Cần Thơ: Áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong chế biến thức ăn chăn nuôi
Thứ sáu, 02/08/2024 - 11:41
Thực hiện Quyết định số 1625/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030" trên địa bàn thành phố Cần Thơ (Kế hoạch).
Thực hiện Quyết định số 1625/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030" trên địa bàn thành phố Cần Thơ (Kế hoạch).
Kế hoạch nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế từ nguồn sản phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương và tăng cường năng lực sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi; thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và hạ giá thành sản phẩm góp phần giảm tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, công nghiệp hóa sản xuất các loại thức ăn bổ sung như chế phẩm vi sinh, thảo dược, các hợp chất thiên nhiên, khoáng đa lượng, khoáng vi lượng, khoáng tự nhiên,... để cung cấp nhu cầu của người chăn nuôi; Đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong chế biến các loại phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp, chế biến thực phẩm,... làm thức ăn chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, nâng cao giá trị sử dụng và hiệu quả kinh tế.
Cần Thơ xây dựng kế hoạch phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030 (Ảnh minh hoạ - TTXVN)
Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trên, thành phố Cần Thơ đã vạch ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó, khuyến khích phát triển và đổi mới trình độ công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp đối với các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn thành phố. Đồng thời, phát triển công nghiệp sản xuất các loại thức ăn bổ sung và chế biến các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi.
Thành phố Cần Thơ cũng khuyến khích chuyển đổi những diện tích đất sản xuất nông nghiệp không hiệu quả để sản xuất nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác và người dân chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp ở các vùng có lợi thế và áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật để sản xuất các loại cây trồng có năng suất, chất lượng phù hợp theo hướng công nghiệp để làm nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Ngoài ra, UBND thành phố Cần Thơ sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án ưu tiên như: đánh giá trình độ công nghệ và đề xuất giải pháp cải tiến công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp; phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn bổ sung; phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi; phát triển vùng sản xuất nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi.
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch, Sở Công Thương Cần Thơ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện phương án chế biến các loại phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi thuộc phạm vi và chức năng quản lý ngành Công Thương nhằm cung cấp nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi và đảm bảo nguồn cung thức ăn chăn nuôi cho thị trường trong và ngoài thành phố.
Sở Khoa học và Công nghệ cần tăng cường hỗ trợ ngành nông nghiệp trong định hướng nghiên cứu phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đồng thời triển khai , chuyển giao kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất.
Thành phố Cần Thơ phấn đấu đến năm 2025, sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đáp ứng khoảng 65% và phấn đấu đến năm 2030 đáp ứng khoảng trên 70% nhu cầu thức ăn chăn nuôi của địa phương. Bên cạnh đó, chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp phù hợp để sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (bắp, mè, cám gạo, các loại cây họ đậu...) theo hướng công nghiệp hóa và từng bước đáp ứng nhu cầu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và hạn chế việc nhập khẩu nguyên liệu. |
Xem chi tiết Kế hoạch: tại đây
Tố Uyên