[In trang]
Sản xuất phân bón hữu cơ từ phụ phẩm chùm ngây hướng tới phát triển nông nghiệp xanh
Thứ sáu, 08/10/2021 - 13:55
Với sản phẩm phân bón hữu cơ Moringa và phân bón thủy canh hữu cơ Moringa, các nhà khoa học của Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế hi vọng sẽ góp phần cải thiện độ an toàn trong chuỗi cung ứng thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, hướng tới nền nông nghiệp xanh.
Chùm ngây (tên khoa học là Moringa oleifera M.) là loại cây mọc hoang phân bố ở nhiều địa phương trên cả nước. Hiện nay, chùm ngây đã được sử dụng rộng rãi trong công nghệ dược phẩm, mỹ phẩm, nước giải khát, dinh dưỡng và thực phẩm chức năng tại hơn 80 quốc gia trên thế giới. Lá chùm ngây rất giàu dinh dưỡng, hiện được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) xem như là giải pháp ưu việt cho các bà mẹ thiếu sữa và trẻ em suy dinh dưỡng. Ở Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ lá chùm ngây làm rau, sản xuất trà túi lọc, bột dinh dưỡng ngày càng tăng cao kéo theo lượng phụ phẩm gồm thân, cuống lá già và các bộ phận không sử dụng khác của cây chùm ngây bị thải bỏ, gây lãng phí lớn và ảnh hưởng đến môi trường nếu không được xử lý đúng cách.
Nhận thấy tiềm năng từ phụ phẩm cây chùm ngây là rất lớn, các nhà khoa học tại Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu sản xuất thử nghiệm phân bón hữu cơ cho một số loại rau ăn lá từ phụ phẩm cây chùm ngây”. Đề tài do PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải – Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế làm chủ nhiệm.
Chùm ngây là loài cây có giá trị kinh tế cao. (Ảnh: eva.vn)
“Mục tiêu của đề tài là xản xuất và thử nghiệm được một số sản phẩm phân bón hữu cơ cho một số loại rau ăn lá từ phụ phẩm cây chùm ngây nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, góp phần giải quyết được bài toán thực phẩm an toàn, đem lại sức khỏe cho người tiêu dùng” - do PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải cho biết.
Sau 2 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình sản xuất phân bón hữu cơ chùm ngây (Moringa oleifera M.). Dựa trên quy trình công nghệ xây dựng được, nhóm tiến hành sản xuất thử nghiệm phân bón hữu cơ Moringa và phân bón thủy canh hữu cơ Moringa. Nhóm nghiên cứu tiến hành thí nghiệm nhằm so sánh hiệu quả của phân bón lá hữu cơ chùm ngây và các loại phân bón lá hữu cơ rong biển và phân bón lá hóa học NPK trên các đối tượng xà lách, cải xanh và mồng tơi lá to 333.
Sản phẩm phân bón hữu cơ Moringa và phân bón thủy canh hữu cơ Moringa do đề tài sản xuất. (Ảnh: http://huib.hueuni.edu.vn/)
PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải cho biết, thí nghiệm được thực hiện trong vụ Xuân 2019 tại Thừa Thiên Huế. Phân bón lá hữu cơ chùm ngây được thử nghiệm ở các tỉ lệ 1:10, 1:20, 1:30, 1:40, 1:50 với nước. Kết quả cho thấy, các công thức sử dụng phân bón lá có ảnh hưởng khác nhau đến khả năng sinh trưởng và phẩm chất của các loại rau. Đối với rau xà lách, năng suất thực thu cao khi sử dụng phân bón lá hữu cơ chùm ngây tỉ lệ 1:30 với 24,48 tấn/ha. Đối với rau cải xanh và mồng tơi lá to 333, phân bón lá hữu cơ chùm ngây tỉ lệ 1:10 mang lại năng suất thực thu cao nhất cho mỗi loại rau, tương ứng với 28,19 tấn/ha và 31,39 tấn/ha. Các công thức này đều cho tỉ lệ phần ăn được trên 55%.
“Như vậy, phân bón lá hữu cơ chùm ngây tỉ lệ 1:10 và 1:30 mang lại hiệu quả tốt đối với các loại rau ăn lá về cả năng suất lẫn chất lượng. Đặc biệt, phân bón lá hữu cơ chùm ngây tỉ lệ 1:10 thể hiện ưu thế hơn so với các loại phân bón lá còn lại. Do đó, có thể sử dụng loại phân bón lá này trong điều kiện sản xuất thực tế và những vùng có điều kiện tương tự điều kiện thí nghiệm nhằm đạt kết quả tốt và tiết kiệm chi phí trong trồng trọt”, PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải nhấn mạnh.
Sử dụng phân bón lá trong canh tác được xem là một chiến lược quan trọng nhằm quản lý cây trồng. Phương pháp này có thể tối đa hóa năng suất và chất lượng cây trồng bằng cách cung cấp các nguyên tố dinh dưỡng đa lượng, vi lượng, chất điều hòa sinh trưởng, kích thích tố thực vật và các chất có lợi khác cho cây. Do đó, sản phẩm phân bón hữu cơ Moringa và phân bón thủy canh hữu cơ Moringa từ đề tài được xem là một giải pháp hiệu quả nhằm tái tạo nguyên liệu làm phân bón an toàn cho cây trồng, tiết kiệm chi phí sản xuất và hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
Bích Phương