Giải pháp phát triển và ứng dụng CNSH trong tình hình mới tại Hưng Yên
Thứ ba, 05/03/2024 - 09:19
Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới , Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch thực hiện với các giải pháp cụ thể.
Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới , Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch thực hiện với các giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết 36-NQ/TW, Nghị quyết 189/NQ-CP và Kế hoạch 203-KH/TU đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong tình hình mới. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng. Chú trọng truyền thông về các thành tựu công nghệ sinh học; kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; các tập thể, cá nhân điển hình trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Kịp thời khen thưởng, tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống.
Nông dân huyện Phù Cừ (Hưng Yên) áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt trong trồng trọt (Ảnh: Báo Hưng Yên)
Thứ hai, triển khai thực hiện cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học thông qua việc rà soát , kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách, pháp luật về công tác phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các sản phẩm công nghệ sinh học tại địa phương. Nghiên cứu hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về sản phẩm công nghệ sinh học cho phù hợp.
Thứ ba, tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghệ sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chú trọng triển khai ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến, tập trung vào các công nghệ theo chuỗi công nghệ khép kín, sản xuất tuần hoàn đối với từng nhóm nguyên liệu đặc trưng của tỉnh (các sản phẩm nông sản; nấm dược liệu, cây dược liệu,…) tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn và có giá trị cao
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng và phát triển công nghệ enzyme, protein và vi sinh vật trong bảo quản, chế biến, sản xuất nước uống lên men, lên men thực phẩm, dược phẩm... từ dược liệu và các nông sản khác nhằm gia tăng chất lượng sản phẩm; các quy trình công nghệ, thiết bị lên men vi sinh ở quy mô vừa và nhỏ để sản xuất, chế biến thực phẩm đồ uống lên men, nước giải khát có nguồn gốc tự nhiên (thực vật, vi sinh vật), các sản phẩm đồ uống chế biến từ hạt, ngũ cốc (gạo, ngô…).
Thứ tư, tập trung nguồn lực để nâng cao năng lực phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong các tổ chức công lập của tỉnh; hiện đại hoá hệ thống phòng thí nghiệm công nghệ sinh học gắn với công tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu đánh giá, kiểm định chất lượng các sản phẩm có giá trị. Nâng cao năng lực các tổ chức khoa học và công nghệ công lập như: Trung tâm Thông tin Thống kê Ứng dụng khoa học và công nghệ; Trung tâm Giống nông nghiệp; Trung tâm Khuyến nông; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật… để xây dựng thành các các đơn vị đầu mối tiếp nhận và chuyển giao công nghệ sinh học, trực tiếp đưa công nghệ vào sản xuất tại địa phương; từng bước phối hợp với các đơn vị ngoài công lập xây dựng và phát triển công nghiệp công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh.
Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cán bộ khoa học thuộc mọi trình độ về công nghệ sinh học của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, môi trường. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ sinh học trong các tổ chức, doanh nghiệp của tỉnh.
Thứ năm, chủ động, tăng cường hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để nghiên cứu, chuyển giao, tiếp nhận các công nghệ mới, công nghệ có giá trị cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Đẩy mạnh hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức khoa học và công nghệ trong nước để triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng thành tựu của công nghệ sinh học vào thực tiễn sản xuất, trong khám chữa bệnh, bảo vệ môi trường.
Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế phát triển nguồn nhân lực thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; cử cán bộ, kỹ sư và các nhà khoa học trình độ cao tiếp nhận chuyển giao, trao đổi công nghệ từ các nước có nền công nghệ sinh học phát triển.
Mục tiêu của Hưng Yên đến năm 2045: - Trở thành tỉnh có nền công nghệ sinh học phát triển trong khu vực và cả nước; - Trở thành trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; - Hình thành, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học. Công nghiệp sinh học đóng góp 10 - 15% vào GRDP của tỉnh; - Đảm bảo nhu cầu thiết yếu của xã hội. |
Xem chi tiết: tại đây
Minh Khuê