[In trang]
Tăng cường đảm bảo ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm dịp Tết Trung thu 2021
Thứ tư, 01/09/2021 - 15:37
Ngày 26 tháng 8 năm 2021, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 1632/ATTP- NĐTT về việc bảo đảm ATTP Tết Trung thu năm 2021.
Ngày 26 tháng 8 năm 2021, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 1632/ATTP- NĐTT về việc bảo đảm ATTP Tết Trung thu năm 2021. Theo đó, Cục trưởng Cục ATTP đề nghị các đồng chí Chánh Văn phòng UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, Trưởng Ban quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh căn cứ tình hình địa phương triển khai các nội dung đảm bảo ATTP dịp Tết Trung thu, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. 
Bánh trung thu là một sản phẩm không thể thiếu của người dân Việt Nam trong dịp Tết Trung thu. (Ảnh: https://wwin.vn/)
Tuyên truyền ATTP lồng ghép với tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19
Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo đặc biệt là bánh trung thu tăng cao. Bên cạnh các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn cũng còn một số tổ chức, cá nhân sản xuất không tuân thủ điều kiện bảo đảm ATTP, kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng. Để bảo đảm ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục ATTP đề nghị, đối với các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, phải chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền đảm ATTP trong dịp Tết Trung thu, lồng ghép với tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19. 
Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cần thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển thực phẩm. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID-19 trong sản xuất như nguyên tắc 3 tại chỗ, một cung đường hai điểm đến... 
Đối với người tiêu dùng, cần hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định của Bộ Y tế. Lưu ý kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và hạn sử dụng khi mua sản phẩm thực phẩm qua hình thức trực tuyến.
Các cơ sở vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm và loại sản phẩm vi phạm sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. (Ảnh: Báo Người lao động)
Công khai các cơ sở vi phạm
Đối với các tỉnh/thành phố không trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, cần tăng cường tuyên truyền bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh và lưu thông sản phẩm thực phẩm, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các hoạt động phù hợp tình hình thực tế để kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, trong đó tập trung, ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, chợ đầu mối… 
Đặc biệt, với các hành vi vi phạm, cần xử lý nghiêm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Các địa phương chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm. Điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.
Trong quá trình triển khai, các đơn vị chú ý tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19 phù hợp với tình hình địa phương.
Xem chi tiết công văn 1632/ATTP- NĐTT TẠI ĐÂY.
Bích Phương