[In trang]
Quảng Bình đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học
Thứ ba, 28/04/2020 - 07:45
CNSH đã được ứng dụng rộng rãi trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng nông sản, bảo đảm an ninh lương thực và tăng sức cạnh tranh trên thị trườ
Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04 tháng 3 năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác nghiên cứu và phát triển CNSH trên địa bàn tỉnh đã có những bước tiến bộ rõ rệt. Đặc biệt, CNSH đã được ứng dụng rộng rãi trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng nông sản, bảo đảm an ninh lương thực và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Ảnh minh họa
Để phát triển và ứng dụng CNSH trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch thu hút, đào tạo nguồn nhân lực khoa học đáp ứng nhu cầu về lượng và chất, trong đó chú trọng đào tạo đội ngũ chuyên gia có trình độ cao nghiên cứu về CNSH; tổ chức tập huấn về chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực CNSH cho các cơ sở sản xuất và địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung đầu tư chiều sâu để nâng cấp hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo thuộc lĩnh CNSH; bổ sung máy móc, thiết bị tiên tiến và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm về CNSH chuẩn hóa theo tiêu chuẩn phòng thí nghiệm được công nhận (VILAS) nhằm phục vụ nghiên cứu, ứng dụng CNSH vào sản xuất, đời sống.
Kết quả, hàng năm, ngành Nông nghiệp tỉnh đều bổ sung giống mới có tính ưu việt vào cơ cấu sản xuất. Từ năm 2005 - 2020, nhiều giống lúa mới, trong đó có những giống nhanh chóng được người dân đón nhận, mở rộng diện tích sản xuất như: P6, PC6… Đặc biệt, việc sử dụng giống lúa P6 đột biến gen đã rút ngắn thời gian sinh trưởng trên chân ruộng chạy lũ. Các giống mới đưa vào sản xuất đều có khả năng thâm canh cho năng suất và chất lượng cao, có thể thay thế các giống chủ lực hiện nay. Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ cao trong nhân giống cũng bắt đầu được ứng dụng như mô hình trồng chuối nhân giống bằng nuôi cấy mô ở xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tạo thuận lợi cho người dân chủ động thu hoạch đồng loạt vào dịp tết Nguyên đán.
Đối với lĩnh vực thủy sản, ngành Nông nghiệp đã tích cực khuyến cáo, hướng dẫn người dân trong tỉnh ứng dụng CNSH vào sản xuất, đặc biệt là sử dụng chế phẩm sinh học một cách rộng rãi trong nuôi tôm như việc sử dụng chế phẩm sinh học EM, Probiotic, Prebiotic nhằm xử lý môi trường ao nuôi thay thế việc xử lý bằng hóa chất, sử dụng các loại chế phẩm sinh học bổ sung men đường ruột để hỗ trợ tiêu hóa giảm hệ số thức ăn, nâng cao sức đề kháng phòng trừ dịch bệnh. Một số cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn gồm Công ty Cổ Phần Đức Thắng, Thanh Hương, Công ty TNHH Hưng Biển đã đầu tư nuôi tôm trên cát áp dụng công nghệ hiện đại, sử dụng nhiều quy trình nuôi tôm tiên tiến như: Bio-floc, ít thay nước sử dụng chế phẩm sinh học, ion Ag+ bước đầu đã có những kết quả khả quan. Các cơ sở đã chủ động sản xuất giống các loại cá truyền thống như: Mè, trắm, chép, cá rô phi... và chuyển đổi giới tính cá rô phi toàn đực bằng hoóc-môn 17MT; đưa vào sản xuất các giống thủy sản mới có hiệu quả kinh tế, chất lượng cao gồm: Cá lăng chấm, cá bỗng. Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh Quảng Bình cũng xây dựng và đưa vào sản xuất giống tôm Thẻ chân trắng áp dụng công nghệ sinh học an toàn dịch bệnh; cung ứng cho thị trường trên 01 tỷ con giống/năm có chất lượng cao cho người nuôi tôm trong và ngoài tỉnh.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành và phát triển các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh về công nghiệp sinh học trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy, hải sản; sản xuất rượu, bia, nước giải khát, nước chấm, phụ gia thực phẩm, các giống cây trồng, vật nuôi, giống thuỷ sản, phân bón, thuốc trừ sâu sinh học, vắc-xin thú y, vắc-xin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em, vắc-xin cúm gia cầm, thuốc chữa bệnh, kháng sinh và các loại dược phẩm khác; sản xuất chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải, nước thải, khí thải, làm sạch nước sinh hoạt và sự cố môi trường. Nhiều doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp nguồn thu cho tỉnh như: Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Quảng Bình, Nhà máy Phân bón NPK sao Việt, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Thủy sản Quảng Bình Surimi...
Có thể nói, CNSH là lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học về sự sống, kết hợp với quy trình, thiết bị kỹ thuật nhằm tạo ra các công nghệ khai thác hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào thực vật và động vật để sản xuất ở quy mô công nghiệp, sản phẩm sinh học có chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. CNSH cũng góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn; cung cấp những sản phẩm cơ bản, thiết yếu cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường sống, phục vụ phát triển công nghiệp sinh học.
Tuy nhiên, việc phát triển và ứng dụng CNSH chưa có bước đột phá mạnh, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sản xuất và đời sống...
Để tạo bước đột phá trong phát triển và ứng dụng CNSH, giai đoạn 2020 - 2030, tỉnh tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các đề tài, dự án, ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả CNSH vào sản xuất và đời sống; đặc biệt trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản sẽ tập trung nghiên cứu ứng dụng, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; nghiên cứu ứng dụng CNSH vào bảo quản, chế biến nông sản; xử lý ô nhiễm, khắc phục xử lý suy thoái và sự cố môi trường.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ nghiên cứu CNSH; quan tâm hỗ trợ và có chính sách ưu đãi khuyến khích nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, ứng dụng CNSH có hiệu quả; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chuyên môn cao, khả năng nghiên cứu, nắm bắt và làm chủ CNSH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, cán bộ nghiên cứu khoa học để tranh thủ hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CNSH, đầu tư cơ sở vật chất, thông tin khoa học để phát triển CNSH; đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng các mô hình liên kết giữa nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà sản xuất và Nhà nước trong việc nghiên cứu, ứng dụng CNSH vào sản xuất phù hợp với thực tiễn địa phương.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình