[In trang]
Công trình nghiên cứu sản xuất thực phẩm chức năng sử dụng peptit dùng cho bộ đội được vinh danh
Thứ tư, 22/09/2021 - 09:53
“Nghiên cứu tách chiết peptit mạch ngắn có hoạt tính sinh học để sản xuất thực phẩm chức năng dùng cho bộ đội làm nhiệm vụ đặc biệt” do Viện Công nghệ mới thực hiện là một trong 76 công trình vừa được vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2021.
“Nghiên cứu tách chiết peptit mạch ngắn có hoạt tính sinh học để sản xuất thực phẩm chức năng dùng cho bộ đội làm nhiệm vụ đặc biệt” do Viện Công nghệ mới thực hiện là một trong 76 công trình vừa được vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2021. Công trình này thuộc Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến do Bộ Công Thương chủ trì.
Nghiên cứu lần đầu tiên tại Việt Nam
Trung tá - Tiến sĩ Phạm Kiên Cường, Viện Công nghệ mới (Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Bộ Quốc phòng), chủ nhiệm công trình cho biết, công trình đã thiết lập được quy trình công nghệ trên cơ sở giải pháp enzym để thu nhận các peptit mạch ngắn có hoạt tính sinh học ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe con người như chống oxy hóa, chống stress, tăng cường khả năng liên kết canxi từ nguồn phụ phẩm trong công nghiệp chế biến cá hồi phù hợp để sản xuất thực phẩm chức năng cho bộ đội hoạt động trong điều kiện đặc biệt.

Hội đồng nghiệm thu đề tài do Bộ Công Thương thành lập đánh giá cao tính ứng dụng của đề tài vào thực tiễn
Từ đó, công trình đã thiết lập công thức bộ thực phẩm chức năng KPAP bổ sung peptit có hoạt tính chống oxy hóa, tăng cường liên kết canxi cùng với cơ cấu dinh dưỡng thích hợp, đảm bảo năng lượng trong 1 ngày cho các hoạt động huấn luyện, diễn tập, chiến đấu của các lực lượng bộ đội hoạt động trong điều kiện đặc biệt.
Bộ sản phẩm bao gồm 3 dạng: Dạng thanh nén có trọng lượng 50g, được bọc trong lớp bao bì đặc biệt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có khả năng chống nước và bảo quản tốt; dạng tuýp gel nước có nắp xoáy tiện lợi, có thể vừa bơi vừa ăn; dạng viên nang cứng, nhằm giúp bộ đội nhanh chóng hồi phục sức khỏe sau các chuyến hành quân chiến đấu vất vả. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo Quy định 46/2007/QĐ-BYT.
Sản phẩm được sản xuất theo công nghệ thực phẩm chức năng là khẩu phần thay thế bữa ăn cho bộ đội hoạt động trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn như đặc công trong trinh sát và mật phục, bộ đội Hải quân hoạt động xa căn cứ dài ngày trên biển, lực lượng tàu trực, tàu chiến và lực lượng cứu hộ trên biển. Đồng thời sản phẩm cũng có thể sử dụng là thức ăn khô dự trữ, thức ăn cứu sinh hoặc chuyển thành dạng sệt trong cấp cứu và chăm sóc thương bệnh binh trong điều kiện dã chiến.
Về tính mới của công trình, theo Trung tá - Tiến sĩ Phạm Kiên Cường, công trình đã tận dụng, tái chế được phụ phẩm từ quá trình chế biến cá hồi nói riêng và thủy sản nói chung để sản xuất ra peptit mạch ngắn có hoạt sinh học, có giá trị dinh dưỡng cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất thực phẩm chức năng cho bộ đội hoạt động trong điều kiện đặc biệt, đồng thời giảm thiểu chất thải phát sinh từ quy trình chế biến thủy sản góp phần bảo vệ môi trường.
“Lần đầu tiên tại Việt Nam đã xây dựng thành công quy trình công nghệ và sản xuất được các loại 3 thực phẩm chức năng dạng: Thanh nén, tuyp gel nước và dạng viên nang có chứa peptit mạch ngắn có hoạt tính sinh học (chống oxi hóa, giảm căng thẳng, tăng cường khả năng miễn dịch, khả năng liên kết canxi, sắt ...) để phục hồi và nâng cao sức khỏe cho bộ đội làm nhiệm vụ đặc biệt. Các sản phẩm được đóng gói gọn nhẹ đảm bảo thuận tiện cho việc vận chuyển và sử dụng trong mọi hoàn cảnh” - Trung tá - Tiến sĩ Phạm Kiên Cường nhấn mạnh.
Hiện tại, chưa có công trình nào công bố ở Việt Nam nghiên cứu về peptit mạch ngắn có hoạt tính sinh học từ phụ phẩm cá hồi để sử dụng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm chức năng bổ sung vào khẩu phần ăn hằng ngày. Đây là công trình có ý nghĩa thực tiễn cao, kết quả và sản phẩm của đề tài sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống, cải thiện điều kiện sinh hoạt không chỉ của các cán bộ chiến sỹ trong hoạt động quân sự mà còn cả trong các hoạt động dân sự.
Đủ sức cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu
Sản phẩm đã được thử nghiệm thành công cho lực lượng bộ đội làm nhiệm vụ đặc biệt vào năm 2018. Sản phẩm được rất nhiều các cán bộ chiến sỹ ưa thích vì tính cơ động nhỏ gọn, dễ vận chuyển mà vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng năng lượng cho các hoạt động huấn luyện chiến đấu; mùi vị thơm ngon, đa dạng. Sau nghiên cứu đã được tiếp tục đặt hàng sản xuất phục vụ các nhiệm vụ đặc biệt của quân đội.

Sản phẩm thực phẩm chức năng được tạo ra từ công trình nghiên cứu
Đặc biệt, khi tiến hành thử nghiệm thực tế khi tiến hành huấn luyện trên biển, sóng gió khiến tàu chòng chành rất khó để nấu nướng hay ăn uống thì bộ khẩu phần ăn này tỏ ra rất tiện lợi. Các sản phẩm này đã được thử nghiệm thành công trên bộ đội trong thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, dã ngoại và dự phòng sẵn sàng chiến đấu, đã được nhiều đơn vị đánh giá rất cao.
Theo đó, từ năm 2018 tới nay, Viện Công nghệ mới đã nhận được nhiều đơn đặt hàng sản phẩm để cung cấp cho các đơn vị thuộc quân chủng hải quân nhằm phục vụ cho các hoạt động diễn tập, huấn luyện thường niên. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Thực phẩm Cam Ranh (CARAFOODS) có trụ sở tại huyện Cam Lâm, Khánh Hòa đang phối hợp với Viện Công nghệ mới để hoàn thiện quy trình sản xuất bộ thực phẩm chức năng KPAP nhằm khai thác hết được giá trị của nguồn phụ phẩm trong quá trình chế biến cá của công ty.
Mặc dù, sản phầm ngoài ứng dụng chính là sử dụng cho bộ đội hoạt động trong điều kiện chiến đấu đặc biệt, tuy nhiên còn có thể sử dụng dành cho mục đích cứu hộ, cứu nạn hay dành cho các vận động viên, những người hoạt động cường độ cao. Bên cạnh đó, từ kết quả của công trình còn góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm; tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao từ các nguồn nguyên liệu rẻ tiền từ đó đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến thủy sản và nông nghiệp.
“Tổng chi phí sản xuất 1 bộ thực phẩm chức năng KPAP trong giai đoạn nghiên cứu là 295.000 đồng. Mức giá này bằng 1/5 so với giá các bộ khẩu phần ăn chế biến sẵn được nhập khẩu đang bán trên thị trường. Giá thành sẽ được cải thiện thêm nếu gia tăng quy mô sản xuất vì giá nguyên liệu với số lượng lớn sẽ giảm và các chi phí thuê nhân công, thiết bị sẽ giảm” - Trung tá - Tiến sĩ Phạm Kiên Cường thông tin.
Theo Báo Công Thương