[In trang]
Đánh giá hiện trạng nuôi cá biển lồng bè ở vùng Đông Nam Bộ và đề xuất giải pháp phát triển bền vững
Thứ tư, 09/10/2019 - 13:37
Điều tra hiện trạng nuôi cá biển lồng bè ở vùng Đông Nam Bộ được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2017. Trong nghiên cứu đã tiến hành điều tra, thu mẫu và phỏng vấn 112 hộ tại tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh nuôi cá bằng lồng bè trên biển.
Điều tra hiện trạng nuôi cá biển lồng bè ở vùng Đông Nam Bộ được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2017. Trong nghiên cứu đã tiến hành điều tra, thu mẫu và phỏng vấn 112 hộ tại tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh nuôi cá bằng lồng bè trên biển. Kết quả phân tích cho thấy: các hộ nuôi đều dựa vào kinh nghiệm nuôi, đa số chưa được tham gia tập huấn kỹ thuật, nguồn cá giống chủ yếu được sản xuất trong nước; kích thước con giống thả 2 - 20cm/con; thức ăn chủ yếu là thức ăn viên cho giai đoạn dưới 1 tháng nuôi và sử dụng cá tạp cho giai đoạn trên 1 tháng nuôi; không có đo các chỉ tiêu môi trường; tỷ lệ sống cá nuôi đạt từ 51,6 - 69,3%; một số bệnh thường gặp khi nuôi cá biển lồng bè là bệnh mù mắt, bệnh xuất huyết, bệnh vi rút; Nghiên cứu cũng đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển nghề nuôi cá biển lồng bè vùng Đông Nam Bộ theo hướng bền vững.
Từ khóa: Điều tra, Đông Nam Bộ, hiện trạng, kỹ thuật, lồng bè.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Nghề nuôi cá lồng ở nước ta trong những năm gần đây phát triền mạnh ở một số tỉnh ven biển như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hoà, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang..., do diện tích mặt nước biển nước ta còn khá lớn, nghề nuôi cá biển lại cho năng suất, sản lượng lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao, điều này sẽ giải quyết được vấn đề nguồn lợi và trữ lượng khai thác cá biển ngày càng giảm sút. Các đối tượng nuôi tập trung nuôi chủ yếu là một số loài có giá trị kinh tế như: cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng, cá chẽm, cá hồng... Trong giai đoạn năm 2010 - 2015, số lượng lồng, bè nuôi cá lồng liên tục tăng. Tổng số ô lồng năm 2010 đạt 30.031 ô lồng, đến năm 2015 đạt 172.119 lồng. Năm 2010 sản lượng cá biển nuôi đạt 15.751 tấn, đến năm 2015 sản lượng đạt 63.460 tấn, giúp kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thủy sản tăng lên rõ rệt, tạo công ăn việc làm cho khoảng trên 4 triệu lao động (Tổng cục Thuỷ sản, 2016). Bên cạnh việc tăng diện tích và sản lượng, nghề nuôi cá biển cũng đang phải đối mặt với một số vấn đề tồn tại về chất lượng môi trường suy giảm và dịch bệnh xảy ra làm cá nuôi bị chết hàng loạt gây thiệt hại từ vài chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng trên mỗi vụ nuôi.
Ở khu vực miền Đông Nam Bộ, nghề nuôi cá biển lồng bè đã phát triển gần 20 năm. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt đầu phát triển từ năm 2000, chủ yếu ở khu vực xã Long Sơn, toàn xã hiện nay có khoảng trên 140 hộ nuôi và hơn 2.866 lồng nuôi cá biển nuôi tập trung ở trên sông Chà Và. Tỉnh Bình Thuận phát triển nuôi cá biển lồng bè tập trung chủ yếu ở quanh đảo Phú Quý. Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nuôi cá biển chủ yếu ở cửa sông quanh đảo Cần Thạnh - huyện Cần Giờ. Nghề nuôi cá biển lồng bè chủ yếu phát triển tự phát, không quy hoạch trong một thời gian dài, làm cho môi trường nuôi bị ô nhiễm, dịch bệnh cá xảy ra, gây thiệt hại nhiều cho người nuôi. Đây là trở ngại lớn cho nghề nuôi cá biển tại các tỉnh khu vực miền Đông Nam Bộ. Báo cáo được thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng của nghề nuôi cá lồng bè tại các tỉnh Đông Nam Bộ.
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Thời gian và địa điểm
2.1.1. Thời gian nghiên cứu:
Từ tháng 1/2017 đến hết tháng 12/2017.
2.1.2. Địa điểm nghiên cứu
Ba tỉnh vùng Đông Nam Bộ: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và TP. Hồ Chí Minh.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.1. Thu thập số liệu
- Số liệu báo cáo của Phòng kinh tế và Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh.
- Thông tin được thu thập qua quan sát thực tế, phỏng vấn trực tiếp người dân nuôi cá biển địa phương, dựa trên mẫu phiếu điều tra để đánh giá hiện trạng nghề nuôi cá biển tại 03 tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh.
2.2.2. Thiết kế điều tra
Bảng 2.1. Số mẫu thu tại các tỉnh Đông Nam Bộ
2.3. Phương pháp phân tích và xử lý số liệu
2.3.1. Phân tích số liệu
Số liệu thu thập sau khi mã hóa và nhập vào máy tính sẽ được phân tích sử dụng các hàm thống kê như hàm Sum, Average, hàm Min, Max... Các chỉ số thống kê được dùng để mô tả các thông số kỹ thuật các đặt trưng kinh tế xã hội của nông trại,... và dựa vào các chỉ số này để rút ra nhận xét sau khi đã tiến hành phân tích so sánh.
2.3.2. Xử lý số liệu
Số liệu thu được được mã hóa và được xử lý theo từng chuyên đề dựa theo bộ câu hỏi của phiếu điều tra (phụ lục 1). Sử dụng phần mềm excel để xử lý và thống kê.
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Hiện trạng kinh tế - xã hội
3.1.1. Trình độ văn hóa của chủ hộ nuôi cá biển lồng bè khu vực Đông Nam Bộ
Hình 3.1. Trình độ văn hóa của người nuôi cá lồng bè tại vùng Đông Nam Bộ
Kết quả khảo sát cho thấy đa số người tham gia nuôi cá biển lồng bè số trình độ văn hóa cấp 2, cao nhất ở Cần Giờ - Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 59,1%, Phú Quý - Bình Thuận 53,7% và Bà Rịa Vũng Tàu 40,0%. Trong đó có trình độ đại học chỉ chiếm 2% và có ở tỉnh BRVT. Đặc biệt số người không biết chữ ở Phú Quý - tỉnh Bình Thuận chiếm tỷ lệ 
khoảng 7,3% và Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh là 4,5% (Hình 3.1). Trình độ học vấn thấp cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp nhận quY trình công nghệ nuôi, sự nhận thức chính sách của cơ quan quản lý về quy hoạch vùng nuôi cũng như các biện pháp bảo vệ môi trường.
3.1.2. Tập huấn, đào tạo kỹ thuật nuôi cá lồng bè
Kết quả điều tra người dân nuôi cá lồng bè tại Đông Nam Bộ cho thấy số người được tập huấn chuyên môn nuôi cá biển chỉ có ở BRVT đa số các hộ nuôi được tham gia tập huấn về kỹ thuật nuôi (chiếm 70%). Ở Phú Quý - Bình Thuận tỷ lệ số hộ có tham gia tập huấn chỉ chiếm 10,5% còn lại 89,5% số hộ không tham gia lớp tập huấn kỹ thuật. Riêng 22 hộ nuôi cá biển tại Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh qua khảo sát cho thấy 100% chưa được tham gia đào tạo, tập huấn. Điều này cho thấy đa số các chủ hộ nuôi đều mang tính chất tự phát, tự học hỏi kinh nghiệm nuôi của nhau rất ít tham gia các lớp tập huấn của cơ quan quản lý.
3.1.3. Kinh nghiệm nuôi cá lồng
Kết quả khảo sát cho thấy đa số các hộ nuôi đều có kinh nghiệm nuôi. Tỷ lệ số chủ hộ có kinh nghiệm nuôi cá lồng từ 1 - 5 năm chiếm tỷ lệ cao nhất Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 90,9%, kế đến là ở Bà Rịa Vũng Tàu chiếm 46%, còn ở Bình Thuận là 35%. Kết quả khảo sát cho thấy các hộ nuôi có kinh nghiệm nuôi từ 5 - 10 năm ở tỉnh BRVT chiếm tỷ lệ cao nhất (52%), còn ở Bình Thuận là 27,5% và TP. Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ thấp nhất là 9,1%. Kết quả cũng cho thấy rằng số hộ nuôi có kinh nghiệm trên 10 năm chủ yếu là ở Bình Thuận (chiếm 37,5%), trong khi đó ở tỉnh BRVT chỉ khoảng 2% và thành phố HCM không có hộ nuôi nào có kinh nghiệm nuôi trên 10 năm (Hình 3.3). Điều này cho thấy các hộ nuôi tại Bình Thuận có tính chất bám nghề lâu hơn, tính ổn định cao hơn các vùng khác trong khu vực.
Hình 3.2. Kinh nghiệm của người nuôi cá lồng bè 
3.1.4. Kính thước và vật liệu làm lồng nuôi
Kết quả điều tra các hộ nuôi cá lồng bè ở vùng Đông Nam Bộ cho thấy có 100% các chủ hộ nuôi theo hình thức bè nổi, có khung gỗ.
- Kết quả khảo sát cho thấy, đa số các hộ nuôi lồng bè tại Đông Nam Bộ có quy mô từ 10 - 86 ô lồng/bè. Số các hộ nuôi cá lồng bè tại tỉnh BRVT và TP. Hồ Chí Minh được hỏi thì có 100% số hộ nuôi đều thiết kế mỗi ô lồng nuôi kích cỡ 6  6  3m. Riêng ở Bình Thuận đa số các hộ nuôi thiết kế lồng có kích thước là 3  3  3m và 5  5  4m. So với vùng nuôi khác trong nước, thì kích cỡ lồng nuôi cá biển ở BRVT và TP. Hồ Chí Minh lớn nhất, lớn hơn so với các lồng nuôi ở Quảng Ninh, kích cỡ lồng nuôi thường là 3  3  3m, 3  3  2,5m và 2,5  2,5  2,5m (Vũ Trọng Hội, 2010).
- Vật liệu làm bè: Đa số các hộ nuôi ở TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa Vũng Tàu sử dụng vật liệu làm khung bè bằng gỗ dầu, gỗ 
sao chiếm 70% và dùng gỗ cây tràm, cây bạch đàn chiếm 30%, trong khi đó ở Bình Thuận 100% các hộ sử dụng gỗ dầu và gỗ sao để làm bè, do các loại gỗ này có độ bền cao và có thể chịu đựng được sóng gió. Các lồng lưới được làm từ vật liệu polyethylen, đa số lưới lồng có màu đen và các loại lồng nhựa hình tròn chưa được áp dụng nuôi tại khu vực Đông Nam Bộ. Kích thước mắt lưới 2a = 2cm, 2a = 4cm... tùy theo kích cỡ cá nuôi.
3.2. Hiện trạng kỹ thuật nuôi cá biển lồng bè vùng Đông Nam Bộ
3.2.1. Đối tượng và mùa vụ nuôi
Kết quả khảo sát cho thấy ở tỉnh BRVT nuôi đa loài nhất trong các tỉnh Đông Nam Bộ. Trong đó có cá bớp (Rachycentron canadum) và cá chẽm (Lates calcarifer) với tỷ lệ tương ứng là 66% và 68%. Cá mú (Epinephelus spp.), và cá hồng (Lutjanus argentimaculatus) có tỷ lệ nuôi tương ứng là 38% và 14,3%, riêng có cá chim vây vàng (Trachinotus blochii) chiếm tỷ lệ cao nhất là 90%.
Khu vực nuôi cá biển lồng bè tại tỉnh Bình Thuận người dân chỉ chọn nuôi 02 đối tượng cá biển là cá mú và cá bớp là hai đối tượng nuôi chính, trong đó nuôi cá mú chiếm tỷ lệ cao lần lượt là 67,5% và cá bớp chỉ chiếm 31,7%. Trong khi đó, người nuôi ở  TP. Hồ Chí Minh trong năm 2017 có 100% số hộ thả nuôi mỗi một loài cá bớp.
Tại BRVT, do thị trường tiêu thụ rộng, điều kiện tự nhiên phù hợp cho đa dạng loài nuôi, nên đa số các hộ đều thả nhiều loài nuôi trên cùng một bè. Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ hộ nuôi cá chim vây vàng tại BRVT là nhiều nhất (chiếm 90%), kế đến là cá bớp và cá chẽm chiếm tỷ lệ 66% và 68%. Khu vực nuôi cá biển lồng bè tại Bình Thuận, chủ yếu nuôi tại đảo Phú Quý, số hộ nuôi cá mú chiếm đến 67,5% và cá bớp là 31,7%.
Ở các tỉnh Đông Nam Bộ, qua điều tra cho thấy tất cả các hộ nuôi đều tập trung thả giống trong vụ chính từ tháng 2 đến tháng 5 dương lịch hàng năm. Ở tỉnh BRVT có số hộ thả cá giống tập trung vào mùa vụ chính (chiếm 91% ), ở TP. Hồ Chí Minh là 92,5%, còn ở Bình Thuận là 89,2%, tỷ lệ số hộ còn lại thả rải rác vào các tháng khác trong năm.
3.2.2. Kích cỡ giống thả nuôi
Kích cỡ cá giống thả nuôi dao động trong khoảng từ 2 - 20 cm, tùy theo loài, tùy thuộc vào giá cả và mùa vụ cá giống. Trong đó cá chim vây vàng là loài có cỡ giống thả nuôi nhỏ nhất kích thước dao động từ 2 - 12 cm, cá chẽm từ 4 - 15cm, cá mú từ 5 - 10 cm và cá bớp từ 8 - 20 cm. Mật độ cá thả nuôi dao động trong khoảng từ 5 - 25 con/m3, tùy loài, tùy độ tuổi của cá. Kết quả nghiên cứu cho thấy kích cỡ cá giống thả nuôi tại vùng Đông Nam Bộ nhỏ hơn so với một số vùng nuôi khác như theo kết quả nghiên cứu của Lý Văn Khánh và ctv. (2015) ở đảo Nam Du - Kiên Giang, kích cỡ giống cá bớp thả nuôi dao động từ 15 - 25 cm cho tỷ lệ sống đạt cao nhất (95%), trong khi đó kích cỡ giống thả từ 12 - 20 cm tỷ lệ sống dao động thấp hơn, đạt khoảng 25 - 70%. Điều này cho thấy thả nuôi lồng bè có cỡ cá giống càng lớn thì tỷ lệ sống của cá nuôi càng cao.
3.2.3. Nguồn cá giống và mật độ thả nuôi
Nhìn chung, nguồn cá giống hiện nay cung cấp cho khu vực nuôi ở Đông Nam Bộ hoàn toàn chủ động từ sản xuất trong nước với tỷ lệ từ 37,1 - 100%, tùy loài. Trong đó cá chẽm 100% các hộ nuôi đều sử dụng giống sản xuất nhân tạo trong nước. Tỷ lệ giống cá mú và cá bớp nhập khẩu chiếm từ 21,9 - 53,6%. Tỷ lệ con giống phụ thuộc vào tự nhiên khá thấp, riêng tỉnh Bình Thuận nguồn giống cá mú vẫn còn sử dụng cá giống tự nhiên chiếm 18,5% (Bảng 3.1). Điều này cho thấy về nguồn cá giống, sự chủ động con giống sản xuất trong nước ngày càng cao, theo kết quả nghiên cứu của Bùi Quang Mạnh và ctv. (2014) trong năm 2013 - 2014 tình hình cá giống nuôi tại BRVT có 13% thả giống từ tự nhiên (chỉ mỗi loài cá mú), với tỷ lệ thả giống sản xuất trong nước từ 25 - 36% và chiếm 62 - 66% là giống nhập ngoại cho tất cả các loài cá mú, cá bớp và cá hồng. 
Bảng 3.1. Nguồn giống, kích cỡ và mật độ cá nuôi trong lồng
Mật độ cá giống thả nuôi lồng bè tùy theo loài, tùy kích cỡ, tùy khu vực nuôi. Kết quả khảo sát cho thấy mật độ cá thả nuôi ở BRVT  và TP. Hồ Chí Minh thường thưa hơn so với Bình Thuận. Cá bớp nuôi tại Phú Quý - Bình Thuận thả từ 5 - 10 con/m3, cá mú thả 20 - 25 con/m3. Còn ở BRVT và TP. Hồ Chí Minh cá bớp thả từ 5 - 10 con/m3, cá mú thả 10 - 20 con/m3.
Kết quả điều tra cho thấy 100% số hộ nuôi không xét nghiệm bệnh cá giống trước khi nuôi và tới 95% số hộ không xử lý phòng bệnh cá giống trước khi thả nuôi, chỉ có khoảng 5% hộ nuôi có xử lý cá giống trước khi thả nuôi. Phương thức chủ yếu là tắm nước ngọt, thuốc tím, Iodin hoặc Oxytetracyline nồng độ thuốc xử lý theo kinh nghiệm. Như vậy, cho thấy chất lượng con giống đầu vào chưa được kiểm soát.
3.2.4. Sử dụng thức ăn và cho cá ăn
- Loại thức ăn: Hiện nay thức ăn dùng cho nuôi cá biển lồng bè được người dân sử dụng đó là thức ăn viên công nghiệp của công ty UP, Grobest và INVE để sử dụng cho một số loài cá biển như cá chẽm, cá mú..., tuy nhiên thức ăn của công ty INVE chủ yếu mới sản xuất dạng viên cho cá ở giai đoạn giống (dưới 25cm). Thức ăn tươi là cá tạp (cá nục, cá cơm, cá trích, cá chỉ vàng, cá phèn, cá trác, cá ngừ ồ, cá liệt... và phụ phẩm từ các nhà máy chế biến thủy sản).
Qua khảo sát cho thấy khoảng 98% hộ nuôi không dùng thức ăn viên để nuôi các loài cá mú, bớp, chẽm và cá hồng. Có khoảng 20% số hộ nuôi có sử dụng thức ăn viên công nghiệp (INVE) để nuôi cá lồng bè trong giai đoạn cá < 1 tháng nuôi đầu tiên, sau đó chuyển sang cho ăn cá tạp. Đối với các hộ nuôi cá chim thì có 50% số hộ sử dụng thức ăn viên hoàn toàn (UP, Grobest, Thăng Long, CP...), còn khoảng 50% số hộ sử dụng phối trộn giữa cá tạp xay với thức ăn viên công nghiệp để nuôi cá chim vây vàng.
- Tần suất cho cá ăn: Kết quả điều tra cho thấy, có 100% các hộ nuôi cho cá ăn 3 - 4 lần/ngày ở giai đoạn cá giống trong khoảng thời gian nuôi từ 1 - 2 tháng đầu. Giai đoạn cá lớn có 85% hộ cho cá ăn 1 lần/ngày vào lúc 17h và 15% hộ cho cá ăn 2 lần/ngày vào lúc 7h sáng và 17h chiều.
3.2.5. Quản lý môi trường nước nuôi
Trong quá trình nuôi các yếu tố môi trường nước nuôi như: Nhiệt độ, pH, độ mặn, NH3, oxy hòa tan, NO2- có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cá. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra có 100% hộ nuôi trả lời không theo dõi hoặc định kỳ đo đạc các chỉ tiêu về môi trường nước nuôi. Tất cả các hộ nuôi đều sử dụng kinh nghiệm nuôi, nhận biết về sự thay đổi môi trường bằng cách nhìn vào màu nước, thời tiết và dòng chảy.
3.2.6. Phân cỡ cá và vệ sinh lồng lưới
- Phân cỡ cá: Sự sinh trưởng của các đối tượng cá nuôi trong một quần đàn thường không đồng đều nhau, việc phân cỡ cá trong quá trình nuôi là một khâu quan trọng, để hạn chế cá lớn ăn cá bé làm ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và sự cạnh tranh thức ăn ảnh hưởng đến sự phát triển của quần đàn. Kết quả điều tra cho thấy 100% các hộ nuôi thường phân cỡ ở chu kỳ từ 1 - 3 tháng/ lần (cá giống) và ngưng phân cỡ khi cá nuôi trên 5 - 6 tháng.
Ở Đông Nam Bộ, vùng nuôi cá lồng bè tập trung chủ yếu ở vùng cửa sông và ven đảo, các lồng nuôi thường bị nhiễm bẩn bởi phù sa, hầu hà, sun, rong tảo... làm ảnh hưởng dòng chảy của nước lưu thông qua lồng. Kết quả 
điều tra ở thành phố HCM và BRVT cho thấy có từ 72,3 - 80,0% số hộ thay lưới trong khoảng thời gian dưới 1 tháng, chỉ có 20,0% đến 27,3% hộ nuôi thay lưới từ 1 đến 2 tháng, đặc biệt hai tỉnh này không có hộ nào thay lưới trên 2 tháng. Trong khi đó ở tỉnh Bình Thuận đa số các hộ nuôi (70%) vệ sinh thay lưới trong khoảng thời gian từ 1 - 2 tháng, còn lại 5% số hộ để lưới nuôi sau 2 tháng nuôi mới thay, có thể môi trường nuôi tại đảo Phú Quý tốt, nước ít bị ảnh hưởng bởi sự bám bẩn của các chất hữu cơ, phù sa, bùn.
- Vệ sinh lồng lưới: Kết quả điều tra cho thấy 100% các hộ thay lưới lồng bằng thủ công. Có 90 - 98% các hộ nuôi giặt lưới bằng máy ngay sau khi thay, chỉ có 2 - 10% giặt lưới bằng tay.
3.2.7. Thông tin phòng và trị bệnh cá nuôi
Tình hình dịch bệnh ở Đông Nam Bộ trong những năm gần đây đã gây thiệt hại lớn cho người nuôi, kết quả điều tra cho thấy cá có thể nhiễm bệnh quanh năm tuy nhiên cá thường bị bệnh vào khoảng thời gian từ  tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, tập trung cao điểm đợt tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.
Bệnh lở loét: Cá bệnh xuất hiện nhiều vào mùa hè và nhất là vào lúc giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa khoảng tháng 5 - tháng 8. Xử lý bệnh bằng cách tắm cá bằng thuốc Oxyteracyline cùng với tắm nước ngọt.
Bệnh ký sinh trùng: Cá bệnh thường xuất hiện và phát triển trong khoảng thời gian từ tháng 4 - tháng 9. Điều trị bằng cách tắm nước ngọt, Formol và một số hóa chất khác trong khoảng thời gian từ 5 - 15 phút. Thời gian điều trị cứ 3 - 4 ngày xử lý lặp lại 1 lần. Hiệu quả điều trị cao nhưng cá bị tái nhiễm bệnh liên tục, do môi trường nhiễm bẩn.
Bệnh cá bị mù mắt: Cá bớp bị nhiều nhất là 80 - 90% ở giai đoạn mới thả giống sau 1 tháng. Cá chẽm, cá hồng, cá chim vây vàng và cá mú thì bị rải rác trong suốt thời gian nuôi tỷ lệ cá bệnh khoảng 30%. Kết quả điều tra cho thấy có khoảng 70% các hộ trả lời xử lý cá bệnh bằng cách tắm nước ngọt + thuốc Oxyteracyline sau 3 - 4 lần, cá bị nhẹ và mới phát hiện sẽ khỏi bệnh, nhưng cá bệnh nặng thường không khỏi.
Bảng 3.2. Biện pháp phòng trị bệnh trên cá biển nuôi lồng bè khu vực Đông Nam Bộ
Bệnh xuất huyết: cả 5 đối tượng cá biển nuôi lồng bè đều bị bệnh xuất huyết trên da thường chết rải rác từ 3 - 7 con mỗi ngày, mùa vụ xuất hiện bệnh từ tháng 5 đến tháng 10, tỷ lệ nhiễm bệnh 60 - 70%. Theo khảo sát 100% các hộ nuôi chưa có biện pháp xử lý bệnh này.
Bệnh do vi rút: cá có thể nhiễm vi rút trong giai đoạn 3 tháng nuôi (cá giống) và có thể xảy ra ở tất cả các loài cá nuôi. Dấu hiệu cá đổi màu, bỏ ăn, bơi quanh mặt nước, cá không có dấu hiệu nhiễm khuẩn hay ký sinh trùng. Cá có thể chết 100%, hiện chưa có phương pháp trị.
Bệnh cá chết không rõ nguyên nhân: Kết quả điều tra có 100% số hộ nuôi cho biết  mùa vụ xuất hiện cá chết trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 9.
3.2.8. Tỷ lệ sống
Kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ sống của các loài cá biển nuôi trong lồng bè tại BRVT đối tượng nuôi có tỷ lệ sống thấp nhất là cá mú 51,6 ± 8,3%, sau đó đến cá chim vây vàng và cá bớp có tỷ lệ sống lần lượt 63,0 ± 6,8% và 57,3 ±7,4%. Cá hồng và cá chẽm có tỷ lệ sống cao hơn tương ứng từ 62,9 ± 5,7%, cá chẽm 64,6 ± 6,3%.
Tỷ lệ sống của cá mú và cá bớp nuôi lồng bè tại Bình Thuận đạt cao nhất khu vực Đông Nam Bộ, trung bình đạt lần lượt là 58,5 ± 7,9% và 69,3 ± 10,5%. Ở TP. Hồ Chí Minh, các hộ nuôi năm 2017 chỉ nuôi cá bớp và cá nuôi có tỷ lệ sống trung bình đạt 56,6 ± 8,6%. Kết quả tỷ lệ sống của cá mú nuôi ở BRVT so với tỷ lệ sống cá mú nuôi ở đảo Nam Du - Kiên Giang đạt tương đươc nhau (45 - 50%), theo Lý Văn Khánh (2015) trong khi đó tỷ lệ sống của cá bớp ở Nam Du thì cao hơn ở khu vực Đông Nam Bộ (đạt 75,3%).
3.3. Giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi cá biển lồng bè
Để phát triển nuôi cá biển lồng bè vùng Đông Nam Bộ theo hướng phát triển bền vững thì phải thực hiện đồng thời các giải pháp:
- Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, về chính sách, về quy hoạch, về khoa học - công nghệ và đào tạo, về nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nước khu vực nuôi.
- Mở rộng quy hoạch nuôi cá biển lồng ở các vùng biển hở và hải đảo ở khu vực ĐNB. Đa dạng hóa loài nuôi, tiếp tục duy trì 6 loài cá đang nuôi và phát triển nuôi các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế, hướng đến xuất khẩu như cá cam, cá bè vẩu, cá ngừ đại dương, cá mú lai,...
- Áp dụng công nghệ lồng HDPE chịu được sóng, gió tốt. Phát triển công nghệ sản xuất đại trà giống các loài cá biển đạt yêu cầu về chất lượng và đủ số lượng cung cấp cho người nuôi. Thay thế dần thức ăn công nghiệp, hạn chế ô nhiễm môi trường.
- Nâng cao trình độ nuôi thủy sản của người dân thông qua tập huấn đào tạo, tham quan mô hình và tiếp nhận công nghệ nuôi mới. Thành lập các tổ tự quản nghề nuôi trong cộng đồng. Gắn kết mối quan hệ giữa người sản xuất - tư thương và nhà quản lý.
- Có các chính sách ưu đãi về vốn (giảm thuế, cho vay lãi suất thấp...), khuyến khích việc mở rộng vùng nuôi ở các vùng biển đảo, lập dự án nuôi lồng bè theo mô hình mới hiện đại đạt tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật.
4. KẾT LUẬN
- Hình thức nuôi còn thủ công, thức ăn chủ yếu là cá tạp, thức ăn công nghiệp sử dụng còn ít. Đối tượng nuôi chủ yếu cá mú, cá hồng, cá chẽm, cá bớp và cá chim vây vàng.
- Hiện trạng nghề nuôi cá biển lồng bè ở vùng Đông Nam Bộ mang tính tự phát theo sự thành công của những hộ nuôi trước, đơn giản, quy mô nhỏ. Sự cố ô nhiễm môi trường ở khu vực nuôi thường xuyên xảy ra. Công tác cảnh báo môi trường và phòng trừ dịch bệnh còn thấp.
- Kỹ thuật nuôi còn phụ thuộc vào kinh nghiệm và tự phát, tỷ lệ tham gia đào tạo tập huấn thấp. Nguồn cá giống chủ yếu từ sản xuất nhân tạo và nhập ngoại. Tỷ lệ sống của các loài cá biển nuôi lồng ở Đông Nam Bộ dao động trong khoảng 51,6 - 69,3 %.
- Nguồn nhân lực chuyên nuôi biển còn hạn chế. Hạ tầng và dịch vụ chưa đáp ứng. Trang thiết bị phục vụ nuôi biển chưa phát triển  mạnh.  Thiếu  vốn,  chính   sách  đầu tư phát triển nuôi biển chưa đáp ứng yêu cầu.
- Công tác quản lý con giống, thức ăn, thuốc hóa chất và kiểm tra chất lượng hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế. Ý thức tự giác của người dân trong việc xả thải từ nguồn sinh hoạt và từ hoạt động nuôi còn chưa cao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Quang Mạnh và ctv., 2014. Báo cáo tổng kết đề tài: “Nghiên cứu một số bệnh thường gặp trên một số loài cá biển nuôi tại tỉnh BR - VT. Đề xuất giải pháp phòng trị”. Đề tài cấp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
2. Lý Văn Khánh và ctv., 2015. Hiện trạng kỹ thuật của nghề nuôi cá lồng ở quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, Tỉnh Kiên Giang. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Phần B: Nông nghiệp, Thủy Sản và Công nghệ Sinh học 2015: pp 97 - 104.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu, 2011. Báo cáo kết quả sản xuất nuôi trồng thuỷ sản năm 2011, kế hoạch năm 2012.
4. Tổng cục Thuỷ sản, 2016. Báo cáo tình hình nuôi biển, định hướng và giải pháp phát triển. Hội nghị Phát triển nuôi trồng thủy sản biển, Nha Trang ngày 11/11/2016.
5. Tổng cục Thủy sản, 2017. Báo cáo kết quả chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017. Hà Nội ngày 28/6/2017.
6. Vũ Trọng Hội, 2010. Điều tra hiện trạng kỹ thuật và đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của nghề nuôi lồng bè một số loài cá biển có giá trị kinh tế tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Luận văn thạc sỹ Nông nghiệp, Trường Đại học Nha Trang.
Nguyễn Thị Phương Thảo, Cao Văn Hùng, Nguyễn Xuân Toản - Phân viện nghiên cứu Hải sản phía Nam