Nghiên cứu sản xuất thực phẩm giàu hoạt chất sinh học từ vừng đen
Thứ sáu, 08/11/2019 - 08:14
Nhằm khai thác, tận dụng các giá trị của vừng đen đối với sức khỏe con người, nhóm nghiên cứu của Viện Công nghiệp thực phẩm do PGS. TS Lý Ngọc Trâm làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất một số thực phẩm giàu hoạt chất sinh học từ vừng đen”.
Ngày nay, nhiều chất có hoạt tính sinh học có nguồn gốc tự nhiên từ thực vật, động vật và vi sinh vật được đưa vào thành phần thực phẩm chức năng để phòng chống một số bệnh, kể cả bệnh hiểm nghèo. Vừng là một trong những loại cây có dầu quan trọng nhất thế giới với khoảng 30 loài khác nhau, trong đó vừng đen và vừng trắng là hai loại được trồng phổ biến. So với vừng trắng, vừng đen có hàm lượng dầu va các hoạt chất sinh học cao hơn.
Nhằm khai thác, tận dụng các giá trị của vừng đen đối với sức khỏe con người, nhóm nghiên cứu của Viện Công nghiệp thực phẩm do PGS. TS Lý Ngọc Trâm làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất một số thực phẩm giàu hoạt chất sinh học từ vừng đen”. Đây là đề tài thuộc Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì.
Chiều ngày 5 tháng 11, đoàn công tác của Bộ Công Thương gồm đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ cùng tổ chuyên gia đã kiểm tra, thẩm định sản phẩm đề tài trước khi tiến hành nghiệm thu theo quy định.
Đoàn công tác Bộ Công Thương kiểm tra, thẩm định sản phẩm nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Viện Công nghiệp thực phẩm
Theo PGS. TS Lý Ngọc Trâm, mục tiêu của đề tài nhằm xây dựng quy trình công nghệ lên men và chiết tách sesame lignin, anthocyanin từ vừng làm nguyên liệu bổ sung vào sản xuất thực phẩm chức năng.
Qua kiểm tra, đoàn công tác đánh giá tổ chức chủ trì và nhóm thực hiện đề tài đã thực hiện đầy đủ các nội dung như đã đăng ký. Đề tài đã nghiên cứu lựa chọn được các chủng vi sinh vật có khả năng lên men vừng đen giải phóng sesame lignin và anthocyanin. Từ hai chế phẩm sesame lignin và anthocyanin sản xuất được, đề tài đã phối hợp Công ty TNHH Dược phẩm Lạc Việt sản xuất sản phẩm thực phẩm chức năng BIOSEAN dạng viên (hàm lượng sesamin 30mg, hàm lượng anthocyanin 30mg) đạt các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, có chứng nhận phù hợp quy định về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế.
PGS.TS Lý Ngọc Trâm cho biết thêm, sản phẩm thực phẩm chức năng dạng viên BIOSEAN do đề tài sản xuất đã được thử lâm sàng trên bệnh nhân mắc hội chứng rối loạn chuyển hóa. Khu vực thử nghiệm tại Hải Phòng. Kết quả ban đầu cho thấy sản phẩm BIOSEAN dạng viên có hiệu quả tốt đối với cải thiện nồng độ insulin và kháng insulin, nồng độ cholesteron máu, giảm tỷ lệ đối tượng có cholesterol máu cao, có khả năng chống oxy hóa.
Các sản phẩm của đề tài
Bên cạnh sản phẩm BIOSEAN dạng viên, nhóm thực hiện cũng sản xuất thực phẩm chức năng dưới dạng bột uống liền Sesame Powder có hàm lượng sesame lignin độ tinh sạch 55,8% (0,60%), chế phẩm anthocyanin từ vừng đen lên men độ tinh sạch 40,3% (0,50%) có chất lượng tốt và đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.
“Ngoài sản phẩm thực phẩm chức năng dạng viên và bột uống liền, chúng tôi còn sản xuất thực phẩm chức năng dạng trà hòa tan Sesame Tea. Ngoài thành phần chính là chế phẩm sesame lignin và anthocyanin, chúng tôi đã phối hợp với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Đại gia đưa ra công thưc trà mới với sự kết hợp của một số thành phần như hương hoa quả tổng hợp, màu caramen, vitamin C để tạo sản phẩm có hương vị hài hòa, hấp dẫn hơn”, PGS. TS Lý Ngọc Trâm cho biết.
Đề tài đã xây dựng được quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất sesame lignans và anthocyanin từ vừng đen lên men. Công nghệ và mô hình thiết bị mà đề tài xác lập được có tính tiên tiến, phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước, đặc biệt có thể chuyển giao, nhân rộng trong các cơ sở sản xuất trong nước.
Theo đánh giá của tổ chuyên gia, các chế phẩm và sản phẩm của đề tài tạo ra có chất lượng tương đương sản phẩm nhập ngoại cùng loại với giá thành cạnh tranh, hoàn toàn có thể thay thế sản phẩm nhập ngoại.
Ngoài hiệu quả về kinh tế, việc tạo ra các chế phẩm và sản phẩm có giá trị cao từ hạt vừng đen của đề tài còn góp phần nâng cao giá trị cây vừng. Kết quả của đề tài được được áp dụng vào thực tế sản xuất sẽ hỗ trợ và thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, đồng thời tạo thêm việc làm cho người lao động, đặc biệt là bà con nông dân vùng trồng nguyên liệu.
Vụ Khoa học và Công nghệ