[In trang]
Xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học
Thứ hai, 16/08/2021 - 09:22
PGS. TS. Chu Kỳ Sơn, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) có những chia sẻ thực tế xung quanh vấn đề này.
Nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố then chốt trong việc phát triển một nền kinh tế bền vững, có sức cạnh tranh khi chúng ta muốn vươn lên thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và khẳng định vị trí trong chuỗi cung ứng – sản xuất toàn cầu. Trong bối cảnh đó, công nghệ sinh học (CNSH), một trong những lĩnh vực công nghệ cao, ứng dụng sâu rộng vào nhiều mặt của sản xuất và đời sống, cũng không là ngoại lệ.
Trang TTĐT Khoa học công nghệ ngành Công Thương đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Chu Kỳ Sơn, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) về những vấn đề xung quanh việc xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
PGS. TS. Chu Kỳ Sơn (thứ 2 từ trái sang) cùng các cán bộ Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) tại triển lãm do Bộ Công Thương tổ chức. 
PV: Ông đánh giá như thế nào về nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực CNSH hiện nay trong bối cảnh toàn cầu hóa?
PGS. TS. Chu Kỳ Sơn:
Công nghệ sinh học đã và đang được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực. Đặc biệt bối cảnh nền kinh tế đang phát triển như hiện nay, dấu ấn của công nghệ sinh học xuất hiện ở hầu hết mọi ngành nghề, lĩnh vực phục vụ đời sống, từ y tế, thực phẩm tới sản xuất công – nông nghiệp… Vai trò của ngành càng được thể hiện rõ thông qua các chính sách của Chính phủ. Quyết định 2117/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã cho thấy CNSH là một trong bốn lĩnh vực có các công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư.  CNSH công nghệ cao cũng được đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư phát triển theo Quyết định 38. Như vậy có thể thấy CNSH ngày càng được chú trọng phát triển.
Việt Nam là một nước có nền kinh tế nông nghiệp phát triển, dân số đông. Đây là những động lực và tiềm năng giúp phát triển CNSH. Một ví dụ cụ thể là trong khoảng 2 năm trở lại đây, kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu lây lan mạnh trên phạm vi toàn cầu, CNSH mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ, nhưng đã thể hiện vai trò quan trọng và sức bật thông qua triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật, công nghệ phục vụ các công tác y tế, dịch tễ, dược phẩm, thực phẩm... Những đóng góp của CNSH trong thời gian qua góp phần đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm giúp chống lại dịch bệnh một cách hiệu quả. 
Trong bức tranh toàn cảnh, những năm gần đây ngành CNSH chứng kiến sự phát triển cả về lượng và chất. Số lượng doanh nghiệp CNSH cùng lực lượng lao động tăng nhanh so với trước đây. Quy mô ứng dụng và trình độ công nghệ cũng đòi hỏi ngày một cao hơn. Tương ứng, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này tăng cả về số lượng và chất lượng là điều tất yếu.
Nhu cầu ngành công nghệ sinh học - công nghệ thực phẩm sẽ tăng cả về số lượng và chất lượng
PV: Với vai trò là đại diện Viện nghiên cứu – đào tạo đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, theo ông các cơ sở nghiên cứu – đào tạo cần làm gì  để đáp ứng được nhu cầu nhân lực chất lượng cao của thị trường?
PGS. TS. Chu Kỳ Sơn:
Như đã nói, nhu cầu nhân lực cho ngành CNSH trong những năm tới sẽ tăng trưởng mạnh. Đặc biệt là nhân lực chất lượng cao sẽ rất được săn đón.
Thách thức của các cơ sở đào tạo là thu hút các tài năng trẻ, song song với việc giữ vững và nâng cao chất lượng giảng dạy. Các cơ sở đào tạo cần có sự đầu tư nghiên cứu, nắm bắt sự biến chuyển của thị trường. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực giảng dạy, năng lực nghiên cứu cũng là yêu cầu bắt buộc để bắt nhịp với các cơ sở đào tạo uy tín trong khu vực và trên thế giới.
Để làm được điều đó, theo tôi, hoạt động đào tạo cần gắn kết chặt chẽ với hoạt động sản xuất. Sự đồng hành của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nhân lực, nghiên cứu chuyên sâu sẽ giúp công tác đào tạo-nghiên cứu bám sát thực tiễn. Thông qua đó, sinh viên cũng được cọ xát thực tế, sẵn sàng hơn khi gia nhập thị trường lao động. Đối với doanh nghiệp, đây là những cơ hội để tận dụng nguồn chất xám dồi dào từ các cơ sở đào tạo, nghiên cứu; tiết kiệm nguồn lực trong việc đào tạo nhân sự sau này.
Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cần thay đổi phương thức đào tạo, lấy người học làm trung tâm. Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, ngoài kiến thức chuyên môn, phương pháp tư duy, năng lực nghiên cứu, kỹ năng mềm… cũng là những năng lực quan trọng người học cần được trang bị trước khi chính thức gia nhập thị trường lao động. Năng lực tổng thể của sinh viên là thước đo rõ ràng nhất cho chất lượng của cơ sở đào tạo.
Còn một yếu tố nữa, không kém phần quan trọng, đó là có chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên – nghiên cứu viên. Đây chính là nhân tố nòng cốt sẽ dẫn dắt, thúc đẩy và phát triển các lĩnh vực nghiên cứu trọng điểm; giúp nắm bắt các xu hướng mũi nhọn của ngành; đảm bảo năng lực cạnh tranh và là bảo chứng “thương hiệu” của mỗi cơ sở đào tạo.
Viện CNSH-CNTP sản xuất và tặng 500l dung dịch sát khuẩn cho huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc)
PV: Viện có những kế hoạch cụ thể gì nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới?
PGS. TS. Chu Kỳ Sơn:
Như đã chia sẻ, xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Viện. Do đó Viện đã có những kế hoạch và hành động sớm.
Viện đã và đang tập trung xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao được đánh giá bởi các tổ chức uy tín hàng đầu. Năm vừa qua, chương trình Kỹ thuật sinh học của Viện đã được tiến hành đánh giá theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA (ASEAN University Network - Quality Assurance). Đây là bộ tiêu chuẩn uy tín áp dụng cho khối đào tạo đại học và sau đại học, được công nhận rộng rãi trong mạng lưới các trường đại học hàng đầu khu vực. Trong tháng 9 tới, chương trình Kỹ thuật thực phẩm sẽ tiếp tục được đánh giá theo bộ tiêu chuẩn này.
Trước đó, Viện đã phát triển chương trình ELITECH (Elite Technology Program) chuyên ngành Kỹ thuật Thực phẩm. Chương trình ELITECH có mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời trở thành hình mẫu trong hệ thống đào tạo của ĐH Bách Khoa Hà Nội về nội dung, phương pháp đào tạo tiên tiến và ứng dụng công nghệ giáo dục hiện đại. Chương trình dành cho các sinh viên ưu tú có nguyện vọng trở thành chuyên gia, nhà quản lý giỏi trong những ngành kỹ thuật và công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0.
Sản phẩm Nanocellulose dạng sợi  do Viện nghiên cứu trong khuôn khổ Đề án “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020” của Bộ Công thương.
Sản phẩm Coenzyme Q10 dạng viên nang do Viện nghiên cứu trong khuôn khổ Đề án “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020” của Bộ Công thương.
Bên cạnh đó, Viện chủ động hợp tác với nhiều đối tác, trường đại học uy tín quốc tế để xây dựng các chương trình đào tạo sau đại học như chương trình đào tạo thạc sĩ CNSH song bằng với Trường ĐH Nagaoka Nhật Bản.
Ngoài việc liên tục cải tiến chương trình, đặt các chuẩn đầu ra chất lượng cao phù hợp với yêu cầu thị trường, Viện cũng hết sức quan tâm tới công tác hỗ trợ sinh viên xây dựng kỹ năng mềm, năng lực nghiên cứu… thông qua các chương trình thực tập, tham gia nhóm nghiên cứu... Trong quá trình này, sinh viên sẽ được hướng dẫn bởi các giảng viên giỏi, có cơ hội cọ xát thực tế, thực hành giải quyết các bài toán thực tiễn của doanh nghiệp… từ đó giúp các bạn trẻ hình dung rõ ràng hơn về thực tế phải đối mặt khi bước ra thị trường lao động… Bên cạnh đó, Viện cũng cung cấp những gói học bổng toàn phần, bán phần nhằm khuyến khích các nỗ lực của học viên.
Trong quá trình đào tạo, ngoài kiến thức chuyên ngành, sinh viên được hỗ trợ xây dựng các phương pháp tư duy, năng lực nghiên cứu, kỹ năng mềm... qua các chương trình thực tập, hoạt động nghiên cứu.
Song song với việc xây dựng các chương trình đào tạo tiệm cận các nền giáo dục tiên tiến, Viện cũng có chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên chất lượng cao. Hiện 93% giảng viên của Viện có học vị tiến sỹ, 43% giảng viên có học hàm GS, PGS. Hầu hết các giảng viên được đào tạo bài bản tại ĐHBKHN và các trường đại học ở các nước tiên tiến, có năng lực đào tạo và nghiên cứu chuyên môn cao.
Viện CNSH-CNTP cũng tham gia đề án đào tạo, thu hút giảng viên xuất sắc của trường ĐHBKHN. Đề án đã góp phần đào tạo hàng ngàn học viên cao học và nghiên cứu sinh với quy mô hợp tác trên 200 trường đại học, tổ chức giáo dục, trung tâm nghiên cứu tại 32 quốc gia. Đây là đội ngũ cán bộ khoa học nòng cốt sẽ dẫn dắt, thúc đẩy phát triển nghiên cứu KHCN trọng điểm của Trường, Viện nói riêng và hệ thống các PTN trong lĩnh vực phân tích – chuẩn đoán phân tử, công nghệ vi sinh vật ứng dụng, công nghệ tế bào, phát triển sản phẩm mới, quản lý chất lượng… với mục tiêu hướng tới các “nhóm nghiên cứu mạnh cấp quốc gia”.
PV: Được biết trong thời gian gần đây, Viện có một số hoạt động khoa học công nghệ nổi bật, xin ông vui lòng chia sẻ thêm về kết quả các hoạt động này?
PGS. TS. Chu Kỳ Sơn:
Trong thời gian qua, Viện đã chủ động triển khai nhiệm vụ KHCN theo 4 định hướng ưu tiên phát triển của trường gồm: Công nghệ dữ liệu và hệ thống thông minh; Năng lượng và môi trường bền vững; Vật liệu mới; và Khoa học và công nghệ sức khỏe, trong đó tập trung vào công nghệ gen và tế bào, kỹ thuật sinh học và kỹ thuật thực phẩm.
Về nghiên cứu cấp cao, Viện đã và đang tham gia nhiều chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước do các Bộ chủ trì như Bộ KHCN, NN&PTNT, Công Thương… Đặc biệt trong giai đoạn 2008-2020, Viện CNSH&CNTP đã triển khai 12 đề tài/dự án thuộc khuôn khổ Đề án “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020” của Bộ Công thương.
Việc triển khai các đề tài/dự án đã đạt được một số kết quả nổi bật. Cụ thể, quá trình nghiên cứu đã góp phần tạo ra 17 chủng loại sản phẩm ứng dụng, xây dựng thành công 35 quy trình công nghệ. Trong đó, 04 quy trình công nghệ đã được chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Các quy trình được triển khai ở quy mô pilot, quy mô sản xuất và hầu hết có sự tham gia của doanh nghiệp. Trong thời gian này Viện đã công bố 37 bài báo, gồm 04 bài báo quốc tế và ISI; góp phần đào tạo 06 tiến sỹ và 20 thạc sỹ CNSH và CNTP. Đây là những nền tảng tri thức, chất xám chất lượng cao có giá trị cho sự phát triển bền vững của ngành. Viện cũng tích cực tham gia khảo sát và xây dựng pha tiếp theo của Đề án nhằm phát triển ngành CNSH bền vững từ nay đến năm 2030.
Ngoài ra, Viện đã chủ động hợp tác phát triển, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực CNSH, CNTP và an toàn thực phẩm với các đối tác nước ngoài thông qua các dự án như Erasmus+, NutriSEA, AsiFood…
Bộ Kit test nhanh SARS-CoV-2 dựa trên công trình nghiên cứu khoa học do TS. Lê Quang Hoà, cán bộ Viện CNSH-CNTP thực hiện.
Đặc biệt trong 2 năm vừa qua, Viện đã có một số kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học rất đáng khích lệ. Điển hình như nghiên cứu thành công bộ Kit test nhanh Covid-19 sử dụng kỹ thuật RT-LAMP do TS. Lê Quang Hoà chủ trì thực hiện. Đây là một trong những công trình nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ khuếch đại đẳng nhiệt RT-LAMP để phát hiện nhanh virus SARS-CoV-2. Sản phẩm đi ra từ nghiên cứu này đã được vinh danh trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2020, không chỉ được lưu hành trong nước mà còn được phân phối tại 27 nước châu Âu.
Ngoài ra Viện cũng rất quan tâm khuyến khích các hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học. Ngay từ năm thứ 2 các bạn đã được tạo điều kiện để tham gia nghiên cứu trong các đề tài, dự án do thầy cô hướng dẫn. Hiện Viện có hệ thống các PTN và 02 Trung tâm (Trung tâm nghiên cứu - phát triển CNSH và Trung tâm Đào tạo và Phát triển sản phẩm thực phẩm) với trang thiết bị hiện đại. Theo kế hoạch, tháng 10/2021 Viện sẽ khai trương thêm “Không gian đổi mới sáng tạo – Innovation Space”, là một địa điểm nữa để sinh viên nghiên cứu, thực hành.
Một thiết bị do sinh viên nghiên cứu chế tạo
Tại Viện CNSH-CNTP, sinh viên luôn có một nơi để trao đổi kiến thức, rèn luyện kỹ năng thông qua hoạt động tại CLB FOBIC đã được thành lập từ năm 2003. Tại đây, sinh viên được rèn luyện kỹ năng mềm, thực hành và tham quan trải nghiệm tại doanh nghiệp. Cùng với các hoạt động khác như tuần nghiên cứu khoa học… đã tạo ra những diễn đàn để các bạn trẻ trình bày kết quả nghiên cứu, chia sẻ thông tin, hoàn thiện bản thân… Hiệu quả của các hoạt động này minh chứng qua việc tỷ lệ sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học của Viện luôn đứng trong top đầu của ĐHBKHN. Các sinh viên xuất sắc cũng được trao nhiều cơ hội thực tập tại các trường đối tác ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Áo, Pháp… Và hầu hết đều được phía bạn phản hồi tích cực về thái độ và kết quả học tập. Tôi cho rằng đây là những thành công bước đầu trong việc xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao, đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.
Xin cảm ơn ông ./.
Hương Giang ghi