chế và chế biến các sản phẩm cho ngành nông nghiệp; từng bước đưa vào ứng dụng hệ thống kiểm tra chất lượng nông sản, thực phẩm chế biến đạt tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Để CNSH thực sự phát triển, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp bền vững, thiết nghĩ thời gian tới, địa phương cần có sự phối hợp của các cấp, các ngành và doanh nghiệp trong triển khai các chương trình, mô hình, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất. Tăng cường cho người dân tiếp xúc với các thành quả của CNSH để người dân biết và từng bước ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đời sống. Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, triển khai các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lấy doanh nghiệp làm hạt nhân để hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ từ sản xuất đến tiêu thụ thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Theo Báo Thanh Hóa
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 3
  • 8
  • 7
  • 1
  • 1
  • 9
lên đầu trang