[In trang]
Làm chủ công nghệ sản xuất bio-composite từ dăm gỗ, rơm và rạ
Thứ sáu, 29/05/2020 - 06:09
Quy trình công nghệ được đánh giá có khả năng đáp ứng được nhu cầu chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp muốn đa dạng hóa sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường.
Với đề tài “Nghiên cứu sử dụng nấm mục để sản xuất bio-composite thân thiện với môi trường từ dăm gỗ, rơm, rạ”, TS. Bùi Thị Thủy và các cộng sự tại Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng đã xác định được quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất ván bio-composite (quy mô 4.000m3/năm). Quy trình công nghệ được đánh giá có khả năng đáp ứng được nhu cầu chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp muốn đa dạng hóa sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường.
Tiềm năng ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất vật liệu “xanh” từ nguồn phế thải nông, lâm nghiệp
Cùng với sự phát triển của đô thị thông minh, vật liệu xanh, thân thiện với môi trường đang là xu thế được nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng hướng tới. Việc sử dụng các vật liệu xây dựng xanh không chỉ giúp giảm lượng điện tiêu thụ, giảm phát thải khí nhà kính mà còn góp phần cải thiện không gian sống.
Tại Việt Nam, hàng năm có hàng chục triệu tấn rơm, rạ và phế liệu trong sản xuất, chế biến gỗ như lõi gỗ, ván gãy, mùn cưa, phoi bào... Khối lượng phế thải này thường chiếm tỷ lệ từ 45-63% thể tích nguyên liệu ở Việt Nam.
 
Nếu có công nghệ phù hợp, rơm, rạ và phế thải nông nghiệp sẽ trở thành một tài nguyên lớn ở Việt Nam.
Ngày nay, lĩnh vực công nghệ sinh học đã và đang có những bước tiến bộ vượt bậc, cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng cao. Sự phát minh ra tế bào vi khuẩn có khả năng kết dính để tạo ra một số vật liệu có giá trị từ các phế thải nông, lâm nghiệp đang dần được nghiên cứu ứng dụng.
Nếu ứng dụng thành công các công nghệ sinh học để tận dụng lượng phế liệu, thứ liệu trong nông, lâm nghiệp để tạo ra được những vật liệu thân thiện môi trường chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế lớn, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường.
Công nghệ sản xuất bio-composite từ dăm gỗ, rơm, rạ
Với mục tiêu chính là tuyển chọn được các chủng nấm mục phù hợp có khả năng phân hủy dăm gỗ, rơm, rạ và ứng dụng để sản xuất vật liệu mới thân thiện môi trường sử dụng trong lĩnh vực nội thất và xây dựng, năm 2017, TS. Bùi Thị Thủy và các cộng sự tại Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng đã bắt đầu triển khai đề tài “Nghiên cứu sử dụng nấm mục để sản xuất bio-composite thân thiện với môi trường từ dăm gỗ, rơm và rạ”.
Sau 3 năm thực hiện, chiều ngày 27 tháng 5, đề tài đã được Bộ Công Thương chính thức nghiệm thu.
TS. Bùi Thị Thủy – Chủ nhiệm đề tài
Sản phẩm ván bio-composite do nhóm thực hiện của Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng nghiên sản xuất có ưu điểm không sử dụng keo phenol formaldehyde, ure formaldehyde và nhựa melamin để kết dính. Đây đều là chất gây ô nhiễm môi trường mà lại có giá thành rất cao (chiếm tới 50% giá nguyên liệu đầu vào).
Trong quá trình triển khai đề tài, nhóm thực hiện đã phối hợp với Chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Thành Phát (Địa chỉ: Quốc Oai - Hà Nội) sản xuất hàng ngàn tấm ván bio-composite cách âm cách nhiệt, kích thước 60cm x 60cm x 3cm. Sản phẩm ván cách âm đáp ứng mức đạt yêu cầu theo TCXDVN 175:2005, hệ số cách nhiệt R=2,5 (m2.K/w).
Sản phẩm của đề tài
“Sản phẩm ván do đề tài tạo ra đã được một số cơ sở sản xuất nội thất ứng dụng trải nghiệm làm vách ngăn tường, mặt bàn và đã có phản hổi khả quan về khả năng cách âm, cách nhiệt cũng như mức độ thân thiện với môi trường của sản phẩm”, TS. Bùi Thị Thủy – Chủ nhiệm đề tài cho biết.
Tuy nhiên, theo TS. Bùi Thị Thủy, các kết quả đạt được của đề tài về quy mô sản xuất cũng như mức độ tiếp cận đưa sản phẩm ra thị trường mới dừng lại ở quy mô thử nghiệm. Do vậy, để đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ, nhóm vẫn cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, máy móc thiết bị để sản phẩm tạo ra vừa đáp ứng khả năng cách âm, cách nhiệt vừa đáp ứng được độ bền cơ học.

Bộ Công Thương nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu sử dụng nấm mục để sản xuất bio-composite thân thiện với môi trường từ dăm gỗ, rơm, và rạ” do Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng chủ trì thực hiện.
Đề tài “Nghiên cứu sử dụng nấm mục để sản xuất bio-composite thân thiện với môi trường từ dăm gỗ, rơm và rạ” nằm trong khuôn khổ Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì. Đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, đơn vị chủ trì và nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, đầy đủ khối lượng công việc theo thuyết minh và hợp đồng đã ký với Bộ Công Thương. Đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn khi tận dụng được nguồn phế liệu có sẵn giá rẻ trong nước, đồng thời góp đa dạng hóa những sản phẩm, vật liệu thân thiện môi trường trong ngành xây dựng.
Vụ Khoa học và Công nghệ