[In trang]
Lần đầu tiên sản xuất thành công chế phẩm sinh học từ dịch chiết lá cây thầu dầu và cây thuốc cá
Thứ hai, 27/07/2020 - 13:33
Chế phẩm sinh học từ dịch chiết lá cây thầu dầu và lá cây thuốc cá giúp giảm giá thành sản xuất, đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, mang lại hiệu quả cao.
Tại Việt Nam, bọ phấn (Bemisia tabacilà loài côn trùng gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân trồng cà chua. Ngoài ra, chúng còn tấn công nhiều loại cây trồng khác như ớt, khoai tây, cà tím, dưa leo, khổ qua, bầu bí, đậu, dưa lưới, dưa hấu.
Bọ phấn hút nhựa ở cây, đẻ trứng ở các lá non trên cây khiến chi cây bị lụi, giảm năng suất và chất lượng sản phẩm, thậm chí là thất thu hoàn toàn. Việc phòng trừ bọ phấn hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, do bọ phấn có tính kháng thuốc hóa học cao và chúng có khả năng bay rất nhanh, rất xa. Để hạn chế các tác hại của việc sử dụng thuốc hóa học, nhiều nơi đã sử dụng các sản phẩm sinh học trong diệt trừ sâu, côn trùng gây hại, trong đó có sử dụng dịch chiết của một số lá như lá cây thuốc lá, lá cây cà chua, lá cây đại hoàng (Rhubarb Leaf), lá bạc hà, lá cây thầu dầu.
Bọ phấn gây hại thực vật
Thầu dầu (danh pháp hai phần: Ricinus communis) là một loài thực vật trong họ Đại kích (Euphorbiaceae). Đây là loài cây dễ thích nghi với môi trường sống mới và có thể tìm thấy ở các vùng đất bị bỏ hoang, gần đường sắt và gần đây được trồng nhiều để làm cảnh trong công viên hay các nơi công cộng khác. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, dịch chiết cây thầu dầu có chứa chất gây độc mạnh là ricin, có tính kháng nấm và gây độc cho sâu bọ. Đặc biệt, ricin gây chết theo đường miệng ở côn trùng với nồng độ rất nhỏ.
Cây thầu dầu (Ricinus communis)
Trong khi đó, cây thuốc cá (Derrisscandenslà loại cây dây leo, có chiều dài từ 7 – 10 m. Lá thuốc cá là lá kép, có 9 đến 13 lá chét mọc so le nhau. Lá chét lúc đầu mỏng nhưng về sau dai dày, có đầu nhọn, hình mác. Hoa thuốc cá nhỏ, có màu hồng hoặc trắng. Quả giống quả đậu, dẹt, có chiều dài 4 – 8 cm. Hiện nay, dược liệu này được trồng nhiều ở các tỉnh miền Nam của nước ta như Bạc Liêu, Phú Quốc, Cà Mau, Trà Vinh,…
Hoạt chất chính có nhiều trong lá thuốc cá là rotenone, đã được chứng minh có hoạt tính gây độc cho một số loài côn trùng và sâu bọ. Rotenone nhanh chóng suy giảm trong không khí, trong đất và trong nước, thời gian bán phân hủy là 2-3 ngày; dễ bị phân hủy dưới ánh sáng mặt trời, hoạt tính gần như mất hết trong 5-6 ngày vào mùa xuân (hoặc 2-3 ngày vào mùa hè).
Cây thuốc cá (Derrisscandens
Đặc biệt, ricin và rotenone làm chết bọ phấn ở nồng độ rất nhỏ so với nồng độ có thể gây hại cho con người; hai hoạt chất này có thời gian phân hủy dưới ánh nắng mặt trời trong vài ngày, nên thích hợp sử dụng với cả những cây ngắn ngày, có thời gian cách li ngắn.
Vì vậy, nhằm tận dụng những đặc tính của cây thầu dầu và cây thuốc cá, các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu quy trình cho phép tách chiết hoạt chất có chứa ricin và rotenone từ lá của hai loài cây này để sản xuất chế phẩm sinh học dùng phòng trừ bọ phấn hại cây trồng.
Theo đó, lá cây sau khi xử lý được sấy ở 50oC đến khi đạt độ ẩm khoảng 12%-13%, xay nhỏ thành bột. Bột lá của cây thầu dầu, lá cây thuốc cá ngâm với dung môi ethanol 98o; sau đó được phá vỡ tế bào bằng bể siêu âm (nhiệt độ 65oC, tần số cố định 40 kHz, thời gian chạy 85 phút). Tiếp theo loại bỏ tế bào bằng màng lọc Nylon Advantec 5 μm thu dịch lọc. Dịch lọc sau đó được tách bỏ dung môi bằng máy cô quay chân không (áp suất chân không 700 mbar, tốc độ quay 50 vòng/phút, nhiệt độ 45oC) để thu dịch cô đặc. Dịch cô đặc được chạy sắc ký lỏng cao áp để xác định hàm lượng Ricin và Rotenone. Sản phẩm dịch chiết lá được pha trộn theo tỷ lệ 50% dịch chiết lá cây thầu dầu + 50% dịch chiết lá cây thuốc cá. Hỗn hợp dịch chiết này trộn với acetone theo tỉ lệ 1:10 đạt khả năng diệt trừ bọ phấn.
Bột lá của cây thầu dầu, lá cây thuốc cá
Trên thị trường hiện nay, các sản phẩm trừ sâu hữu cơ có giá từ 50.000 - 70.000 đồng cho 100mL và chưa có thuốc từ dịch chiết lá cây thầu dầu và lá cây thuốc cá. Do đó, chế phẩm sinh học từ dịch chiết lá cây thầu dầu và lá cây thuốc cá không chỉ giúp giảm giá thành sản xuất, đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng, mà còn không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, mang lại hiệu quả cao.
Nhật Linh t/h