[In trang]
Tăng giá trị gấp 15 lần với công nghệ sản xuất đường chức năng isomaltulose từ đường mía
Thứ hai, 21/06/2021 - 09:23
Việc chuyển hóa đường mía thành isomaltulose tạo ra sản phẩm có giá trị cao gấp 15 lần so với nguyên liệu ban đầu, được hứa hẹn góp phần giải bài toán đầu ra cho cây mía từ khía cạnh ứng dụng công nghệ.
Các phẩm phẩm của doanh nghiệp mía đường trong nước phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nhập ngoại do ảnh hưởng từ các hiệp định thương mại tự do cũng như xu hướng tiêu dùng của thị trường thay đổi. Việc tìm lời giải để nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tìm “lối ra” cho doanh nghiệp đang cấp bách hơn bao giờ hết.

Ngành mía đường Việt Nam đã rơi vào một nghịch lý: đường sản xuất trong nước còn tồn đọng rất nhiều nhưng lại nhập siêu đến hơn 884 nghìn tấn. 
Giải bài toán đầu ra cho cây mía 
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), ngành mía đường đang gặp phải đối mặt với áp lực cạnh tranh vô cùng lớn từ bên ngoài như giá trị sản phẩm thấp, đầu ra khó khăn, nhiều doanh nghiệp hoạt động không hết công suất hoặc phải đóng, người nông dân bỏ trồng mía… Hiện khoảng 12/41 nhà máy đường phải dừng hoạt động, diện tích trồng mía nguyên liệu giảm đáng kể, từ 300 nghìn ha xuống gần 160 nghìn ha. Lao động trong ngành cũng thiếu hụt lớn, nhất là công nhân thu hoạch. 
Từ đầu năm 2020, khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực, hàng rào thuế quan đối với sản phẩm đường nhập khẩu hạ xuống còn 5%, khiến doanh nghiệp và người nông dân đã khó càng khó hơn. 
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ông Phan Văn Chinh cho biết năng lực sản xuất trung bình của nước ta khoảng 1-1,3 triệu tấn/năm, nhu cầu tiêu dùng trực tiếp và sản xuất chế biến khoảng hai triệu tấn/năm. Kể từ khi thực hiện ATIGA, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam tăng vọt lên 1,384 triệu tấn đường các loại, gấp 4 lần so với 2019. Trong đó, hơn 82% đường nhập khẩu đến từ Thái Lan. Ngành mía đường Việt Nam đã rơi vào một nghịch lý: đường sản xuất trong nước còn tồn đọng rất nhiều nhưng lại nhập siêu đến hơn 884 nghìn tấn. 

Việc tìm lời giải để nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tìm “lối ra” cho doanh nghiệp đang cấp bách hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh này, để có thể tồn tại và cạnh tranh, các doanh nghiệp mía đường đã và đang đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm sau đường; chú trọng đầu tư các thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm nâng công suất ép; xây dựng hệ thống phân phối. Trong các giải pháp, ứng dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, sản phẩm có giá trị gia tăng cao đang được các doanh nghiệp hết sức trú trọng bởi tính bền vững và hiệu quả ngay lập tức. 
Gia tăng giá trị sản phẩm nhờ công nghệ
Từ năm 2018, Công ty TNHH Việt Pháp (cụm Công nghiệp Kim Chung, Lai Xa, Hoài Đức) đã bắt tay với Viện Công nghiệp Thực phẩm (FIRI) nhằm nghiên cứu sản xuất thử nghiệm một số sản phẩm chế biến nhằm đa dạng hóa cũng như tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm từ cây mía. 
Cụ thể, trong hợp tác này, công nghệ enzyme đã được ứng dụng để sản xuất đường chức năng isomaltulose từ đường mía. Được biết sản phẩm đường isomaltulosehiện được ứng dụng nhiều trong chế biến và tiêu dùng trực tiếp bởi các ưu điểm như không gây sâu răng, chỉ số đường huyết thấp, không bị lên men bởi phần lớn các vi khuẩn và nấm men…
Trong quá trình phát triển công nghệ, các nhà khoa học đã tạo các gen mã hóa sucrose isomerase và chủng tái tổ hợp sinh sucrose isomerase, trên cơ sở đó tiến hành sản xuất đường isomaltulose có độ tinh khiết trên 95%, đáp ứng các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm. Đường isomaltulose sau đó đã được ứng dụng trong sản xuất chế biến siro dứa và siro chanh leo.
Th.S. Nguyễn Thanh Thủy - Viện Công nghiệp Thực phẩm (Đứng giữa) , chủ nhiệm đề tài nghiên cứu

​Sản phẩm đường isomaltulose 95% tinh khiết sản xuất từ đường mía được hợp tác bởi Công ty TNHH Việt Pháp và  Viện Công nghiệp Thực phẩm 
Theo Th.S. Nguyễn Thanh Thủy, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, qua đánh giá thử nghiệm sản phẩm có độ sánh vừa phải, màu sắc và hương vị tự nhiên, ngọt mát, chất lượng tương đương với các sản phẩm siro nhập ngoại trên thị trường. 
Việc chuyển hóa đường mía thành isomaltulose tạo ra sản phẩm có giá trị cao gấp 15 lần so với nguyên liệu ban đầu, được hứa hẹn góp phần giải bài toán đầu ra cho cây mía từ khía cạnh ứng dụng công nghệ. Công nghệ này cũng được đánh giá cao bởi tính hiệu quả, đơn giản hơn so với các công nghệ sản xuất isomaltulose khác và là công nghệ sạch, giảm thiểu sức ép lên môi trường. 
Môi trường cạnh tranh mạnh mẽ buộc các doanh nghiệp phải đổi mới để có thể tồn tại trên thị trường. Chính lúc này các giải pháp như xây dựng mối quan hệ bền vững với các đối tác trong chuỗi sản xuất, đầu tư vào bao bì mẫu mã, tiếp thị thì việc nâng cấp công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm là hướng đi chiến lược giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Theo như PGS. TS. Vũ Nguyên Thành, Viện trưởng Viện FIRI "khi quỹ đất và năng suất đã gần tới giới hạn, việc nâng cao giá trị nông sản qua công nghiệp chế biến là con đường duy nhất". 
Hà Giang