Thứ tư, 17/04/2024 | 02:06

Thứ tư, 17/04/2024 | 02:06

Bài báo khoa học

Cập nhật 09:42 ngày 27/08/2020

Ảnh hưởng của thức ăn giàu Lysine từ phế phụ phẩm cá tra đến tỷ lệ sống và tốc độ sinh trưởng của cá rô phi (Oreochromis sp.)

TÓM TẮT:
Tận dụng nguồn phế phụ phẩm từ cá tra để thủy phân và sử dụng chủng vi khuẩn Corynebacterium glutamicum có khả năng sinh lysine cao, Viện Nghiên cứu Hải sản đã sản xuất thử nghiệm thành công thức ăn thủy sản giàu lysine. Nghiên cứu thực hiện đánh giá hiệu quả của loại thức ăn này gồm 4 công thức bổ sung hàm lượng lysine khác nhau và công thức đối chứng trong việc nuôi cá rô phi đơn tính đực trên các chỉ tiêu như tỷ lệ sống và khả năng sinh trưởng bao gồm chiều dài và khối lượng. Công thức thức ăn tốt nhất để nâng cao sinh trưởng cá rô phi sau 45 ngày nuôi thử nghiệm là công thức 3 với hàm lượng lysine bổ sung là 1,5% cho tỷ lệ sống đạt 95,6%, tăng chiều dài trung bình 6,93 cm/con, khối lượng trung bình 93,97 g/con. Tốc độ tăng trưởng của cá rô phi về chiều dài đạt 0,15mm/ngày, 6,93%/ngày, tốc độ tăng trưởng về khối lượng đạt 2,09g/ngày, 11,17%/ngày. Trong khi đó, công thức đối chứng cho tỷ lệ sống chỉ đạt 91,3%, tốc độ tăng trưởng về chiều dài đạt 7,82 cm/con, nhưng sự tăng trưởng khối lượng đạt trung bình 74,53 g/con. Kết quả nghiên cứu là cơ sở lựa chọn được công thức thức ăn bổ sung lysine trong việc nuôi cá rô phi đơn tính đực tại Việt Nam.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Có đến 10 axit amin thiết yếu là thành phần trọng yếu trong thức ăn thủy sản, tuy nhiên lysine bị giới hạn nhất trong nguồn cung cấp protein sử dụng cho thủy sản [3, 10]. L-Lysine bản chất là một trong các axit amin thiết yếu mà người và động vật không tự được tổng hợp. Ở động vật nói chung và động vật thủy sản nói riêng, lysin rất cần thiết cho nhiều quá trình sinh hóa của tế bào, đặc biệt cho sinh tổng hợp các protein - enzyme (đặc biệt là hệ thống enzyme tiêu hóa), các hormone, các kháng thể; duy trì áp lực thẩm thấu, cân bằng axit - bazơ trong dịch thể; phát triển protein cơ, sự tăng trưởng, giữ vai trò chính trong hấp thụ canxi và miễn dịch của cơ thể [10]. Sự bổ sung lysine phù hợp trong khẩu phần ăn của động vật thủy sản có tác động tăng đáng kể tỷ lệ chuyển hóa thức ăn, tăng chất lượng, sản lượng thịt và tốc độ sinh trưởng [1, 5, 6, 16].
Hiện nay, tổng sản lượng cá tra xuất khẩu hàng năm đạt trên 1 triệu tấn [22], trong đó có 65-70% phế phụ phẩm ước tính tương đương với hơn 800.000 tấn [15]. Trong khi đó, phụ phẩm cá tra có hàm lượng protein cao (trên 40%), acid béo không sinh cholesterol, khoáng chất và các nguyên tố vi lượng, enzyme, chất kích thích sinh trưởng,... [14, 17] Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ enzyme để thủy phân phế phụ phẩm cá tra có thể tạo ra dịch thủy phân có hàm lượng cao các peptide ngắn khác nhau có hoạt tính kháng oxy hóa và đa dạng các axít amin không thay thế, trong đó có L-lysine [25].
Trên cơ sở ứng dụng công nghệ thủy phân bằng enzyme để khai thác tận dụng nguồn nguyên liệu phế phụ phẩm cá tra dồi dào trong các nhà máy chế biến, cùng với việc bổ sung bột lysine - là sản phẩm được sản xuất ra nhờ công nghệ lên men vi sinh vật sinh lysine năng suất cao, Viện Nghiên cứu Hải sản đã nghiên cứu sản xuất thử nghiệm thành công thức ăn thủy sản giàu lysine.
Cho đến nay, cá rô phi là loại cá được nuôi phổ biến nhất trên thế giới. Tính đến năm 2018, đã có 140 quốc gia và vùng lãnh thổ nuôi cá rô phi, sản lượng đạt 6,28 triệu tấn, tăng 3,8 % so với 2017. Ở Việt Nam, cá rô phi cũng được xác định là một trong những đối tượng quan trọng trong nuôi trồng thủy sản, với diện tích nuôi phân bố trong cả nước từ biên giới phía Bắc đến phía Nam của Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 30.000 ha, đạt sản lượng lớn 255.000 tấn trong năm 2018 [8, 21].
Chính vì vậy, nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá hiệu quả của thức ăn giàu lysine từ phế phụ phẩm cá tra trên đối tượng cá rô phi, tạo cơ sở tiền đề để hoàn thiện công nghệ và sản xuất thức ăn nuôi thủy sản quy mô lớn tại doanh nghiệp trong nội dung thực hiện của dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn nuôi thủy sản giàu lysine từ phế phụ phẩm cá tra” do Bộ Công Thương giao Viện Nghiên cứu Hải sản chủ trì.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Cá giống đưa vào thực hiện thí nghiệm là giống cá rô phi đơn tính đực, là kết quả lai xa khác loài giữa cá bố Oreochromis aureus và cá mẹ Oreochromis niloticus. Cá giống đã được thuần hóa độ mặn, có chiều dài trung bình 7,7 cm, khối lượng đạt 9,07 gam. Thí nghiệm thực hiện từ ngày 23/10/2019 đến ngày 06/12/2019 tại cơ sở nghiên cứu ở Bàng La, Đồ Sơn, Hải Phòng.
2.2. Bố trí thí nghiệm
Thí nghiệm được bố trí trong các bể 16m2 với mật độ nuôi 10 con/m2, tiến hành lặp lại 3 lần. Kích cỡ cá thí nghiệm đạt chiều dài trung bình 7,7cm, khối lượng đạt 9,07 gam. Các yếu tố môi trường nước thí nghiệm như sau: độ mặn 3.5 ± 0.4‰, nhiệt độ 27 ± 0,50C, DO 5,1 - 5,4 mg/l, pH 7,9 -8,2. Như vậy, các yếu tố này nằm trong khoảng phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của cá rô phi trong suốt thời gian thí nghiệm. 
Thí nghiệm gồm công thức đối chứng và 4 công thức thức ăn thí nghiệm có hàm lượng lysine khác nhau (Bảng 1). Các công thức thức ăn đều là dạng nổi, không tan trong nước. Công thức đối chứng sử dụng thức ăn công nghiệp của tập đoàn thức ăn thủy sản CP, hàm lượng protein đạt 30-35%. Bốn công thức thí nghiệm (1, 2, 3, 4) có hàm lượng lysine bổ sung lần lượt là 0,5%; 1%, 1,5% và 2%. Thành phần 4 công thức này gồm dịch đạm thủy phân phế phụ phẩm cá tra 10%; bột cá 20%; khô đậu tương 30%; cám gạo 10%; ngô lên men 8,5%; bột mỳ 10%; bột sắn 10%; khoáng 0,1% và vitamin 0,1%. Hàm lượng protein trong 4 công thức này đạt 36,75%, lipid 6,9%, xơ 4,3% và tro 9,68%. Lysine bổ sung vào công thức thức ăn là sản phẩm của dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn nuôi thủy sản giàu lysine từ phế phụ phẩm cá tra”mã số SXTN.05.19/CNSHCB, sản xuất từ quá trình lên men chủng vi khuẩn Corynebacterium glutamicum.
Cá được cho ăn 2 lần/ngày vào lúc sáng sớm (7 giờ) và chiều mát (16 giờ). Thời gian đầu cho ăn 5 - 7% tổng khối lượng cá. Lượng thức ăn cho ăn tùy thuộc vào tình hình thời tiết và sức khỏe của cá, lượng thức ăn cá ăn trong 1 giờ là đủ. Định kỳ 15 ngày thay 10 - 15% nước trong các bể thí nghiệm. Định kì kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá nuôi 15 ngày/ lần. Các yếu tố môi trường như nhiệt độ pH, DO, độ mặn được quan trắc liên tục hàng ngày bằng máy đo nhanh hoặc Test kit của SERA để kịp thời điều chỉnh.
Các chỉ tiêu đánh giá thí nghiệm gồm: tỷ lệ sống của cá (S - %), tăng trưởng khối lượng và chiều dài của cá (WG, DG); tốc độ sinh trưởng khối lượng, chiều dài tương đối của cá (SGR - %/ngày); tốc độ sinh trưởng khối lượng, chiều dài tuyệt đối của cá (DGR).
2.3. Phương pháp phân tích
Phương pháp đánh giá dựa trên nghiên cứu của Zaikov et al. (2008) [24]
+ Tăng trưởng khối lượng của cá (WG) (g) = Khối lượng trung bình của cá lúc thu Wf (g) − Khối lượng trung bình của cá lúc thả Wi (g).
+ Tốc độ sinh trưởng tương đối của cá (SGR - %/ngày).
SGRW = [(LnWf – LnWi)/t] x 100; SGRL = [(LnLf – LnLi)/t] x 100.
+ Tốc độ sinh trưởng tuyệt đối: DGRw (g/ngày) = (Wf - Wi)/t; DGRL (mm/ ngày) = (Lf - Li)/t.
Trong đó: Wi và Wf theo thứ tự là khối lượng lần trước và khối lượng lần sau.
Li và Lf theo thứ tự là chiều dài lần trước và chiều dài lần sau.
t là số ngày theo dõi thí nghiệm.
+ Tỷ lệ sống (%) = (số cá còn sống/ số cá thả nuôi) x 100.
2.4. Phương pháp xử lý số liệu
Số liệu được xử lý trên Microsoft Excel 2010 và phần mềm IBM SPSS Statistics 20 với phân tích ANOVA, LSD. Số liệu trình bày là giá trị trung bình ± độ lệch chuẩn SD.
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của thức ăn đến tỷ lệ sống của cá rô phi
Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của các công thức thức ăn khác nhau đến tỷ lệ sống của cá rô phi được thể hiện trên Hình 1.
Kết quả cho thấy tỷ lệ sống của cá rô phi có sự khác biệt rõ rệt giữa các công thức thức ăn bổ sung hàm lượng lysin khác nhau. Trong đó, công thức 4 cho tỷ lệ sống thấp nhất (90,6%), thấp hơn cả công thức đối chứng (91,3%). Hàm lượng lysine phù hợp bổ sung vào thức ăn cá rô phi từ 0,5% đến 1,5%. Tỷ lệ sống của cá rô phi ở công thức 1 và 3 cho tỷ lệ cao nhất, lần lượt là 96,3% và 95,6%. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai công thức này (p > 0,05).
3.2. Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của thức ăn đến khả năng sinh trưởng của cá rô phi
Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của thức ăn đến sự tăng trưởng khối lượng và chiều dài của cá rô phi được thể hiện ở Hình 2.
Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt rõ rệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05) về sự tăng trưởng khối lượng và chiều dài của cá rô phi giữa các công thức thức ăn. Các công thức thức ăn 1, 2 và 4 đều cho hiệu quả thấp hơn so với công thức đối chứng. Ở công thức 3, mặc dù sự tăng trưởng về chiều dài cá (6,93cm/con) thấp hơn không đáng kể so với công thức đối chứng (7,82 cm/ con) nhưng sự tăng trưởng khối lượng cá lại đạt cao nhất (93,97 g/con), gấp 1,26 lần so với công thức đối chứng (74,53 g/con) và gấp 1,71 lần so với công thức 4 (54,87 g/con).
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy thức ăn có ảnh hưởng rõ rệt đến sự tăng trưởng khối lượng tuyệt đối và tương đối của cá rô phi (Hình 3). Các công thức thức ăn 1, 2 và 4 đều cho hiệu quả thấp hơn so với công thức đối chứng và không có sự khácbiệt có ý nghĩa thống kê (p > 0,05). Trong khi đó, sự tăng trưởng khối lượng tuyệt đối và tương đối ở công thức 3 đạt cao nhất, lần lượt là 2,09 g/ngày; 11,17%/ ngày, gấp hơn 1,2 lần so với công thức đối chứng (1,65g/ngày; 9,06%/ngày) và gấp khoảng 1,7 lần so với công thức 4.
Thức ăn có ảnh hưởng nhưng không nhiều đến sự tăng trưởng chiều dài tương đối và tuyệt đối của cá rô phi (Hình 4). Sự tăng trưởng chiều dài tương đối không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các công thức thí nghiệm (p > 0,05). Sự tăng trưởng chiều dài đạt cao nhất ở công thức đối chứng, đạt 0,17mm/ngày và 7,85%/ngày. Trong khi đó, công thức 3 cũng cho hiệu quả chênh lệch ít, đạt 0,15mm/ ngày và 6,93%/ngày.
Như vậy, kết quả nghiên cứu cho thấy công thức thức ăn tốt nhất để nâng cao sinh trưởng cá rô phi sau 45 ngày nuôi thử nghiệm công thức 3. Các công thức 1, 2, 4 cho hiệu quả thấp hơn, thậm chí còn thấp hơn công thức đối chứng và khác biệt không nhiều.
3.3. Thảo luận
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng công thức 3 chứa đạm thủy phân phế phụ phẩm cá tra (36,75% protein) bổ sung 1,5% lysine cho hiệu quả cao nhất, với tỷ lệ sống đạt 95,6%, tăng khối lượng và chiều dài trung bình lần lượt là 93,97 g/con, 6,93 cm/con. Khi bổ sung nhiều lysine (2%), tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá rô phi bị giảm, thấp nhất trong các công thức thí nghiệm. Cũng tương tự nhiều nghiên cứu khác cho thấy khi bổ sung lysine phù hợp trong khẩu phần ăn của động vật thủy sản có tác động tăng đáng kể tỷ lệ chuyển hóa thức ăn, tăng chất lượng, sản lượng thịt và tốc độ sinh trưởng [1, 5, 6, 16]. Điều này được giải thích là do lysine acid amin thiết yếu, cần thiết cho nhiều quá trình sinh hóa của tế bào, đặc biệt cho sinh tổng hợp các protein-enzyme, hormone, kháng thể; duy trì áp lực thẩm thấu, cân bằng acid-base trong dịch thể; phát triển protein cơ, sự tăng trưởng, giữ vai trò chính trong hấp thụ canxi và miễn dịch của cơ thể [10]. Theo Walton et al. (1984), axit amin từ thức ăn một phần được sử dụng để tổng hợp nên protein và những sản phẩm sinh hóa cần thiết trong cơ thể, phần dư thừa sẽ bị oxy hóa và đào thải, đây là quá trình tiêu hao năng lượng [23]. Vì vậy, khi hàm lượng lysine bổ sung quá ngưỡng thích hợp, cơ thể cá phải tiêu hao một phần năng lượng này dẫn đến tốc độ sinh trưởng chậm lại.
Các nghiên cứu khác trên cá lăng M. nemurus của Tantikitti và Chimsung (2001), cá trác vàng S. aurata của Marcouli et al. (2006), cá bớp R. canadum của Zhou (2007), cá nheo Mỹ của Robinson et al. (1980) hay trên cá tra P. hypophthalmus của Trần Thị Thanh Hiền (2009) cũng cho thấy khi hàm lượng lysine quá cao, tốc độ sinh trưởng của cá bị giảm nhẹ [12, 18, 19, 20, 26]. Walton et al. (1984) lại cho rằng tốc độ tăng trưởng của cá hồi (S. gairdneri) tăng khi mức lysine trong thức ăn tăng 53g/kg protein nhưng mức lysine vượt cao hơn giá trị này thì tốc độ tăng trưởng của cá không đổi [23].
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng các công thức thức ăn bổ sung hàm lượng lysine khác nhau có ảnh hưởng rõ rệt đến tỷ lệ sống của cá rô phi. Hàm lượng lysine phù hợp bổ sung vào thức ăn cá rô phi từ 0,5% đến 1,5%. Trong khi đó, công thức 4 với tỷ lệ lysine cao nhất (2%) lại cho tỷ lệ sống thấp nhất (90,6%), thấp hơn cả công thức đối chứng (91,3%). Điều này có thể giải thích do lượng lysine quá cao làm mất cân đối về tỷ lệ hoặc dư thừa về hàm lượng của axit amin thiết yếu trong thức ăn dẫn đến giảm lượng bắt mồi, tốc độ tăng trưởng chậm, giảm sức đề kháng của cơ thể, thậm chí có thể gây chết Harper et al. [9]. Sự mất cân đối tỷ lệ lysine/arginine cũng đã gây hiệu quả chuyển hóa thức ăn, giảm tốc độ tăng trưởng ở cá như cá hồi vân O. mykiss [7] hoặc cá hồi Đại dương S. salar [4], cá trôi Ấn Độ L. rohita [13] và cá vền [27]. Tuy nhiên, một số nghiên cứu của Robinson et al. (1980) trên cá nheo Mỹ I. punctatus, Akiyama et al. (1985) trên cá hồi C. salmon, Luo et al. (2006) trên cá song E. coioides và Trần Thị Thanh Hiền (2009) trên cá tra P. hypophthalmus lại báo cáo rằng tỉ lệ sống của cá không chịu ảnh hưởng bởi hàm lượng lysine trong thức ăn [2, 11, 18, 20].
4. KẾT LUẬN
Thức ăn giàu lysine từ phế phụ phẩm cá tra cho hiệu quả cao trong việc nuôi cá rô phi. Công thức thức ăn tốt nhất để nâng cao sinh trưởng của cá rô phi sau 45 ngày nuôi thử nghiệm là công thức 3 cho tỷ lệ sống đạt 95,6%, tăng chiều dài trung bình 6,93 cm/ con, khối lượng trung bình 93,97 g/ con. Tốc độ tăng trưởng của cá rô phi về chiều dài đạt 0,15mm/ngày, 6,93%/ ngày, tốc độ tăng trưởng về khối lượng đạt 2,09g/ngày, 11,17%/ngày. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở để lựa chọn công thức phù hợp để tiến tới sản xuất trên quy mô lớn tại doanh nghiệp
Lời cảm ơn
Bài báo này được hoàn thành với sự hỗ trợ kinh phí của Ðề án Phát triển và Ứng dụng Công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 của Bộ Công Thương thông qua Dự án sản xuất thử nghiệm mã số SXTN.05.19/CNSHCB. Nhóm tác giả xin chân thành cảm ơn Bộ Công Thương đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ chúng tôi hoàn thành tốt kết quả nghiên cứu này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Adesola A. A., C. L. W. J. and T. A. S. (2018). Dietary lysine requirement of juvenile dusky kob, Argyrosomus japonicus. Aquaculture Nutrition 24(1): 673-680.
2. Akiyama T. and Arai S. (1993). Amino acid requirements of chum salmon fry and supplementation of amino acids to diet. Pages 35-48 in M. R. Collie and J. P. McVey, editors. Proceedings of 20th US.-Japan Symposium on Aquaculture Nutrition. UJNR Department of Commerce, Newport, Oregon, USA.
3. B. C. S. and J. H. S. J. (2000). Quantitative dietary lysine requirement of juvenile striped bass Morone saxatilis. Aquaculture Nutrition 6(4): 207-212.
4. Berge G. E., Sveier H. and Lied E. (2002) Effects of feeding Atlantic salmon (Salmo salar L.) imbalanced levels of lysine and arginine. Aquacult.Nutr., 8, 239-248.
5. Biswas P., Pal A. K., Sahu N. P., Reddy A. K., Prusty A. K. and Misra S. (2007). Lysine and/ or phytase supplementation in the diet of Penaeus monodon (Fabricius) juveniles: Effect on growth, body composition and lipid profile. Aquaculture 265(1): 253-260.
6. Chor W. K., Leong S. L. and Shapawi R. (2016). Effects of dietary supplementation of lysine and methionine in tempeh-based diet on growth performance and feed utilization of tiger grouper, Epinephelus fuscoguttatus juveniles. Malaysian Applied Biology 45(1): 81-87.
7. Davies S. J., Morris P. C., Baker R. T. M. (1997). Partial substitution of fish meal and full-fat soya bean meal with wheat gluten and influence of lysine supplementation in diets for rainbow trout, Oncorhynchus mykiss (Walbaum).Aquacult. Res., 28, 317-328.
8. FAO (2018)
9. Harper A. E., Beneveng N. J., Wohlhuet R. M. (1970). Effects of Ingestion of disproportionate amounts of amino acids. Physiological Reviews, 50, 428-458.
10. Liaqat I., Mukhtar B., Faheem Malik M., Hussain S. S., Azzam A. and Slahuddin (2017). Lysine Supplementation in Fish Feed. International Journal of Applied Biology and Forensics 1(2): 26-31.
11. Luo Z., Liu Y. J., Mai K. S. and Tian L. X. (2006). Quantitative L-lysine requirement of juvenile grouper Epinephelus coioides. Aquaculture nutrition 12,165-172.
12. Marcouli P. A., Alexis M. N., Andriopoulou A. and Iliopoulou-Georgudaki J. (2006). Dietary lysine requirement of juvenile gilthead seabream Sparus aurata L. Aquaculture Nutrition 12; 25- 33.
13. Murthy H. S., Varghese T. J. (1998). Total sulphur amino acid requirement of the Indian major carp, Labeo rohita (Hamilton).Aquacult.Nutr., 4, 61-65.
14. Ngọc Điệp (2010). Sử dụng phụ phẩm thủy sản hiệu quả hơn. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) số 132.
15. Nguyễn Đỗ Quỳnh và Nguyễn Lê Anh Đào (2015). Nghiên cứu sản xuất gelatin từ da cá tra Pangasianodon hypophthalmus theo quy trình mới. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ số 40: 47-52.
16. Nguyen L. and Davis D. A. (2016).Comparison ofcrystalline lysine and intact lysine used as a supplement in practical diets of channel catfish (Ictalurus punctatus) and Nile tilapia (Oreochromis niloticus). Aquaculture 464: 331-339.
17. Nguyễn Thị Lan Chi, Bùi Thị Hồng Khanh và Vũ Hồng Thiên (2009). Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất bột canxi thực phẩm từ phụ phẩm xương cá tra. Báo cáo tổng kết đề tài cấp cơ sở, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II.
18. Robinson E. H., R. P Wilson and W.E. Poe. (1980). Re-evaluation of the lysine requirement and lysine utlization by fingerling channel catfish. J. Nutr. 110: 1805-1812.
19. Tantikitti C. and Chimsung N. (2001). Dietary lysine requirement of freshwater catfish (Mystus nemurus Cuv. & Val.). Aquacult. Res.,32 (suppl.1), 135-141.
20. Trần Thị Thanh Hiền (20090. Nghiên cứu xác định nhu cầu lysine trong thức ăn của cá tra (Pangasianodon hypophthalmus). Tạp chí Khoa học 2009:11 398-405. Trường Đại học Cần Thơ.
21. VASEP (2018)
22. VASEP (2019)
23. Walton M. J., Cowey C. B. and Adron J. W. (1984). The effect of dietary lysine levels on growth and metabolism of rainbow trout Salmon gairdneri . British Journal of Nutrition, 52, 115-122
24. Zaikov A., Iliev I. and Hubenova T. (2008). Investigation on growth rate and food conversion ratio of wels (Silurus glanis l.) in controlled conditions. Bulgarian Journal of Agricultural Science, 14 (No 2), 171-175.
25. Zamora-Sillero J., Gharsallaoui A. and Prentice C. (2018). Peptides from Fish By-product Protein Hydrolysates and Its Functional Properties: an Overview. Marine Biotechnology: 1-13.
26. Zhou Q., Wu Z., Chi S. and Yang Q, (2007). Dietary lysine requirement of juvenile cobia Rachycentron canadum. Aquaculture 273, 634-640
27. Zhou F., Shao Q.J., Xiao J. X., Peng X., Ngandzali B. O. and Sun Z. (2011) Effects of dietary arginine and lysine levels on growth performance, nutrient utilization and tissue biochemical profile of black sea bream, Acanthopagrus schlegelii, fingerlings. Aquaculture, 319, 72-80.
Phạm Thị Mát, Đặng Minh Dũng, Lê Anh Tùng, Bùi Thị Thu Hiền, Nguyễn Hữu Hoàng
Viện Nghiên cứu Hải sản
Theo Bản tin KHCN ngành Công Thương số 6 năm 2020
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 5
  • 7
  • 9
  • 7
  • 5
  • 7
lên đầu trang