[In trang]
Ứng dụng CNSH trong chế biến thực phẩm: Hiệu quả từ những đề tài nghiên cứu khoa học
Thứ năm, 06/04/2023 - 09:24
Công nghệ sinh học được ứng dụng rất nhiều trong hầu hết các lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp cho đến y dược và môi trường. Đặc biệt trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, ứng dụng công nghệ sinh học đã và đang mang lại nhiều hiệu quả và lợi ích rõ rệt.
Công nghệ sinh học được ứng dụng rất nhiều trong hầu hết các lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp cho đến y dược và môi trường. Đặc biệt trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, ứng dụng công nghệ sinh học đã và đang mang lại nhiều hiệu quả và lợi ích rõ rệt.
Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 (Đề án) do Bộ Công Thương quản lý được triển khai từ năm 2007 đến 2020 với tổng cộng 148 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được phê duyệt. Với thế mạnh trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, đặc biệt trong lĩnh vực enzym và vi sinh, Viện Công nghiệp thực phẩm đã tham gia Đề án với tư cách đơn vị "nòng cốt" và được Bộ Công Thương tin tưởng giao chủ trì thực hiện 23 nhiệm vụ khoa học và công nghệ. 
Thông qua việc thực hiện các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm thuộc Đề án, Viện Công nghiệp thực phẩm đã cho ra đời nhiều sản phẩm được thương mại hóa và lưu thông trên thị trường. Nhiều kết quả của đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm do Viện chủ trì còn được ứng dụng vào sản xuất, đem lại kết quả bước đầu khả quan.
Tiêu biểu là dự án sản xuất thử nghiệm "Hoàn thiện công nghệ sản xuất maltooligosacharit giàu maltotriose sử dụng trong công nghiệp thực phẩm". Kết quả của dự án là sản phẩm đường chức năng maltooligosaccharide được sản xuất từ tinh bột sắn. Đây là loại đường được sử dụng phổ biến trong sản xuất thực phẩm, làm kem, các loại đồ uống hòa tan, nước trái cây,...Trao đổi với Trang TTĐT Công nghiệp sinh học Việt Nam, PGS. TS Vũ Nguyên Thành - Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm cho biết: "Trước đây, chúng ta hoàn toàn phải nhập khẩu loại đường này. Trong khi đó, tinh bột sắn - nguyên liệu sản xuất đường malto, có thể coi là một trong những loại nông sản chủ lực của Việt Nam. Từ thực tế này, Viện Công nghiệp thực phẩm đã triển khai nghiên cứu và phát triển thành công công nghệ sản xuất enzym có thể chuyển hóa tinh bột sắn thành đường malto sử dụng trong sản xuất công nghiệp. Sản phẩm được kiểm nghiệm có chất lượng tương đương sản phẩm nhập ngoại với giá thành cạnh tranh hơn".
Được biết, công nghệ này đã được chuyển giao cho Công ty Cổ phần Thực phẩm Minh Dương (Hà Nội) và được ứng dụng tương đối rộng rãi. Bản thân Viện Công nghiệp thực phẩm hiện cũng đang sử dụng loại đường này.
Nhà máy sản xuất rượu của Công ty Cổ phần Rượu bia nước giải khát AROMA (Hưng Yên). 
Cũng trong khuôn khổ Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, Viện Công nghiệp thực phẩm đã thực hiện thành công đề tài "Nghiên cứu công nghệ sản xuất rượu Whisky từ malt đại mạch và nguyên liệu thay thế của Việt Nam". Theo đó, các nhà khoa học của Viện đã phát triển và làm chủ công nghệ sản xuất rượu Whisky từ nguồn nông sản trong nước.
PGS. TS Vũ Nguyên Thành cho biết, hàng năm, người Việt bỏ ra một khoản chi phí tương đối lớn để mua rượu nhập khẩu. Xét từ khía cạnh khác, Việt Nam là nước có tiềm năng sản xuất với sản lượng nông nghiệp lớn, chủng loại phong phú. Do đó, làm chủ công nghệ sản xuất giúp các doanh nghiệp nội địa vững vàng hơn trong việc giành lại thị trường tiềm năng này, đồng thời giải quyết đầu ra cho người nông dân. Hiện sản phẩm dự án đã được chào bán và đem lại hiệu quả kinh tế khá tốt. Đánh giá từ khách hàng là chất lượng tương đương với sản phẩm ngoại nhập thuộc phân khúc trung cấp. 
Một dự án khác khá thành công trong sản xuất công nghiệp của Viện Công nghiệp thực phẩm đó là dự án sản xuất thử nghiệm "Hoàn thiện công nghệ sản xuất một số sản phẩm đồ uống từ quả táo mèo". Với dự án này, các nhà khoa học của Viện đã sử dụng giống khởi động sản xuất các sản phẩm từ quả táo mèo như rượu vang, giấm... và một số sản phẩm khác. Điểm đặc biệt của dự án này là ứng dụng công nghệ sinh học tạo được sản phẩm giá trị gia tăng tốt có nguồn nguyên liệu bản địa. Công nghệ này đã được chuyển giao cho Công ty TNHH Bắc Sơn (Sơn La) và Công ty Cổ phần Rượu bia nước giải khát AROMA (Hưng Yên). 
Sản phẩm rượu táo mèo Sân đình và dấm táo mèo lên men do Viện Công nghiệp thực phẩm nghiên cứu sản xuất.
Ông Đặng Ngọc Quý - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Rượu bia nước giải khát AROMA chia sẻ: “Rượu táo mèo được người tiêu dùng đón nhận tích cực giúp công ty tăng sản lượng, cũng đồng nghĩa với việc tăng giá trị kinh tế cho cây táo mèo, góp phần nâng cao đời sống của bà con vùng cao. Trong thời gian tới, công ty tiếp tục triển khai sản phẩm táo mèo kết hợp với các bài thuốc quý và đông trùng hạ thảo để khai thác hết đặc tính quý là làm thuốc của quả táo mèo, nâng cao giá trị của sản phẩm.”
GS.TS Nguyễn Văn Cách - Chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ sinh học thực phẩm đánh giá: “Dự án không chỉ đem lại kết quả nghiên cứu thử nghiệm mà đã tạo ra những sản phẩm hữu ích, được người tiêu dùng đón nhận. Các sản phẩm của dự án sẽ giúp đón đầu và nâng cao giá trị quả táo mèo khi được sản xuất hàng loạt. Điều này góp phần xóa đói giảm nghèo cho vùng cao, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội”. 
Đây chỉ là một số ví dụ tiêu biểu trong nhiều nghiên cứu ứng dụng sản xuất mà Viện Công nghiệp thực phẩm đã thực hiện trong khuôn khổ Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020. Được biết, trong quá trình tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Đề án, Viện đã có trên 10 công nghệ xuất phát từ các đề tài nghiên cứu khoa học được đăng ký sở hữu trí tuệ. PGS.TS Vũ Nguyên Thành - Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm chia sẻ, nhìn chung, các hoạt động nghiên cứu ứng dụng của Viện nhận được sự quan tâm lớn của doanh nghiệp sản xuất. Nhiều công nghệ đã được chuyển giao, đem lại hiệu quả kinh tế tốt. Hiện Viện cũng đang chủ động sản xuất trên 20 loại sản phẩm khác đều đã được cấp phép, sẵn sàng chuyển giao công nghệ. 
Viện Công nghiệp thực phẩm đang phối hợp với đối tác Thụy Điển và Thái Lan nhằm nghiên cứu các enzyme mới có khả năng thủy phân sinh khối thực vật và phát triển các sản phẩm từ nguyên liệu sắn, đồng thời triển khai nghiên cứu quá trình tạo bào tử của một số loại vi khuẩn và tìm kiếm các enzyme thủy phân agar. Đây là các nghiên cứu theo đơn đặt hàng của các công ty Pháp và Nhật Bản. 
Hà Nguyễn