Thứ năm, 28/03/2024 | 18:22

Thứ năm, 28/03/2024 | 18:22

Tin tổng hợp

Cập nhật 07:48 ngày 31/07/2020

Quy trình xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ

 I. Mục đích và tiềm năng ứng dụng
Trong những năm gần đây, đồng hành cùng với xu thế toàn cầu về một nền nông nghiệp bền vững, Trung tâm Công nghệ Sinh học Tp. HCM nói chung và Tổ CNSH Môi trường nói riêng đã nghiên cứu và sản xuất thành công chế phẩm vi sinh có chứa bộ chủng vi sinh vật vi khuẩn, vi nấm đối kháng như Bacillus subtilis, Streptomyces spp., Trichoderma spp. (BIMA-COMPOST) có tác dụng trọng việc thúc đẩy quá trình phân hủy các chất hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học. Bên cạnh đó, chế phẩm vi sinh cũng đem lại hiệu quả cao trong canh tác nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng:
- Đối kháng được các loại nấm bệnh cây trồng gây bệnh thối rễ, chết yểu, xì mủ,… do các nấm bệnh gây nên như Rhizoctonia, Fusarium solani, Phytophtora, Sclerrotium rolfsii,…
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật cố định đạm phát triển tốt trong đất.
- Sinh tổng hợp các enzyme cellulase, chitinase, protease, pectinase, amlylase nên có khả năng phân giải tốt các chất xơ, chitin, lignin, pectin trong phế thải hữu cơ thành các đơn chất dinh dưỡng, tạo điều kiện cho cây hấp thu được dễ dàng
- Kết hợp với phân hữu cơ có tác dụng cải tạo đất xốp hơn, chất mùn nhiều hơn, đất trồng có độ phì cao hơn.
- Hạn chế việc sử dụng các phân bón hoá học và thuốc trừ sâu hoá học độc hại.
- Có thể sử dụng kết hợp với một số chế phẩm vi sinh khác như biolactyl, subtyl, … để sản xuất chế phẩm Microfost phân hủy phân hầm cầu, và xử lý đáy ao hồ nuôi tôm cá, khử mùi hôi ở bãi phân, chuồng trại, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường; phối trộn để sản xuất phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ sinh học, tăng cường khả năng chống nấm bệnh gây hại hệ thống rễ cây trồng và cải tạo đất.
Quy trình xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp (ví dụ như: rơm rạ, tro trấu, xơ dừa, phân chuồng,…) thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh BIMA-COMPOST của Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM nhằm tái sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp không những góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn cung cấp số lượng lớn giá thể trồng cây phục vụ hoàn nguyên chất dinh dưỡng về nền đất canh tác, nằm trong xu hướng phát triển các mô hình canh tác nông nghiệp không phát thải và nông nghiệp phục hồi. Giúp người sử dụng tiết kiệm chi phí mua phân bón hữu cơ thương mại đồng thời bảo vệ môi trường nhờ việc tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp (chất thải hữu cơ, chất thải gia cầm…) thành phân bón hữu cơ.
Về lâu dài, việc ứng dụng quy trình này cho mô hình canh tác nông nghiệp là hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển nền nông nghiệp carbon thấp, giảm thiểu phát sinh khí gây hiệu ứng nhà kính, phù hợp với định hướng phát triển của chương trình Nông thôn mới.
II. Quy trình, phương pháp thực hiện
1. Quy trình
2. Thuyết minh quy trình
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu ủ
Nguyên liệu để ủ phân hữu cơ gồm có rơm rạ, phân bò và chế phẩm BIMA-COMPOST. Ngoài ra có thể bổ sung thêm các loại phế phụ phẩm nông nghiệp khác.
Bước 2: Bố trí đống ủ
Bố trí đống ủ nên có đất nền hoặc xi măng, nơi ủ phải khô ráo, hoặc lót bên dưới bằng bạt nilong. Thiết kế những rãnh nhỏ xung quanh đống ủ nhằm thu hồi nước rỉ rác sử dụng tăng độ ẩm đống ủ khi cần thiết hoặc phải đưa trực tiếp đến khu xử lý nước thải trước khi đưa ra môi trường xung quanh.
Đống ủ bố trí theo hình chóp chiều cao 1.5 m, khối lượng khoảng 5 đến 10 tấn nguyên liệu đầu vào. Nguyên liệu ủ được xếp theo từng lớp: lớp dưới cùng là rơm rạ, tiếp theo là lớp phân bò (Bổ sung thêm 20% theo thể tích so với nguồn nguyên liệu chính) và chế phẩm BIMA-COMPOST (liều lượng 4kg/tấn nguyên liệu), tưới thêm nước để độ ẩm đạt 50 – 60%, tiếp tục lặp lại để đạt chiều cao theo yêu cầu.
Đống ủ được lót bạt bên dưới để tránh rửa trôi chất dinh dưỡng và đậy bạt ở trên để che mưa và giữ nhiệt, đảo trộn định kỳ 10 – 14 ngày/lần, thời gian theo dõi trong 42 - 45 ngày.
Bước 3: Theo dõi đống ủ
Sau khi ủ vài ngày nhiệt độ của đống ủ sẽ tăng lên khoảng 40 – 500C, nhiệt độ này làm cho nguyên liệu ủ bị khô và không khí cần cho hoạt động của vi sinh vật cũng ít dần, vì vậy cứ khoảng từ 10 – 14 ngày tiến hành kiểm tra, đảo trộn. Đảo trộn khối ủ từ trên xuống, từ dưới lên, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong để khối ủ đồng đều, cung cấp thêm oxy, giải phóng bớt nhiệt để vi sinh vật tiếp tục hoạt động, phân huỷ.
Bước 4: Kiểm tra và chế biến sản phẩm sau quá trình ủ xử lý thành phân bón hữu cơ
Sau khi kết thúc quá trình ủ hoai mục rơm rạ có kết hợp bổ sung phân bò và chế phẩm vi sinh BIMA-COMPOST. Thành phẩm cần được đưa qua công đoạn chế biến nếu muốn trở thành các dạng phân bón theo thông tư 41/2014/TT- BNNPTNT ngày 13 tháng 11 năm 2014 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
III. Ưu điểm của quy trình - Hiệu quả kinh tế
- Dễ thực hiện ở quy mô hộ nông dân hoặc quy mô công nghiệp.
- Ít tốn kém chi phí đầu tư máy móc, thiết bị, có thể tiến hành ủ ngoài trời.
- Cán bộ kỹ thuật trung tâm phối hợp thực hiện với đơn vị có nhu cầu để làm các mô hình thực địa => Thiết kế quy trình ủ xử lý phù hợp với từng điều kiện sẵn có tại địa phương.
- Giải pháp chủ lực trong các nhóm giải pháp phục vụ cho việc phát triển nền nông nghiệp hữu cơ bền vững.
- Hướng đến xây dựng thành công mô hình canh tác nông nghiệp không phát thải (zero waste agriculture)
- Tiết kiệm chi phí mua phân bón, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao sức khỏe của đất.
IV. Thông tin liên hệ chuyên gia quy trình và chế phẩm sinh học
Chuyên gia:               Thạc sĩ Nguyễn Tấn Đức
Đơn vị công tác:        Tổ CNSH Môi trường, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM
Số điện thoại:            090 784 6110
Email:                        [email protected]
Nguồn: Trung tâm Công nghệ Sinh học TP. Hồ Chí Minh
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 3
  • 7
  • 8
  • 3
  • 0
  • 9
lên đầu trang