[In trang]
Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM sẵn sàng tham gia Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương
Thứ hai, 25/10/2021 - 09:01
Với thế mạnh của mình, HUFI luôn sẵn sàng tham gia Đề án với tư cách vừa đóng góp vừa thừa hưởng thành quả, góp phần mang lại thành công cho Đề án và nhà trường.
Ngày 22 tháng 9 năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1600/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030 (Đề án). Đề án là sự tiếp nối của "Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020" do Bộ Công Thương chủ trì, được thực hiện từ năm 2007 - 2020. 
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM (HUFI ) chia sẻ "Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công thương đến năm 2030  sẽ tạo ra một cú hích rất mạnh và rất quan trọng để lĩnh vực CNSH phát triển mạnh theo hướng công nghiệp không chỉ cho riêng ngành Công Thương mà còn có tác động ở những ngành khác như nông nghiệp, y tế, môi trường,... Với thế mạnh của mình, HUFI luôn sẵn sàng tham gia Đề án với tư cách vừa đóng góp vừa thừa hưởng thành quả, góp phần mang lại thành công cho Đề án và nhà trường. Từ đó, Nhà trường cũng đã xác định định hướng phát triển cho giai đoạn 2021-2030".
Về đào tạo nguồn nhân lực thông qua nguồn kinh phí và nội dung triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Đề án và tranh thủ hợp tác quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp sinh học trong chế biến. Nhân lực chất lượng cao có thể xem vừa là nội dung vừa là cơ sở để Đề án thành công. Với lợi thế của 1 cơ sở đào tạo, HUFI có các mối quan hệ rất tốt với các trường Đại học, Viện nghiên cứu ở các quốc gia có nền CNSH phát triển như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức...
Hằng năm trên 100 kỹ sư và hàng chục thạc sỹ ngành CNSH của trường tốt nghiệp nhận bằng, nhưng số lượng này vẫn không đủ sức đáp ứng của nhu cầu xã hội. Hiện nay ngành CNSH đang xin cấp phép đào tạo bậc tiến sỹ, vì vậy có thể thấy Đề án sẽ là cơ hội và cũng là thử thách để ngành CNSH thay đổi mạnh mẽ cách thức đào tạo nguồn nhân lực CNSH chất lượng cao.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn và các sinh viên trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM
Theo kế hoạch, sắp tới ngành CNSH sẽ hợp tác cùng trường ĐH Hiroshima của Nhật, trường ĐH Gottingen của Đức để xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực CNSH chất lượng cao đạt yêu cầu chuẩn quốc tế. Trường sẽ mạnh dạn đưa ngôn ngữ Nhật và Đức vào giảng dạy bắt buộc cho SV ngành CNSH từ năm thứ 1; sau 3 năm các em đã có thể đầy  đủ  kiến thức và ngôn ngữ để sang các nước này làm việc và học tập ở bậc học cao hơn. Hơn thế nữa, HUFI sẽ đẩy mạnh việc trao đổi học thuật, nghiên cứu giảng dạy để đạt số cán bộ giảng dạy ngành CNSH có trình độ tiến sỹ theo quy định là trên 25%. Như vậy qua việc tham gia đề án, các cán bộ giảng dạy và nghiên cứu ngành CNSH sẽ có cơ hội rất lớn để nâng cao trình độ chuyên môn của mình. 
Về xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị máy móc phục vụ nghiên cứu, dịch vụ phân tích, đánh giá, hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển công nghiệp sinh học. HUFI luôn có chủ trương và định hướng nhất quán đó là đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị mang tính tập trung, bài bản, dài hơi cho các lĩnh vực mũi nhọn, trong đó có ngành CNSH. Đến nay HUFI đã có hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại (một phần do Đức tài trợ). Mặc dù vậy, qua quá trình triển khai các hoạt động chuyển giao công nghệ cho doanh ngiệp, HUFI nhận thấy nhu cầu về phân tích kiểm định rất lớn, đặc biệt là phải đạt chuẩn Quốc tế hoặc VILAS. Tuy nhiên nguồn kinh phí đầu tư cho các phòng Lab đạt chuẩn này rất cao, điều này nằm ngoài nguồn tài chính tự chủ của Trường.
“Trong Đề án giai đoạn 2 lần này, chúng tôi rất vui khi thấy nội dung “Kết hợp đầu tư, xây dựng các phòng thí nghiệm phục vụ phát triển công nghiệp sinh học, đồng thời có chức năng kiểm định chất lượng thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương đạt tiêu chuẩn quốc tế hoặc chuẩn hóa theo tiêu chuẩn phòng thí nghiệm được công nhận (VILAS) tại các doanh nghiệp từ các nguồn vốn ngoài ngân sách”. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để HUFI hợp tác cùng các doang nghiệp bên ngoài để đầu tư xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm vừa có chức năng nghiên cứu vừa có chức năng kiểm định chất lượng thực phẩm phục vụ cho chính Đề án và nhu cầu xã hội.” - PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn tin tưởng. 
Cùng với xu thế phát triển của xã hội và KHCN, lĩnh vực thực phẩm không còn hạn hẹn như trước kia mà phải liên kết liên ngành, xuyên ngành với các ngành nông nghiệp, hóa, công nghệ sinh học, CNTT, thậm chí cơ khí, cơ điện, tự động hóa và cả quản lý kinh tế. Do đó, ngành CNSH của HUFI đã chủ động tạo một thế đi riêng, thế đứng riêng đủ sức cạnh tranh với yêu cầu của thị trường. Tiếp cận với Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030, các cán bộ nghiên cứu thuộc lĩnh vực CNSH, thực phẩm và cả môi trường sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh đã có đồng thời làm sâu sắc hơn định hướng phát triển ngành CNSH đặc trưng của HUFI. Cụ thể ở 3 lĩnh vực: 
Một là, HUFI sẽ tiếp tục thúc đẩy hướng nghiên cứu truyền thống của Trường đó là nghiên cứu và sản xuất các loại thực phẩm lên men: Thực phẩm, đồ uống lên men, đồ uống chứa probiotic, sản phẩm đồ uống có độ cồn thấp, nước giải khát có nguồn gốc tự nhiên (thực vật, vi sinh vật), các sản phẩm đồ uống chế biến từ hạt, ngũ cốc (gạo, ngô…); sử dụng bao gói thông minh, thân thiện môi trường bằng vật liệu nano phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của người Việt Nam, xu hướng phát triển trong khu vực và thế giới.
HUFI đã chủ động tạo một thế đi riêng, thế đứng riêng đủ sức cạnh tranh với yêu cầu của thị trường trong lĩnh vực công nghệ sinh học - công nghiệp thực phẩm
Hai là, HUFI sẽ tích cực hợp tác cùng Doanh ngiệp, các địa phương để nghiên cứu đầu tư, khai thác các loại nguyên liệu sinh hóa dược, các thực phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe (thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm có chứa các chất có hoạt tính sinh học); thực phẩm dành cho con người hoạt động trong các điều kiện đặc biệt, cường lực cao, hỗ trợ phòng ngừa các bệnh trên cơ thể người có nguồn gốc từ thực vật, vi sinh vật, nấm, sinh vật biển. 
Ba là, HUFI sẽ  đầu tư xây dựng Bộ sưu tập giống vi tảo Quốc gia CCAH đặt tại Trường (Cell Collection of Algae at Ho Chi Minh City University of Food Industry) để sưu tập, bảo quản, bảo tồn và khai thác nguồn gene vi tảo quý hiếm của Việt Nam để từ đó phát triển công nghệ nuôi cấy vi tảo biển bằng các hệ thống quang sinh phối kết hợp (quang sinh, dị dưỡng và tạp dưỡng,…) nhằm tăng cường khả năng tăng sinh khối, giảm chi phí sản xuất trong sản xuất ethanol sinh học, diesel sinh học, các chất phụ trợ trong quá trình sản xuất, bảo quản, tàng trữ nhiên liệu sinh học đáp ứng lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học của Việt Nam.
Hoạt động nghiên cứu KHCN của HUFI luôn gắn liền sản phẩm thực tế, thực tiễn, thực dụng phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Do vậy, các nhiệm vụ KHCN mà HUFI tham gia trong Đề án cũng sẽ phải đi theo định hướng trên.
Nhà trường sẽ tích cực triển khai các nghiên cứu về hoàn thiện hệ thống phân phối nội địa, xuất khẩu đối với các sản phẩm được tạo ra từ Đề án trên nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; các mô hình điểm, cung cấp các giải pháp chính sách, kỹ thuật sản xuất tiên tiến mang tầm khu vực và quốc tế trong nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, mẫu mã công nghiệp, sản xuất và kinh doanh theo chuỗi giá trị, bền vững, tuần hoàn, thân thiện với môi trường tiếp cận nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
"Chúng tôi đã sẵn sàng tham gia Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030. Với những nền tảng, kết quả Đề án đã đạt được ở giai đoạn I cùng với  sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương, tôi tin tưởng rằng Đề án sẽ đạt được các mục tiêu đề án, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước" - PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn nhấn mạnh. 
Doãn Tâm