[In trang]
Đa dạng hóa sản phẩm từ gạo
Thứ hai, 13/07/2020 - 09:15
Với mong muốn nâng cao giá trị kinh tế cho gạo Việt, Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công Thương) đã thực hiện Đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất một số sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao từ gạo lứt”, thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020.
Với mong muốn nâng cao giá trị kinh tế cho gạo Việt, Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công Thương) đã thực hiện Đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất một số sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao từ gạo lứt”, thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020.    
Giá trị dinh dưỡng cao
Thạc sĩ Nguyễn Minh Thu - Chủ nhiệm đề tài - cho biết, Việt Nam là nước nông nghiệp, xuất khẩu gạo luôn đứng trong top đầu thế giới. Tuy nhiên, gạo Việt Nam chủ yếu sản xuất và xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô, có chất lượng thấp nên giá trị kinh tế không cao. Trong khi đó, các sản phẩm thực phẩm chế biến từ gạo có giá trị kinh tế cao Việt Nam lại chủ yếu nhập từ nước ngoài.

Các sản phẩm được sản xuất từ gạo lứt
"Tại nước ta hiện nay, các sản phẩm chế biến từ gạo rất đơn giản, chủ yếu là sản phẩm phổ thông có tính truyền thống như bún, phở, bánh đa, bánh gạo, bột gạo… Trong khi sản phẩm sản xuất từ gạo lứt - một dạng lương thực có chất lượng dinh dưỡng cao còn khá đơn điệu, hoặc được nhập trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam, với giá thành rất cao" - thạc sĩ Nguyễn Minh Thu cho hay. 
Gạo lứt còn gọi là gạo rằn hay gạo lật. Đây là loại gạo được xay bỏ lớp vỏ trấu, không xát bỏ lớp cám. Gạo lứt được đánh giá là nguồn thực phẩm có tác dụng tốt cho sức khỏe. Thành phần của gạo lứt gồm: Tinh bột, protein, lipit, giàu chất xơ, nhóm các vitamin B (B1, B2, B3, B5, B6), các thành phần khoáng như sắt, canxi, selen, magie, mangan, các nguyên tố vi lượng như paraaminobenzoic (PABA), gamaaminobutyric acid (GABA). Lớp cám của gạo lứt còn chứa chất dầu có tác dụng điều hòa huyết áp, giảm cholesterol xấu, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch.
Xuất phát từ thực tế này, nhóm nghiên cứu của Viện Công nghiệp thực phẩm đã thực hiện Đề tài "Nghiên cứu công nghệ sản xuất một số sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao từ gạo lứt", với mục tiêu xây dựng được quy trình công nghệ cũng như mô hình thiết bị sản xuất một số sản phẩm từ gạo lứt như rượu gạo đục có nồng độ cồn thấp, sữa gạo, bột kefiran lên men lactic, bột gạo lứt giàu axit amin. 
Sức cạnh tranh lớn
Thạc sĩ Nguyễn Minh Thu khẳng định, các sản phẩm của đề tài được sản xuất từ gạo lứt là dạng nguyên liệu có chứa nhiều thành phần chức năng đáng quý, là nguồn nguyên liệu tiềm năng giúp xóa đói giảm nghèo cho nhiều địa phương, nhưng trước đây chưa được khai thác, chế biến công nghiệp thành những sản phẩm có giá trị cao. 
Theo đó, nội dung của đề tài tập trung nghiên cứu tổng thể từ nguyên liệu, chủng giống vi sinh vật, hệ enzyme thủy phân tới xây dựng quy trình công nghệ, mô hình thiết bị tạo các sản phẩm có chất lượng cao, ổn định, với định hướng sản xuất công nghiệp, có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập ngoại. 
Vì vậy, nội dung nghiên cứu của đề tài có tính thực tiễn cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Các sản phẩm của đề tài làm đa dạng hóa các sản phẩm đồ uống và thực phẩm chức năng trên thị trường, thay thế cho một số sản phẩm nhập ngoại. Đồng thời, với việc sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn ở Việt Nam nên giá thành sẽ rẻ hơn đáng kể so với các sản phẩm ngoại nhập, các sản phẩm từ đề tài sẽ có sức cạnh tranh lớn. 
Trong quá trình đề tài triển khai luôn có sự hợp tác chặt chẽ với các công ty sản xuất và công ty thương mại nên việc liên doanh liên kết với doanh nghiệp đã thấy rõ. "Thị trường cho các sản phẩm của đề tài có khả năng phát triển do sản phẩm chất lượng tốt, được quản lý chặt chẽ từ khâu nguyên liệu, quy trình công nghệ, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về chất lượng dinh dưỡng" - thạc sĩ Nguyễn Minh Thu nhấn mạnh. 
Điểm mới, độc đáo sáng tạo của đề tài thể hiện ở chỗ đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao từ nguồn gạo trong nước, nhằm thay thế dần sản phẩm nhập ngoại, góp phần nâng cao giá trị nông sản trong nước.
Báo Công Thương