[In trang]
Ứng dụng công nghệ sinh học: Đặt doanh nghiệp làm trung tâm
Thứ ba, 07/04/2020 - 15:13
Một trong những nhân tố quyết định sự thành công của Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, đó là việc Bộ Công Thương luôn đặt doanh nghiệp (DN) làm trung tâm tiếp nhận các nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất.
Một trong những nhân tố quyết định sự thành công của Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, đó là việc Bộ Công Thương luôn đặt doanh nghiệp (DN) làm trung tâm tiếp nhận các nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất.    
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS. Đặng Tất Thành - Chuyên viên chính, Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Công Thương - cho biết, từ cuối thế kỷ 20, công nghệ sinh học từ một ngành khoa học đã trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao của nhiều quốc gia trên thế giới. Với nước ta, công nghệ sinh học có vai trò quan trọng trong việc góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế công nghiệp, nông thôn; cung cấp những sản phẩm cơ bản, thiết yếu chăm sóc sức khoẻ cộng đồng; bảo vệ môi trường sống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Rút ngắn thời gian đưa nghiên cứu vào thực tiễn
Để đạt được mục tiêu cũng như các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công Thương tại Quyết định số 14/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay, Bộ Công Thương đã triển khai công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoa học đối với phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đạt hiệu quả cao; thúc đẩy phát triển thị trường hàng hóa nội địa và xuất khẩu từ chính các công nghệ được nghiên cứu, hoàn thiện trong nước thuộc Đề án.
Nhằm chuyển giao công nghệ, sản phẩm vào thực tiễn sản xuất đạt hiệu quả, Bộ Công Thương xét chọn các nhiệm vụ KH&CN theo tiêu chí phải được xã hội hóa, lấy DN làm trọng tâm. Từ năm 2008 đến năm 2020, DN đã tham gia tích cực vào sự phát triển bền vững và có hiệu quả các nghiên cứu. Trong đó, từ năm 2016 đến nay, 100% các nhiệm vụ đều có sự tham gia phối hợp của DN trong việc chủ trì nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất hoặc tham gia phối hợp, tiếp nhận triển khai công nghệ từ các đơn vị nghiên cứu KH&CN.
Đây là cách tiếp cận triển khai phù hợp với thực tế hiện nay, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa nhà nghiên cứu với DN đưa công nghệ vào sản xuất, phát triển sản phẩm nội địa bằng chính công nghệ, nguyên liệu trong nước, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm từ nghiên cứu ra thị trường...
Bên cạnh đó, các nhiệm vụ được nghiệm thu đã phản ánh thực tế định hướng triển khai nghiên cứu ứng dụng đạt hiệu quả tích cực; nâng cao vai trò, giá trị khoa học và khả năng ứng dụng; nâng cao hiệu quả kinh tế của các nhiệm vụ KH&CN khi áp dụng vào thực tiễn sản xuất ở quy mô vừa và nhỏ. Hầu hết sản phẩm của các nhiệm vụ bước đầu được hoàn thiện bao bì nhãn mác, sản xuất hàng loạt và tổ chức tiêu thụ trên thị trường nội địa.
Trong khuôn khổ Đề án, Bộ Công Thương đã đạt được nhiều thành công trong ứng dụng các công nghệ vi sinh, công nghệ enzyme, protein để sản xuất, chế biến thực phẩm như: Các chế phẩm vi sinh phục vụ công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu hoá dược, sản phẩm phục vụ công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng.
Những thành công ban đầu của Đề án là minh chứng cho thấy vai trò của KH&CN trong tái cơ cấu ngành Công Thương, giúp tăng trung bình trên 20% tổng số giá trị gia tăng của DN tham gia vào hoạt động ứng dụng công nghệ sinh học. “Sự tham gia của các DN thực hiện Đề án trong giai đoạn qua đã góp phần khẳng định giá trị công nghệ, vai trò của DN và đa dạng hóa các sản phẩm đầu ra, tạo được nhiều sản phẩm mới có giá trị gia tăng cho DN” - TS. Đặng Tất Thành khẳng định.
Với sự thành công của Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, bước đầu đã nâng cao giá trị các nguyên liệu chủ lực của Việt Nam bằng chính công nghệ được nghiên cứu trong nước.
TS. Đặng Tất Thành, Chuyên viên chính, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương
Nguồn: Báo Công Thương