Thứ bảy, 20/04/2024 | 11:38

Thứ bảy, 20/04/2024 | 11:38

Tin Đề án

Cập nhật 01:32 ngày 27/07/2020

Ứng dụng CNSH giải quyết bài toán khó trong ngành nuôi trồng thủy sản

Bằng việc ứng dụng công nghệ enzyme và vi sinh vật, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II đã làm chủ được công nghệ xử lý lên men bã phụ phẩm của sữa đậu nành và ứng dụng trong sản xuất thức ăn thủy sản. Quy trình công nghệ sẽ giúp tạo nguồn nguyên liệu thay thế một phần bột cá – một loại nguyên liệu có giá thành cao - trong sản xuất thức ăn công nghiệp cho cá tra, cá rô phi.
Đây cũng chính là kết quả của nhiệm vụ KHCN “Nghiên cứu chế biến bã đậu nành của công nghiệp chế biến sữa làm nguyên liệu để sản xuất thức ăn nuôi cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) và cá rô phi (Oreochromis Niloticus)” do ThS. Nguyễn Thành Trung làm chủ nhiệm. Nhiệm vụ thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì. 
Sản phẩm thức ăn cá rô phi và cá tra được sản xuất từ nguyên liệu bã sữa đậu nành lên men 
Bài toán khó trong sản xuất thức ăn thủy sản
Bột cá là thành phần chiếm tỷ trọng khá cao trong thức ăn thủy sản. Tuy nhiên, đây lại là nguyên liệu có giá thành khá cao. Giá bột cá trong nước hiện nay dao động từ 25.000 đồng – 30.000 đồng/kg tùy theo hàm lượng protein. Trong khi đó, giá bột cá nhập khẩu còn ở mức cao hơn, từ 34.000 đồng – 36.000 đồng/kg (65% protein). Mặc dù có giá thành cao nhưng nguồn cung bột cá lại rất hạn chế và không ổn định.
Do đó, việc nghiên cứu tìm ra nguyên liệu để thay thế bột cá trong khẩu phần thức ăn thủy sản có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị gia tăng, chủ động nguồn nguyên liệu, giảm chi phí thức ăn, từ đó nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản.
Đây cũng chính là mục tiêu của Th.S Nguyễn Thành Trung và các cộng sự tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II khi thực hiện đề tài.
“Hiện nay, vấn đề bột cá không còn là vấn đề riêng của ngành chăn nuôi Việt Nam mà nó đã trở thành chủ đề nóng mang tính toàn cầu xuyên suốt nhiều năm qua trong kỹ nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi và thức ăn thủy sản. Giải quyết được vấn đề là giải quyết được khâu quan trọng bậc nhất trong của bài toán chăn nuôi, đặc biệt là với thức ăn thủy sản bởi đây là loại thức ăn có hàm lượng bột cá chiếm tỷ trọng khá lớn trong khẩu phần, từ 5 – 15%”, Th.S Nguyễn Thành Trung nhấn mạnh.
Tạo giá trị gia tăng cho doanh nghiệp
Báo cáo trước đoàn công tác Bộ Công Thương tại buổi kiểm tra định kỳ nhiệm vụ KHCN ngày 24 tháng 7, ThS. Nguyễn Thành Trung cho biết, đậu nành hay đậu tương, đỗ tương là loại cây họ Đậu, được trồng để làm thức ăn cho người và gia súc. Sản phẩm từ cây đậu nành được sử dụng rất đa dạng như dùng trực tiếp hạt thô hoặc chế biến thành đậu phụ, ép thành dầu, nước tương, làm bánh kẹo, sữa đậu nành,…
Hiện nay, nhu cầu sử dụng đậu nành trong ngành công nghiệp chế biến sữa đang gia tăng, kéo theo lượng phụ phẩm cũng tăng theo. Số liệu thống kê cho thấy, riêng sản lượng bã đậu nành từ các nhà máy Vinasoy đã rơi vào khoảng 1.200 tấn/tháng.
Trên thế giới, việc sử dụng phụ phẩm từ chế biến sữa đậu nành trực tiếp mà chưa qua xử lý trong thức ăn cho cá rô phi và tôm thẻ đã được nghiên cứu, tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào được công bố về việc sử dụng phụ phẩm từ chế biến sữa đậu nành đã qua xử lý sử dụng cho thức ăn thủy sản.
Trong khi đó, cá tra và cá rô phi là hai vật nuôi chủ lực của Đồng bằng song Cửu Long, là loài ăn tạp nghiêng về thực vật. Do đó, phụ phẩm từ chế biến sữa đậu nành đã qua xử lý sẽ là một nguồn nguyên liệu rẻ tiền và hiệu quả cho nuôi trồng thủy sản bền vững.
ThS. Nguyễn Thành Trung - Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trước đoàn công tác Bộ Công Thương ngày 24/7/2020.
Xuất phát từ thực trạng đó, ThS. Nguyễn Thành Trung cùng các cộng sự đã nghiên cứu và hoàn thiện quy trình công nghệ xử lý lên men bã phụ phẩm từ sữa đậu nành để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn cho cá tra và cá rô phi. Sản phẩm bã sữa đậu nành lên men bán rắn được sản xuất đã được tiến hành kiểm tra, thử nghiệm cho kết quả không thấp hơn các sản phẩm cùng loại trên thế giới.
“Dựa trên kết quả của dự án “Hoàn thiện và sản xuất thử nghiệm chế phẩm vi sinh BioShrimp – RIA2 phòng bệnh do Vibrio spp. gây ra trên tôm nuôi” được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện năm 2016, chúng tôi sử dụng chủng vi khuẩn Bacillus subtilis B3 có hoạt tính protease, amylase, cellulase mạnh, có thể sử dụng như là nguồn vi sinh vật để lên men phụ phẩm từ chế biến sữa đậu nành trong nghiên cứ, thực hiện đề tài Bộ Công Thương giao. Ngoài ra, chúng tôi cũng kết hợp với cellulase và pectinase để thủy phân nhằm đánh giá hiệu quả xử lý nguyên liệu phụ phẩm từ chế biến sữa đậu nành”, ThS. Nguyễn Thành Trung cho biết.
Quy trình công nghệ của đề tài đã giúp gia tăng giá trị của phụ phẩm bã sữa đậu nhành. Cụ thể, hiện nay, phụ phẩm bã sữa đậu nành từ ngành công nghiệp chế biến sữa có giá xuất xưởng là 500 đồng/kg. Sau khi lên men bằng công nghệ của đề tài, giá phụ phẩm bã đậu nành đã tăng lên 850 đồng/kg.
Tuy nhiên, theo ThS. Nguyễn Thành Trung, điều quan trọng hơn là sản phẩm sau khi lên men hoàn toàn được sử dụng vào sản xuất thức ăn cho cá tra và cá rô phi, giúp giá thành sản xuất thức ăn cho cá tra, cá rô phi giảm được từ 800.000 – 900.000 đồng/tấn.
TS. Dương Xuân Diêu - Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ trao tặng bộ Cẩm nang công nghệ enzyme và vi sinh vật trong lĩnh vực công nghiệp chế biến cho đại diện Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II - ông Nguyễn Đinh Hùng - Phó Viện trưởng.
Sản phẩm bã phụ phẩm từ chế biến sữa đậu nành đang được các quốc gia trên thế giới chú trọng nghiên cứu để ứng dụng trong chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi, giúp vật nuôi hấp thụ tối da dinh dưỡng và hạn chế chất thải ra môi trường. Kết quả đạt được của đề tài “Nghiên cứu chế biến bã đậu nành của công nghiệp chế biến sữa làm nguyên liệu để sản xuất thức ăn nuôi cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) và cá rô phi (Oreochromis Niloticus)” do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện sẽ thúc đẩy công doạn xử lý nguyên liệu protein thực vật nhằm tạo giá trị gia tăng cao. Sản phẩm bã sữa đậu nành lên men bán rắn của đề tài có thể thay thế bột cá ở mức cao, giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu, giảm chi phí sản xuất, hạn chế nhập khẩu, góp phần hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.
Cũng tại buổi kiểm tra, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đã trao tặng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II bộ Cẩm nang công nghệ enzyme và vi sinh vật trong lĩnh vực công nghiệp chế biến. 
Hà Nguyễn ghi

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 1
  • 0
  • 5
  • 8
  • 1
lên đầu trang