[In trang]
Công nghệ sản xuất sinh khối nấm thượng hoàng và ứng dụng để sản xuất thực phẩm chức năng
Thứ năm, 20/01/2022 - 13:58
Đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất sinh khối nấm thượng hoàng (Phellinus linteus) và ứng dụng để sản xuất thực phẩm chức năng” do TS. Nguyễn Thị Minh Huyền làm chủ nhiệm, cơ quan chủ trì là Viện Công nghệ sinh học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Nấm thượng hoàng là một dược liệu quý đã được chứng minh là có thể ức chế khối u, điều trị ung thư vượt trội so với các giống nấm dược liệu khác, nó thường mọc ở những vùng rừng sâu, núi cao hiểm trở, đặc biệt là các khu rừng nguyên sinh. Với mục tiêu xây dựng quy trình công nghệ lên men sản xuất sinh khối nấm thượng hoàng và ứng dụng sinh khối nấm để cho ra đời những sản phẩm tốt cho sức khỏe, từ năm 2018, các nhà khoa học của Viện Công nghệ sinh học đã bắt tay vào thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất sinh khối nấm thượng hoàng và ứng dụng để sản xuất thực phẩm chức năng”.
Đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất sinh khối nấm thượng hoàng (Phellinus linteus) và ứng dụng để sản xuất thực phẩm chức năng” do TS. Nguyễn Thị Minh Huyền làm chủ nhiệm, cơ quan chủ trì là Viện Công nghệ sinh học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Các cơ quan phối hợp chính là Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Công ty Cổ phần Dược Trung Ương Mediplantex. Đây là đề tài thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020.
TS. Nguyễn Thị Minh Huyền - Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Nhóm thực hiện đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ lên men tạo sinh khối nấm thượng hoàng quy mô phòng thí nghiệm. Theo đó, sau khi nghiên cứu khả năng lên men sinh khối của 3 giống nấm thượng hoàng thu thập được, một giống nấm thượng hoàng có khả năng tạo sinh khối lớn nhất và chứa nhiều hoạt chất tự nhiên phù hợp cho lên men chìm đã được lựa chọn.”
TS. Nguyễn Thị Minh Huyền, chủ nhiệm đề tài.
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện đề tài, đến nay, nhóm đã hoàn thành các nội dung công việc theo hợp đồng đã ký với Bộ Công Thương. Cụ thể, nhóm đã nghiên cứu và sản xuất thành công sản phẩm bột sinh khối nấm Thượng hoàng, cùng với đó là sản phẩm trà túi lọc và trà hòa tan chứa tinh chất nấm Thượng hoàng có tác dụng tăng cường miễn dịch, giảm cholesterol và đường trong máu, giảm căng thẳng mệt mỏi, nâng cao sức khỏe và thể trạng. Đây là những sản phẩm mới lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường Việt Nam do đơn vị trong nước sản xuất.
Bột sinh khối nấm Thượng Hoàng sau khi sấy khô và nghiền mịn có màu vàng sáng, mùi thơm dịu nhẹ. Quá trình bảo quản được đóng túi với trọng lượng 0,5kg/túi. Hàm lượng tạp chất xác định theo dược điển Việt Nam có trong bột sinh khối nấm Thượng Hoàng là 0% ứng với bột sinh khối hoàn toàn nguyên chất. Độ cẩm còn lại sau khi sấy khô bằng phương pháp sấy đông khô được xác định nhỏ hơn 5%. Đánh giá độ an toàn của bột sinh khối nấm Thượng Hoàng, thử nghiệm độc tính cấp và thử nghiệm độc tính bán trường diễn trên động vật thí nghiệm đều cho ra các số liệu đảm bảo an toàn.
Sản phẩm Bột sinh khối nấm Thượng hoàng và Trà hòa tan chứa tinh chất nấm Thượng hoàng của đề tài.
Hiện tại, doanh nghiệp phối hợp đã sẵn sàng nhận chuyển giao công nghệ của quy trình nhân nuôi sinh khối nấm Thượng Hoàng trong môi trường lỏng thiết kế trong đề tài và ký biên bản thỏa thuận chuyển giao công nghệ.
Về kết quả đào tạo, đề tài đã đào tạo được 2 thạc sĩ và 5 cử nhân Công nghệ sinh học, có nhiều bài báo được đăng trên các Tạp chí Công nghiệp hóa chất, Tạp chí Kiểm nghiệm và An toàn thực phẩm, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Tạp chí Y học cộng đồng.
Toàn cảnh Hội đồng nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất sinh khối nấm thượng hoàng và ứng dụng để sản xuất thực phẩm chức năng”.
Tại buổi nghiệm thu đề tài vào ngày 24/12/2021, hội đồng nghiệm thu đánh giá cao những nỗ lực của nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài, nhóm thực hiện đã hoàn thiện được đầy đủ về số lượng, khối lượng và chủng loại các sản phẩm dạng I, II và dạng III, bao gồm cả quy trình công nghệ lên men và mô hình thiết bị sản xuất sinh khối nấm Thượng hoàng trên quy mô bình lên men 350 lít/mẻ, đào tạo, đăng tải các bài báo khoa học. GS.TS Đặng Thị Thu - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài đánh giá: “Nếu được chuyển giao công nghệ sớm, đề tài sẽ cho hiệu quả kinh tế tốt, do nhu cầu về các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư tại nước ta rất cao, đồng thời tận dụng tốt nguồn dược liệu quý của nước ta. Thậm chí, nếu được đầu tư nghiên cứu sâu hơn theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, sản phẩm còn có khả năng xuất khẩu.”
Kết quả của đề tài góp phần tạo ra nguồn nguyên liệu dược liệu quý dùng để sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng, giúp nâng cao sức khỏe của người dân với giá thành rẻ hơn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội.
Doãn Tâm