Thứ bảy, 20/04/2024 | 20:42

Thứ bảy, 20/04/2024 | 20:42

An toàn thực phẩm

Cập nhật 07:50 ngày 29/07/2020

Đà Nẵng: Tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh thực phẩm, nhu yếu phẩm, khẩu trang y tế

Trong thời gian Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội, Cục QLTT Đà Nẵng tăng cường giám sát giá cả, nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, găng tay y tế; đường dây nóng hoạt động 24/24 tiếp nhận phản ánh liên quan đến các vi phạm về đầu cơ, găm hàng; nâng giá quá mức quy định; niêm yết giá và bán không đúng giá niêm yết.
Lực lượng QLTT Đà Nẵng giám sát việc niêm yết giá, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng khẩu trang y tế, nước rửa tay diệt khuẩn, găng tay y tế chiều 27/7.
Ông Trần Phước Trí – Quyền Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (QLTT) Đà Nẵng cho biết bắt đầu từ ngày 25/7, các Đội QLTT sẽ liên tục thực hiện giám sát, khảo sát việc kinh doanh của các cửa hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, vật tư – thiết bị y tế trong việc thực hiện niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, khảo sát về giá cả, lượng hàng hóa.
Trong 2 ngày 26 và 27/7, Cục QLTT đã tiến hành giám sát, khảo sát gần 800 cửa hàng, đại lý kinh doanh thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, thiết bị - vật tư y tế. Trong đó, tại các cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế tập trung các mặt hàng chính là khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, găng tay y tế. Tại các cửa hàng tạp hóa giám sát kinh doanh các mặt hàng gạo, nhu yếu phẩm thiết yếu như nước mắm, mì chính, mì tôm, phở gói, bột nêm…

Ghi nhận tại nhiều nhà thuốc, các mặt hàng nước rửa tay, khẩu trang, găng tay được bày bán đa dạng, phong phú, giá cả không có sự đột biến (Tại nhà thuốc 02 Phan Đình Phùng, Hải Châu chiều 27/7)
“Cục QLTT sẽ theo dõi số lượng hàng hóa nhập vào, bán ra, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết sản phẩm. Lực lượng quản lý thị trường sẽ giám sát, khảo sát toàn bộ tất cả các cửa hàng tạp hóa, nhà thuốc, cơ sở kinh doanh lương thực, thực phẩm trong thời gian dịch bệnh. Trong trường hợp nhận được phản ánh của qua đường dây nóng, Cục QLTT sẽ kịp thời xác minh, kiểm tra và xử lý”, ông Trí nói.
Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp, ngày 27/7, Cục Quản lý thị trường thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh của người dân.
Theo đó, người dân sẽ liên hệ trực tiếp với ông Trần Phước Trí, Q.Cục trưởng, 02363.624154, 0898.243.333 để phản ánh các vấn đề liên quan đến các vi phạm về đầu cơ, găm hàng; nâng giá quá mức quy định; niêm yết giá và bán không đúng giá niêm yết đối với hoạt động kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, vật tư và trang thiết bị y tế dùng cho việc bảo vệ sức khỏe trên địa bàn thành phố.

Giám sát việc kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu tại các cửa hàng bán lẻ
Ghi nhận tại các cửa hàng, tạp hóa, hiệu thuốc kiểm tra trong chiều ngày 27/7, các mặt đều được niêm yết giá. Giá cả bình ổn như thời điểm không có dịch. Giá mặt hàng khẩu trang dao động từ 80.000 – 90.000 đồng/hộp tùy loại, nhãn hàng, dung dịch nước rửa tay dệt khuẩn từ 50.000 – 55.000 đồng/chai tùy loại. Các mặt hàng gạo, nhu yếu phẩm thiết yếu như nước mắm, mì chính, mì tôm, phở gói, bột nêm… giá cả bình ổn, không có hiện tượng tăng giá, găm hàng, khan hàng, hàng hóa dồi dào, sức mua có tăng so với những ngày trước nhưng không tăng mạnh.
Tuy vậy, vẫn còn một số cơ sở chưa thực sự chú trọng việc niêm yết giá hoặc niêm yết giá nhưng sơ sài.

Ông Trương Tiến Dũng (ngoài cùng bên trái) cho biết không có hiện tượng người dân mua gạo về trữ, giá các mặt hàng gạo bình ổn, không tăng, nguồn hàng dồi dào, đại lý thực hiện niêm yết giá rõ ràng
Ông Trương Tiến Dũng, chủ đại lý gạo Tiến Dũng (68 Lê Đình Dương, Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết cửa hàng hiện kinh doanh khoảng 10 loại gạo như Lài Sữa,  Hương Lài, Cỏ may, ST25,  Lài Miên…. Lượng gạo bán ra khoảng 3 ngày gần đây (từ khi Đà Nẵng có ca Covid – 19 BN416) cũng có tăng so với những ngày trước, nhưng không nhiều. “Đợt Covid – 19 trước (hồi tháng 3/2020) nhiều người dân đến mua gạo về trữ, nhưng lần này thì không. Mọi người đều biết là gạo không thiếu cũng không hết được nên không có hiện tượng mua về trữ nữa”, ông Dũng thông tin và cho biết giá các loại gạo không có biến động. Hàng về liên tục, hiện tại ở kho đang còn khoảng 8 tấn gạo và xe hàng khoảng 10 tấn gạo đang trên đường về, đảm bảo không bị đứt hàng hay khan hàng.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid – 19 tại TP. Đà Nẵng, UBND TP. Đà Nẵng đã quyết định tăng mạnh các biện pháp phòng chống Covid – 19. Theo đó, 6 quận của TP. Đà Nẵng sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Phong tỏa một số tuyến đường và 3 bệnh viện.

Mọi hoạt động bán lẻ tại TP. Đà Nẵng vẫn diễn ra bình thường, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá, khan hàng
UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu Cục QLTT tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; giám sát và xử lý (nếu có) đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng có hành vi đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý các mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, thực phẩm và các nhu yếu phẩm.
Phối hợp với Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng tiến hành làm việc với các đơn vị sản xuất, kinh doanh các mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, vật tư và trang thiết bị y tế; lương thực, thực phẩm trên địa bàn thành phố; đồng thời thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hoá và đảm bảo cung cấp đủ số lượng trang thiết bị y tế, hàng hoá tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo, ký cam kết với các cá nhân, tổ chức kinh doanh các mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, vật tư và trang thiết bị y tế dùng; lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ cho người dân trên địa bàn thành phố.
Theo Báo Công Thương
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 1
  • 4
  • 2
  • 7
  • 7
lên đầu trang