[In trang]
Nhiễm tạp dầu khoáng (MOSH/MOAH) trong thực phẩm
Thứ năm, 02/12/2021 - 13:16
MOSH là các hydrocacbon bão hòa giống parafin là các chuỗi mở thường là các hydrocabon phân nhánh và mạch vòng với độ nhớt từ thấp đến trung bình. Ngược lại, MOAH là một nhóm đa dạng các hợp chất hydrocacbon thơm, thường được cấu tạo từ một đến bốn vòng thơm và 97% trong số đó được alkyl hóa.
Theo công bố của Foodwatch * tháng 10/2019, phát hiện dầu khoáng (MOSH/MOAH) có mặt trong nhiều nhãn hàng thực phẩm dành cho trẻ em, trong đó có sản phẩm sữa cho trẻ em. Foodwatch tuyên bố rằng việc thực phẩm trẻ em bị nhiễm dầu khoáng là điều không nên có và cần thiết bảo vệ trẻ em trước MOSH/MOAH. Foodwatch kêu gọi phải thu hồi ngay lập tức những sản phẩm bị nhiễm tạp này. Trước đó, từ những năm 2010, những khảo sát tại Đức và Áo, các mẫu thực phẩm đóng gói đã phát hiện có hàm lượng dầu khoáng thơm cao hơn mức cho phép bao gồm bột mì, gạo, bánh mì, Nui khô, Cornflake, Đường, Sô cô la…
Foodwatch phát hiện lượng nhỏ dầu khoáng thơm (MOAH) tồn dư trong các sản phẩm sữa bột công thức tại Pháp, Đức, Hà Lan (Ảnh: Food watch)
Vậy dầu khoáng MOSH, MOAH là hợp chất gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu hợp chất này.
Dầu khoáng cơ bản gồm 2 nhóm hợp chất  khác nhau về hóa học và cấu trúc. Nhóm chính (chiếm 75-85%) là dầu khoáng hydrocacbon bão hòa (MOSH), nhóm thứ hai (chiếm tỷ lệ 15-25%) là nhóm dầu khoáng thơm (MOAH). Cả hai nhóm này bao gồm các chuỗi cacbon thường có ít hơn 25 nguyên từ cacbon.
MOSH là các hydrocacbon bão hòa giống parafin là các chuỗi mở thường là các hydrocabon phân nhánh và mạch vòng với độ nhớt từ thấp đến trung bình. Ngược lại, MOAH là một nhóm đa dạng các hợp chất hydrocacbon thơm, thường được cấu tạo từ một đến bốn vòng thơm và 97% trong số đó được alkyl hóa.
Nguồn gây ô nhiễm dầu khoáng
Các con đường nhiễm dầu khoáng rất đa dạng qua tất cả các giai đoạn sản xuất thực phẩm (từ nguyên liệu thô, qua các quá trình bảo quản, vận chuyển, sản xuất và vật liệu đóng gói). Nguồn ô nhiễm MOAH/ MOSH chính là chất kết dính, mực máy in và vật liệu đóng gói – đặc biệt là vật liệu tái chế. Các nguồn khác bao gồm dầu máy và dầu thủy lực sử dụng cho máy móc trong quá trình sản xuất. Việc sử dụng thùng các ton cứng gợn sóng hoặc bao đay hay bao sisal được tẩm dầu chứa dầu khoáng cùng có thể góp phần gây ô nhiễm. Dầu khoáng được sử dụng trong quá trình sản xuất như chất bôi trơn cũng có thể xâm nhập vào thực phẩm thông qua khí thải.
Những thực phẩm bị ảnh hưởng
Những loại thực phẩm bị ảnh hưởng bởi dầu khoáng bao gồm thực phẩm khô với bề mặt lớn như bột, hạt, gạo, cà phê, bột cacao, sữa bột, gia vị, bánh mỳ miếng và ngũ cốc. Dầu và chất béo như dầu cọ, dầu ô liu, dầu hạt hoa hướng dương, dầu hạt cải dầu và bơ ca cao, sữa dừa, sô cô la, đồ ngọt béo, bơ và bơ thực vật cũng dễ bị nhiễm MOSH/MOAH.
Làm cách nào MOSH/MOAH xâm nhập vào thực phẩm?
Câu trả lời là do tiếp xúc trực tiếp/gián tiếp cũng như qua pha khí. Mức độ rủi ro của việc nhiễm tạp này phụ thuộc vào một vài yếu tố, bao gồm đặc tính của thực phẩm, nồng độ MOSH/MOAH của nguồn nhiễm tạp, kiểu, cường độ, thời gian tiếp xúc và nhiệt độ.
Dầu khoáng có mặt rất phổ biến trong môi trường và có một số cách mà các thành phần của chúng có thể xâm nhập vào thực phẩm. Nguyên liệu thực phẩm thô tiếp xúc với hydrocacbon dầu khoáng từ các quá trình đốt cháy (bao gồm khói thải của động cơ xăng, khí thải từ các cơ sở sản xuất năng lượng và công nghiệp, cháy rừng, v.v) và các chất ô nhiễm từ đường trải nhựa. Sự ô nhiễm từ thuốc trừ sâu hoặc dầu bôi trơn máy móc/dầu thủy lực cũng có thể xảy ra trước hoặc trong khi thu hoạch.
Các thành phần dầu khoáng cũng có thể ngấm vào sản phẩm thô trong quá trình vận chuyển do bao bì vận chuyển nhiễm dầu khoáng như các loại bao tải đay, sidan đã ngâm tẩm. Việc nhiễm dầu khoáng qua bao bì carton cũng đã được biết đến, đặc biệt là thùng carton được làm từ carton tái chế. Đây là lý do tại sao hầu hết bao bì thực phẩm hiện nay được sản xuất từ sợi nguyên chất. Mực in gốc dầu khoáng cũng có thể là nguồn gây ô nhiễm các thành phần dầu khoáng khi được sử dụng để in bao bì sản phẩm. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất bao bì sử dụng chất kết dính có chứa dầu khoáng cũng có thể là cách mà các thành phần dầu khoáng ngấm vào thực phẩm.
Đối với các sản phẩm khô và tàng trữ ở nhiệt độ phòng, sự nhiễm tạp các thành phần vào thực phẩm xảy ra thông qua quá trình bay hơi, các chất được vận chuyển trong pha khí và hấp thụ vào thực phẩm. Việc này chỉ xảy ra đối với các thành phần dầu khoáng có áp suất hơi nhất định.
MOSH/MOAH gây ra những rủi ro sức khỏe nào?
Một số hydrocacbon no mạch ngắn nhóm MOSH tích tụ trong các cơ quan khác nhau của cơ thể. Những kiểm nghiệm trên động vật cho thấy những tổn thương gan và hạch bạch huyết do ảnh hưởng của nhóm chất này. Một số hydrocacbon thơm được alkyl hóa nhóm MOAH là chất gây ung thư, bao gồm một số hydrocacbon thơm đa vòng.
Giới hạn giá trị nào áp dụng cho MOSH/MOAH?
Mục tiêu chung là giảm thiểu hoặc thậm chí loại bỏ hoàn toàn thực phẩm nhiễm MOSH/ MOAH. Tại Đức, dự thảo thứ 3 công bố vào tháng 7/2014 đã đưa ra mức tối đa cho MOSH C16-35 là 24 mg/kg và MOAH C16-35 là 6mg/kg trong giấy và bìa cứng. Và trong thực phẩm, giới hạn quy định đối với chất này trong thực phẩm là ≤ 2mg/kg MOSH  và ≤ 0,5mg/kg MOAH. Dự thảo sửa đổi tháng 3/2017 hạn chế sự di chuyển của MOAH từ các vật liệu tiếp xúc với thực phẩm làm bằng giấy tái chế. Ngưỡng quy định đối với MOAH tại Bỉ là 0,5mg/kg thực phẩm.
Còn theo các nghiên cứu được tiến hành ở Đức năm 2019, do tác hại mà chúng gây ra với sức khỏe con người, MOAH không nên có mặt ngay cả với số lượng nhỏ nhất trong thực phẩm còn đối với MOSH mức độ của hoạt chất này trong thực phẩm càng nhỏ càng tốt. Foodwatch yêu cầu đặt ra giới hạn an toàn trên toàn Châu ÂU đối với dầu khoáng với yêu cầu không được phép phát hiện MOAH trong thực phẩm.
Phương pháp xác định MOSH/ MOAH
Phương pháp định lượng được sử dụng để xác định hàm lượng MOSH/ MOAH là là phương pháp sắc ký lỏng-khí, ion hóa ngọn lửa (LC-GC- FID).
Trước những ảnh hưởng bất lợi của thực phẩm nhiễm dầu khoáng đối với sức khỏe người tiêu dùng và những yêu cầu nghiêm ngặt của liên minh Châu Âu đối với chỉ tiêu này, thiết nghĩ những nhà quản lý tại Việt Nam cũng cần đưa ra những quy định về quản lý hàm lượng dầu khoáng trong thực phẩm để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng Việt Nam. Những doanh nghiệp sản xuất thực  phẩm, bao bì thực phẩm cũng cần lưu ý khi xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường yêu cầu cao như Liên minh Châu Âu đồng thời tạo ra các sản phẩm có chất lượng, an toàn phục vụ nhu cầu trong nước
 * Foodwatch là một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận hoạt động vì mục tiêu thực phẩm an toàn, lành mạnh và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người, lên tiếng vì sự minh bạch trong lĩnh vực thực phẩm … Foodwatch hoạt động ở cấp quốc gia và châu Âu và có văn phòng tại Đức, Pháp, Hà lan.
MOSH: Mineral oil saturated hydrocarbon
MOAH: Mineral oil aromatic hydrocarbon
Tài liệu tham khảo: 
https://www.sgsgroup.de/-/media/local/germany/documents/flyers-and-leaflets/agri/sgs_faq_mosh_moah_en_0218.pdf
http://www.int.laborundmore.com/archive/865542/MOSH-MOAH-food-contamination.html
https://www.rivm.nl/bibliotheek/rapporten/2019-0048.pdf
https://www.foodwatch.org/en/campaigns/mineral-oil-in-foods/news-about-mineral-oil-in-food/
https://www.eurofinsfoodtesting.com/news/423/european-directive-mosh-moah
Theo https://firi.vn/