[In trang]
Nghiên cứu bào chế sản phẩm giảm đau chứa nano cao ớt
Thứ tư, 19/01/2022 - 16:58
Mới đây, các nhà khoa học của Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng đã nghiên cứu và điều chế thành công sản phẩm gel giảm đau từ quả ớt. Sản phẩm gel giảm đau từ quả ớt có giá thành rẻ, không tác dụng phụ.
Ớt là loại gia vị quen thuộc đối với nhiều người Việt Nam. Ngoài việc được sử dụng làm thực phẩm, ớt còn có nhiều công dụng hữu ích khác. Mới đây, các nhà khoa học của Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng đã nghiên cứu và điều chế thành công sản phẩm gel giảm đau từ quả ớt. Đáng chú ý, sản phẩm gel giảm đau từ quả ớt có giá thành rẻ, không tác dụng phụ và có hiệu quả giảm đau tương đương, thậm chí tốt hơn sản phẩm tương tự hiện có trên thị trường.
Làm chủ quy trình công nghệ
Thông qua việc thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu bào chế sản phẩm giảm đau chứa nano cao ớt” do Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM giao, TS. Võ Đỗ Minh Hoàng - Chủ nhiệm đề tài cùng các cộng sự của Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng đã nghiên cứu, xây dựng và làm chủ được quy trình công nghệ bào chế gel chứa nano cao ớt ở quy mô 1.000 đơn vị sản phẩm/mẻ (5kg nguyên liệu).
Quy trình công nghệ bào chế gel giảm đau từ quả ớt bắt đầu bằng việc sơ chế nguyên liệu. Nhóm nghiên cứu đã thu mua ớt hiểm ở thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt. Đây là nguyên liệu chính được sử dụng để bào chế gel giảm đau. Ớt hiểm sau đó được rửa sạch và xay thành bột. Tiếp theo, nhóm tiếp tục bào chế để thu được cao ớt nano có chứa capsaicin - hoạt chất gây đỏ, nóng, được sử dụng để giảm đau tại chỗ. Được biết, nhiều loại thuốc giảm đau trên thị trường hiện nay cũng cũng chứa thành phần capsaicin với nồng độ từ 0,025% - 0,1%.
Sản phẩm gel giảm đau từ ớt do Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng nghiên cứu và sản xuất. (Ảnh: http://www.hanoimoi.com.vn/)
Bước cuối cùng, nhóm phát triển sản phẩm gel giảm đau có chứa các thành phần như nano cao ớt (0,15% capsaicin), tá dược tạo gel, Propylene glycol (5%), Glycerin (1%), Menthol (0,5%)…Đặc biệt, để làm dịu cảm giác nóng rát, mùi hăng cay do hoạt chất capsaicin gây ra, nhóm nghiên cứu còn bổ sung hỗn hợp menthol – camphor với tỷ lệ nhỏ, giúp tăng hiệu quả trị liệu của sản phẩm gel giảm đau.
Đáng chú ý, khi tiến hành thử nghiệm sản phẩm trên thỏ và chuột, gel nano cao ớt không những không gây kích ứng da mà còn có khả năng giảm đau tương đương thuốc thương mại paracetamol/codein và kem bôi capzacin.
Sẵn sàng chuyển giao công nghệ
Theo nhiều nghiên cứu, capsaicin có trong quả ớt được sử dụng như thuốc giảm đau nhưng hoạt chất này lại kém tan, khó thẩm thấu nên gây các dụng phụ nóng rát trên da. Tuy nhiên, TS. Võ Đỗ Minh Hoàng cho biết, nếu nang hóa capsaicin trong một số hệ mang nano sẽ tăng khả năng thẩm thấu vào da, từ đó làm giảm tác dụng phụ và tăng hiệu quả giảm đau. Với hướng nghiên cứu này, TS. Hoàng cùng các cộng sự đã cho ra đời sản phẩm gel giảm đau chứa nano capsaicinoid.
Sản phẩm gel nano giảm đau từ trái ớt có thời gian sử dụng tối thiểu là 12 tháng, đáp ứng tiêu chuẩn TCVN 6972-2001. Sản phẩm có màu đỏ cam, mùi đặc trưng, không tách lớp, bắt dính được trên da hay niêm mạc khi bôi.
Cùng với việc hoàn thiện quy trình công nghệ bào chế ở quy mô 1.000 đơn vị sản phẩm/mẻ, nhóm nghiên cứu Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng còn xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở của nguyên liệu và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Đây là cơ sở quan trọng cho việc chuyển giao công nghệ cho các đơn vị có nhu cầu. Theo TS. Võ Đỗ Minh Hoàng - Chủ nhiệm đề tài, quy trình công nghệ sản xuất gel giảm đau từ trái ớt có thể nâng quy mô để phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước.
Cây ớt có nguồn gốc từ châu Mỹ, được trồng khắp nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, rất nhiều giống ớt với những đặc điểm khác nhau được trồng tại nhiều địa phương với diện tích lớn. Trong đó, Đồng Tháp và đặc biệt là ở huyện Thanh Bình được coi là “vựa ớt lớn nhất miền Tây”. Theo thống kê, diện tích trồng ớt ở tỉnh Đồng Tháp hiện có gần 2.000 ha/năm, năng suất bình quân hơn 10 tấn/ha.
Bích Phương