[In trang]
Hà Nội đẩy mạnh cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Thứ ba, 07/04/2020 - 15:14
Nhằm quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, Hà Nội đã đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, yêu cầu các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ ban đầu ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm.
Nhằm quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, Hà Nội đã đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, yêu cầu các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ ban đầu ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm. Việc này giúp nâng cao ý thức cho người dân trong việc tuân thủ các quy định về sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn.
Ảnh minh họa
Theo ông Nguyễn Văn Đông ở xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn), hiện nay trang trại của gia đình ông chăn nuôi khoảng 2.000 con gà đồi, hằng năm ông đều được xã, huyện mời tham gia các lớp tập huấn kiến thức về chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; đồng thời yêu cầu ký cam kết tuân thủ các điều kiện như không sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.
Còn theo bà Nguyễn Thị Vân Anh - chủ cửa hàng bán nông sản, thực phẩm ở chợ Chuông, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai), bà đã được các ngành yêu cầu ký cam kết kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm...
Đánh giá về việc tập huấn kiến thức và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bà Đỗ Thị Kim Dung - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai cho biết, toàn huyện có 484 cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Thực hiện Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25-12-2018 quy định về việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trung bình mỗi năm, huyện cấp được khoảng 50 chứng nhận cho các cơ sở; đồng thời, tổ chức ký cam kết cho 100% số hộ sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ trên địa bàn trong việc chấp hành quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết, ngành Nông nghiệp đã thực hiện rà soát, thống kê lại cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý, qua đó, lập danh sách 17.709 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Thực hiện Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT, trong 3 tháng đầu năm 2020, Chi cục đã cấp và cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 116 cơ sở; thẩm định xếp loại 51 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản; trong đó, 34 cơ sở xếp loại B; 13 cơ sở xếp loại C; 4 cơ sở không đánh giá. Ngoài ra, Chi cục đã tổ chức 9 buổi xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho 340 lượt người trên địa bàn thành phố, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2019.
“Tuy nhiên, việc quản lý các cơ sở này rất khó khăn do cơ sở hạ tầng khu vực kinh doanh bày bán thực phẩm tươi sống tại hệ thống chợ dân sinh chưa đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố tuy nhiều nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết; trong khi đó, lực lượng thanh tra, kiểm tra các cấp quá mỏng nên mới chỉ dừng lại ở nhắc nhở, tuyên truyền” - ông Ngô Đình Loát nhấn mạnh.
Để nâng cao ý thức cho người dân và đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường yêu cầu Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội tiếp tục hỗ trợ cho cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản về hồ sơ, giấy tờ, điều kiện cần thiết để được cấp giấy chứng nhận. Các địa phương cần tăng cường, nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Cùng với đó, mở các lớp tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm cho các trang trại, chủ cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhằm giúp người dân nâng cao ý thức, hạn chế tối đa sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc tăng trưởng trong chăn nuôi, trồng trọt...
Ngọc Quỳnh