[In trang]
Nâng cao hiệu quả kinh tế từ các phụ phẩm dong đao
Thứ hai, 14/06/2021 - 08:11
Mô hình xử lý nước thải của đề tài nghiên cứu là công nghệ hoàn toàn mới tại Việt Nam và trên thế giới. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện đăng ký quy trình sáng chế quốc tế đối với kết quả nghiên cứu.
Việt Nam là nước nông nghiệp cùng với sự phát triển của khoa học và kỹ thuật năng suất cây trồng càng tăng. Tuy nhiên công nghệ chế biến các sản phẩm nông nghiệp đặc biệt hoa màu chưa được nâng cao dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. 
Thực trạng công nghệ và thiết bị sản xuất ở các làng nghề chế biến tinh bột dong riềng hiện nay vẫn còn khá thô sơ nên sau quá trình sản xuất, khối lượng nước thải và bã thải lớn được xử lý và sử dụng hợp lý mà trực tiếp ra cống thoát nước chung rồi đổ ra lưu vực sông, suối lân cận. Nguồn chất thải này chứa hàm lượng hữu cơ cao, đã và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng tới môi trường làng nghề và vùng phụ cận.
Thực trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề dong đao.
Với bã thải dong riềng giàu hữu cơ, thành phần chủ yếu là cellulose, hermicellulose... hiện vẫn chưa được thu gom riêng, mà xả cùng dòng nước thải. Do đó yêu cầu đặt ra là phát triển giải pháp công nghệ xử lý phù hợp để tách riêng phần bã thải và tận dụng làm nguồn cơ chất nuôi trồng nấm góp phần gia tăng giá trị kinh tế, đồng thời giúp giảm chi phí cho công tác xử lý môi trường.
Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội  đã thực hiện “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để chế biến và nâng cao hiệu quả kinh tế các sản phẩm từ dong đao làng nghề” nhằm giải quyết các bài toán nêu trên. Nghiên cứu do PGS. TS. Trần Liên Hà đứng đầu. Đây là nhiệm vụ thuộc thuộc Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì. 
PGS. TS. Trần Liên Hà cho biết, đề tài đã xây dựng được các giải pháp công nghệ ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến các sản phẩm từ củ dong đạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế và giảm thải ô nhiễm môi trường tại các làng nghề chế biến đong đao.
Bốn vấn đề lớn nghiên cứu cần giải quyết nhằm nâng cao giá trị và yêu cầu phát triển bền vững cho chuỗi sản phẩm chế biến sau thu hoạch từ củ dong đao, bao gồm: tiết giảm mức tiêu thụ nước trong chế biến, tạo thêm giá trị gia tăng từ chất thải rắn từ mài bột dong đao, khắc phục triệt để vấn nạn ô nhiễm môi trường và góp phần phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững và phát thải thấp.
PGS. TS Trần Liên Hà (giữa) trình bày kết quả nghiên cứu tại các hội thảo quốc tế
Triển khai thực hiện dự án với hmục tiêu phát triển bền vững làng nghề, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thực hiện tối ưu hóa quy trình sản xuất dong đao. Theo đó, trước tiên tối ưu quy trình rửa nhằm tiết kiệm nước. Nước dùng khuấy và lọc tinh bột được xử lý, quay lại tận dụng cho quy trình ngâm rửa củ. Cách làm này vừa tiết kiệm nước vừa hạn chế lượng nước thải ra môi trường.
Điểm mới trong công nghệ của đề tài  là xây dựng được mô hình hệ thống xử lý nước thải cho phép tách bùn từ chất thải sản xuất dong đao. Bã dong đao sau khi tách bùn có thành phần dinh dưỡng cao được xử lý tạo thành cơ chất trồng nấm. Nuôi trồng thử nghiệm đối với nấm dược liệu (nấm đầu khỉ) và nấm ăn (nấm sò) đạt kết quả rất tốt, giá trị dược liệu và dinh dưỡng cao. 
"Mô hình xử lý nước thải của đề tài nghiên cứu là công nghệ hoàn toàn mới tại Việt Nam và trên thế giới. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện đăng ký quy trình sáng chế quốc tế đối với kết quả nghiên cứu." PGS. TS Trần Liên Hà cho biết thêm.
Sản phẩm nấm đầu khỉ và nấm sò trồng bằng cơ chất từ bã thải dong đao
 Chế phẩm vi sinh sản xuất phân bón từ bã thải mài bột dong dao
Đặc biệt, bã thải sau thu hoạch nấm được phối trộn với lượng bùn vi sinh thải ra sau hệ thống xử lý nước thải hữu cơ tạo thành phân bón hữu cơ sinh học. Thời gian ủ khoảng 1 tháng, cứ 15 ngày ủ tiến hành đảo trộn và bổ sung nước tạo độ ẩm. Kết quả phân tích cho thấy, phân bón hữu cơ sinh học đảm bảo các yêu cầu về chất lượng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thành công bước đầu của đề tài nghiên cứu mở ra hướng khép kín chuỗi chế biến sau thu hoạch cho củ dong đao, một mặt giúp tăng giá trị kinh tế nhờ phát triển nguồn thu từ sản phẩm phụ gồm nấm và sản phẩm phân bón, mặt khác khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, góp phần phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ bề vững, phát thải thấp.
Mai Anh