[In trang]
Bộ Công Thương khảo sát thực trạng quản lý ATTP tại các doanh nghiệp để xây dựng QCVN về giới hạn ATTP đối với dầu thực vật
Thứ năm, 07/11/2019 - 14:29
Phục vụ công tác xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn an toàn đối với dầu thực vật, trong tháng 11 năm 2019, Bộ Công Thương tổ chức đoàn khảo sát tại các doanh nghiệp thuộc ba miền Bắc, Trung, Nam.
Thực hiện trách nhiệm được phân công tại Điều 39 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương triển khai nghiên cứu các cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QC KTQG) về mức giới hạn an toàn đối với dầu thực vật.
Tháng 11 năm 2019, Bộ Công Thương tổ chức đoàn khảo sát tại một loạt doanh nghiệp thuộc ba miền Bắc, Trung, Nam nhằm đánh giá đầy đủ thực trạng hoạt động thử nghiệm, chỉ tiêu chất lượng cũng như hoạt động quản lý an toàn thực phẩm đối với dầu thực vật được nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh trong nước trong thời gian vừa qua.
Đoàn công tác Bộ Công Thương khảo sát tại Công ty CP Dầu thực vật Tân Bình (quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) ngày 6/11/2019.
Ngày 6 tháng 11, đoàn công tác Bộ Công Thương gồm TS. Đặng Tất Thành, Th.S Dương Hương Quỳnh (đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ), TS. Vũ Đức Chiến, Th.S Trịnh Như Hoa (Viện Công nghiệp Thực phẩm) đã thực hiện khảo sát thông tin tại Công ty CP Dầu thực vật Tân Bình (quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh). Tham dự buổi làm việc có ông Huỳnh Đức Tuấn – Giám đốc Bộ phận Kỹ thuật và Đầu tư cùng một số cán bộ chuyên trách của công ty.
Bên trong nhà máy sản xuất của Công ty CP Dầu thực vật Tân Bình
Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Đặng Tất Thành khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn an toàn đối với dầu thực vật, đồng thời nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp trong việc nâng cao công tác bảo đảm ATTP tại doanh nghiệp cũng như việc tham gia, góp ý kiến, cung cấp thông tin giúp cơ quan quản lý xây dựng các nội dung của quy chuẩn một cách thống nhất, đồng bộ, đạt hiệu quả, phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh trong nướ, hài hòa với các quy định chung của các nước trong khu vực và thế giới.  
Công ty CP Dầu thực vật Tân Bình là đơn vị có hơn 30 năm xây dựng và phát triển, các sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền thiết bị và công nghệ sản xuất hiện đại được nhập từ các nước tiên tiến như: Nhật Bản, Mỹ, Đức …với tổng công suất 70.000 tấn/năm. Các sản phẩm của công ty được xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Nhật bản, Campuchia…
“Về phía doanh nghiệp, chúng tôi luôn sẵn sàng phối hợp với Bộ Công Thương cung cấp những thông tin chính xác nhất làm căn cứ giúp Bộ Công Thương  xây dựng, hoàn thiện quy chuẩn”, ông Huỳnh Đức Tuấn – Giám đốc công ty cho biết.
Đoàn công tác Bộ Công Thương khảo sát tại Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh) ngày 7/11/2019
Ngày 7 tháng 11, đoàn công tác tiếp tục làm việc với Chi nhánh Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân tại Hiệp Phước thành phố Hồ Chí Minh. Được biết, từ nay đến hết tháng 11, đoàn công tác của Bộ Công Thương sẽ tiếp tục khảo sát thêm thông tin tại các doanh nghiệp sản xuất dầu thực vật tại các vùng miền của cả nước, đồng thời tiếp thu các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp và các bên liên để sớm hoàn thiện quy chuẩn.
Danh sách doanh nghiệp dầu thực vật Bộ Công Thương thực hiện khảo sát hơn 50 doanh nghiệp, trong đó dự kiến làm việc trực tiếp với 12 doanh nghiệp các các vùng miền khác nhau trong cả nước:
1. Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam
2. Tập đoàn KIDO
3. Công ty CP Dầu thực vật Tân Bình
4. Công ty CP Dầu thực vật Tường An
5. Chi nhánh Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân
6. Công ty CP Dầu thực vật Thủ Đức
7. Công ty CP Dầu thực vật An Long
8. Công ty TNHH Wilmar Agro Việt Nam
9. Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân
10. Công ty TNHH Dầu thực vật khu vực miền Bắc Việt Nam
11. Chi nhánh Công ty CP Dầu thực vật Tường An – Nhà máy Dầu Vinh
12. Công ty CP Thực phẩm Otran
Vụ Khoa học và Công nghệ