[In trang]
Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phù hợp yêu cầu phát triển bền vững
Thứ hai, 24/04/2023 - 13:53
Là một trong những công nghệ lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ sinh học đã cho thấy vai trò quan trọng từ những bước phát triển đột phá, mở ra triển vọng đối với mô hình tăng trưởng mới.
Là một trong những công nghệ lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ sinh học đã cho thấy vai trò quan trọng từ những bước phát triển đột phá, mở ra triển vọng đối với mô hình tăng trưởng mới. Do đó, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cả hệ thống chính trị, nhất là trong bối cảnh yêu cầu cao về tăng trưởng bền vững như hiện nay.
Thực trạng phát triển công nghệ sinh học tại Việt Nam
Công nghệ sinh học là một lĩnh vực sáng tạo, có tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm công nghiệp, y học, môi trường, hóa chất… đặc biệt là với nông nghiệp. Càng ngày, công nghệ sinh học càng chứng tỏ là một trong những lĩnh vực công nghệ dẫn đầu cho quá trình chuyển đổi, đóng góp lớn cho quá trình phát triển xã hội theo xu hướng giảm phát thải carbon, góp phần giải quyết các thách thức phi truyền thống như bảo vệ sức khỏe, cung cấp thực phẩm và năng lượng, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng... Tại Việt Nam, với điều kiện khí hậu của nước nhiệt đới, kinh tế đi lên từ nông nghiệp, công nghệ sinh học có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đặc biệt là phát triển bền vững. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ sinh học, từ đó đề ra nhiều chủ trương, chính sách phát triển và ứng dụng thành tựu vào sản xuất và đời sống. Ngay từ Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII năm 1996 đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HNTW, trong đó nhấn mạnh “đến năm 2020 đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ở các ngành kinh tế trọng điểm như công nghệ sinh học…”; Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IX và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XII cũng đưa ra các nội dung về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Các lĩnh vực về công nghệ cao trong công nghệ sinh học cũng đã được Việt Nam xây dựng và triển khai thông qua các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ. Một số quy định có ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển công nghệ sinh học tại Việt Nam đến năm 2030 phải kể đến như: Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng); Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030 (Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ); gần đây nhất là Nghị quyết số 36-NQ/ TW ngày 30/01/2023 (Nghị quyết 36) của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước… Các văn bản này đã chỉ ra định hướng phát triển tổng thể công nghệ sinh học thông qua việc tập trung nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp sinh học, đổi mới cơ chế chính sách, tranh thủ hợp tác và hỗ trợ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư và sản xuất sản phẩm từ công nghệ sinh học trong các ngành, lĩnh vực và trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phục vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Đến nay, công nghệ sinh học ở Việt Nam đã có những bước tiến bộ nhanh chóng, đạt được nhiều thành tựu quan trọng; ứng dụng ngày càng rộng rãi trong đời sống xã hội, tạo đột phá trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, y dược, môi trường; tác động lớn đến sản xuất, đem lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội. Công nghệ sinh học đang trên lộ trình đi lên, khẳng định quy mô của một ngành công nghiệp với đội ngũ cán bộ nghiên cứu về công nghệ sinh học tăng cả về số lượng và chất lượng. Ngành này ngày càng được doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, sản xuất, thương mại hoá sản phẩm công nghệ sinh học trên một số lĩnh vực với quy mô lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Điển hình như đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, tuy tốc độ phát triển còn chậm so với thế giới nhưng các chuyển biến về ứng dụng công nghệ sinh học trong vài năm trở lại đây đang ngày càng ấn tượng. Ngành nông nghiệp Việt Nam đã ứng dụng thiết bị cảm biến nhằm số hóa các yếu tố liên quan đến cây trồng như lượng nước, độ ẩm, phân bón hay ánh sáng. Nhờ ứng dụng công nghệ sinh học theo hướng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện Việt Nam đã tạo ra được giống lợn nhân bản, ứng dụng phương pháp đánh giá di truyền giống của đàn lợn dựa trên giá trị kiểu gen bằng phương pháp BLUP (Best Unbiased Prediction) mà các nước có nền chăn nuôi lợn tiên tiến đang áp dụng. Hay ứng dụng giúp tạo tôm càng xanh nhân bản bằng công nghệ RNA-RNA interferen và định hướng sản phẩm lớn cung cấp cho sản xuất.
Đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, một thành tố quan trọng của công cuộc phát triển bền vững, công nghệ sinh học đã đem lại nhiều giải pháp ưu việt như: Phân hủy các độc chất vô cơ và hữu cơ; Phục hồi các chu trình trao đổi chất của C, N, P và S trong tự nhiên; Thu nhận các sản phẩm có giá trị ở dạng nhiên liệu hoặc các hợp chất hữu cơ; Xử lý chất thải, như: Xử lý sinh học hiếu khí, xử lý bằng lên men phân hủy yếm khí; Thu nhận các chất có ích từ lên men yếm khí, như: Xử lý các dạng nước thải khác nhau và tái sử dụng chúng để phục vụ cho các ngành công nghiệp nặng; Xử lý các chất thải công nghiệp như: Xử lý chất thải công nghiệp chế biến sữa, xử lý chất thải công nghiệp dệt; Dùng vi sinh vật để khả năng ăn dầu để xử lí các sự cố tràn dầu hay ô nhiễm dầu.
Tuy nhiên, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học tại Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém. Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới đã chỉ ra rằng: Công nghệ sinh học hiện nay phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam. Năng lực công nghệ sinh học chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ; một số lĩnh vực quan trọng của công nghệ sinh học lạc hậu so với khu vực và thế giới; công nghiệp sinh học chưa trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực công nghệ sinh học còn nhiều hạn chế, bất cập.
Nguyên nhân của những tồn tại được chỉ ra chủ yếu là do nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của lĩnh vực này; cơ chế, chính sách chưa phù hợp, thiếu hấp dẫn để thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Nghị quyết 36 cũng chỉ ra rằng việc đầu tư cho phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; mối liên kết giữa các nhà khoa học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp trong phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học chưa hiệu quả, còn lỏng lẻo.
Giải pháp phát triển và ứng dụng thành tựu của công nghệ sinh học trong bối cảnh mới
Nghị quyết 36 đặt ra mục tiêu tổng quát, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á. Xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP cả nước. Mục tiêu đến năm 2030, nền công nghệ sinh học của Việt Nam đạt trình độ tiên tiến thế giới trên một số lĩnh vực quan trọng, là một trong 10 quốc gia hàng đầu Châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học; được ứng dụng rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Xây dựng nền công nghệ sinh học có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, tài chính đủ mạnh đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng 50% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu; đóng góp 7% vào GDP; bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Trong tầm nhìn dài hạn đến năm 1945, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; công nghiệp sinh học sẽ đóng góp 10-15% vào GDP.
Để đạt được các mục tiêu kể trên, một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra đối với lĩnh vực này, đó là:
Thứ nhất, thống nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới. Trong đó cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Song song với đẩy mạnh tuyên truyền, việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học cần được xác định là một nội dung, nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Có chính sách vượt trội, phù hợp để phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học có giá trị cao trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, quốc phòng, an ninh… Xây dựng cơ chế bảo đảm mối liên kết, gắn bó giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học; xây dựng, triển khai các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm công nghệ sinh học.
Thứ ba, tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chú trọng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong các lĩnh vực như: Nông nghiệp, công nghiệp, y tế, bảo vệ môi trường. Tập trung xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ sinh học nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ mới, sở hữu trí tuệ; nghiên cứu sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học quy mô công nghiệp; xây dựng thương hiệu, thương mại hoá sản phẩm; khai thác, sử dụng hiệu quả các phát minh, sáng chế công nghệ sinh học có giá trị cao của thế giới, ứng dụng hiệu quả trong công nghiệp sinh học. Chủ động ứng phó tình huống khủng bố bằng tác nhân sinh học, chiến tranh sử dụng vũ khí sinh học; xử lý chất độc hoá học...
Thứ tư, xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Trong đó, nghiên cứu xây dựng mô hình đào tạo nhân lực công nghệ sinh học từ giáo dục phổ thông đến đại học và trên đại học. Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp công nghệ sinh học, đơn vị sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ sinh học. Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và nhu cầu thực tiễn, bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu. Chú trọng xây dựng đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu có uy tín đạt trình độ quốc tế. Tập trung đầu tư nguồn lực nhằm nâng cao năng lực phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện, sớm đưa các trung tâm công nghệ sinh học quốc gia ở ba miền Bắc, Trung, Nam vào hoạt động. Hỗ trợ, phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học - công nghệ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học.
Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ sinh học, tuân thủ các điều ước quốc tế có liên quan đến công nghệ sinh học mà Việt Nam tham gia. Có chính sách mua, chuyển giao, trao đổi công nghệ sinh học, trong đó quan tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ có giá trị cao của thế giới vào Việt Nam; hợp tác nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế sinh học, quản lý tài nguyên, quản lý kinh tế, xã hội bền vững với các quốc gia có trình độ công nghệ sinh học phát triển./.
ThS. Nguyễn Thị Thanh Thủy - ThS. Nguyễn Thị Thu Hà, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
(Nguồn: Tạp chí Con số và Sự kiện)