[In trang]
Hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm chế phẩm AM in vitro cho cây trồng lâm nghiệp
Thứ năm, 13/04/2023 - 10:01
Nhóm nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng, thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, do TS. Lê Quốc Huy dẫn đầu, đã thực hiện dự án “Hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm chế phẩm AM in vitro cho cây trồng lâm nghiệp”.
Hiện nay, trong xu thế đòi hỏi “tiếp cận xanh”, canh tác bền vững và chứng chỉ nguồn gốc sản phẩm, và đặc biệt sau những kết quả quan trọng đạt được về tiến bộ kỹ thuật công nghệ AM (Arbuscular mycorrhiza) in vitro và áp dụng chế phẩm AM cho thực tiễn sản xuất về tăng sinh trưởng, năng suất cây trồng và cải tạo phục hồi đất, nhu cầu về áp dụng chế phẩm AM cho sản xuất ngày một tăng cao. Nhu cầu không chỉ đối với chế phẩm AM in vitro, mà còn cho cả các các vấn đề công nghệ liên quan và chuyển giao ứng dụng công nghệ cho sản xuất.
Chế phẩm AM in vitro sản xuất năm 2018
Công nghệ sinh khối và chế phẩm AM in vitro là hướng nghiên cứu mới, đột phá công nghệ về ứng dụng AM cho phân bón sinh học, tăng năng suất cây trồng và bảo vệ môi trường đất và hệ sinh thái bởi nó kết hợp sử dụng đặc tính sinh học sản sinh “rễ tóc” (hairy- root inducing) của các giá thể rễ mang gen Ri-tDNA (của thực vật chủ) với khả năng hình thành và nhân sinh khối cộng sinh AM trong môi trường in vitro giữa nấm rễ AM với giá thể rễ Ri-tDNA. Hướng công nghệ đang rất được quan tâm đầu tư nghiên cứu tại nhiều phòng thí nghiệm AM trên Thế giới.
Với mục tiêu nhằm phát triển hoàn thiện công nghệ nhân sinh khối AM in vitro và sản xuất chế phẩm áp dụng hiệu quả hơn cho sản xuất vườn ươm và rừng trồng các loài cây nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng, thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, do TS. Lê Quốc Huy dẫn đầu, đã thực hiện dự án “Hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm chế phẩm AM in vitro cho cây trồng lâm nghiệp”.
Sau bốn năm tập trung triển khai từ năm 2016 đến năm 2019, Dự án đã đạt được các kết quả quan trọng về hoàn thiện công nghệ sinh khối và sản xuất chế phẩm AM in vitro, bao gồm: (i) phục tráng và tạo mới thành công vật liệu gốc giá thể rễ Cà rốt in vitro mang gen sinh tóc rễ Ri-Tdna, (ii) hoàn thiện cải tiến môi trường MSR cho nhân sinh khối cộng sinh AM, (iii) hoàn thiện cải tiến hiệu quả kỹ thuật nhân cấy - tạo cộng sinh AM một lần cho nhân sinh khối AM in vitro, (iv) hoàn thiện cải tiến hiệu quả kỹ thuật thu hồi sinh khối AM in vitro, và (v) cải tiến kỹ thuật sản xuất, sử dụng chế phẩm AM. Kết quả hoàn thiện công nghệ đã được Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng đăng ký Tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học mới về “Quy trình công nghệ nhân sinh khối và sản xuất chế phẩm AM in vitro” (đơn vị hiệu lực > 1000 IP/g chế phẩm, thời hạn sử dụng chế phẩm 12 tháng) để thay thế Tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học đã công nhận 9/2015 về “Quy trình sản xuất chế phẩm nấm rễ nội cộng sinh AM (Arbuscular mycorrhiza) in vitro dạng bột cho cây Lâm nghiệp” (Mã số: LN.VS.03.2015/CNSH-BNNPTNT).
Sơ đồ công nghệ tổng thể Nhân sinh khối in vitro và sản xuất chế phẩm Nấm
Với những kết quả thu được, nhóm thực hiện Dự án đề xuất một số kiến nghị như sau:
1. Tiếp tục cho nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ nhân sinh khối AM bằng kỹ thuật bioreactor;
2. Tăng cường nghiên cứu ứng dụng AM cho môi trường, cải tạo phục hồi đất suy thoái và ô nhiễm;
3. Áp dụng nhân sinh khối AM in vivo và sản xuất chế phẩm AM mật độ 100 IP/g từ chế phẩm gốc 1000 IP/g nhằm giảm chi phí sản xuất, sử dụng thuận tiện và hiệu quả;
4. Mở rộng nghiên cứu áp dụng chế phẩm AM cho các đối tượng cây trồng (lâm nghiệp, công nghiệp và cây ăn quả) và vùng sinh thái liên quan khác.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo tổng kết Dự án (Mã số 17194/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Theo https://vista.gov.vn/