Họp Tổ soạn thảo "Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực Công Thương"
Thứ năm, 06/06/2024 - 10:39
Ngày 05/6/2024, Bộ Công Thương đã tổ chức họp Tổ soạn thảo "Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực Công Thương" (Đề án).
Ngày 05/6/2024, Bộ Công Thương đã tổ chức họp Tổ soạn thảo "Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực Công Thương" (Đề án).
Buổi họp nhằm tổng hợp ý kiến của các thành viên trong Tổ soạn thảo Đề án về đề cương của Đề án, kế hoạch triển khai các hoạt động khảo sát, làm việc với các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, nhiên liệu sinh học. Đồng thời, nghiên cứu kinh nghiệm, tài liệu của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới, trong khu vực liên quan đến việc phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến làm cơ sở xây dựng Đề án.
TS. Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương chủ trì cuộc họp.
Đóng góp ý kiến tại buổi họp, TS. Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, cần làm rõ sự khác nhau giữa Đề án với Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030". Bên cạnh đó, cần bổ sung nội dung về việc tiếp nhận và chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ lõi hiện đại trên thế giới phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam. Cũng như xây dựng và triển khai Đề án theo hướng tiếp cận và đưa doanh nghiệp lớn tham gia trực tiếp và việc tiếp nhận công nghệ, sản xuất sản phẩm hàng hóa cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tại buổi làm việc, các thành viên tổ soạn thảo cũng đã tích cực trao đổi nhiều nội dung liên quan để xây dựng và từng bước hoàn thiện dự thảo Đề án. Trong đó, đa số các ý kiến đều nhận định cần bổ sung lịch làm việc với đại diện các cơ quan quản lý tại địa phương như Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ,.... Đồng thời, tổ chức làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp lớn có tác động đến thị trường trong nước và các doanh nghiệp cung cấp nguồn nguyên liệu và xuất nhập khẩu liên quan đến công nghệ sinh học; lắng nghe các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để có thể giải quyết được trong Đề án.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng Đề án cần bám sát Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Trong đó, chú trọng việc tăng 50% doanh nghiệp công nghiệp sinh học cả về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu; đóng góp 7% vào GDP; bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Xem chi tiết Quyết định về việc thành lập Tổ soạn thảo "Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực Công Thương" : tại đây
Minh Khuê