[In trang]
Khánh Hòa tăng cường kiểm tra giám sát công tác an toàn thực phẩm
Thứ năm, 06/05/2021 - 11:00
Tỉnh Khánh Hòa cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, hậu kiểm và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, hậu kiểm và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, giám sát chặt chẽ hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Đó là kiến nghị của ông Nguyễn Việt Tấn – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, (Bộ Công Thương) Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương số 5 tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo ATTP tỉnh Khánh Hòa ngày 5/5.
Ông Nguyễn Việt Tấn – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, (Bộ Công Thương) phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 18.264 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, 12.120 cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý của ngành y tế; 3.024 cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; 3.120 cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý của ngành ngành Công Thương.
Ngày 18/3/2021, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh ban hành Kế hoạch số 979/KH-BCĐLNVSATTP của về việc triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2021 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Trên cơ sở đó, các sở ngành địa phương đã ban hành 156 văn bản được chỉ đạo triển khai tháng hành động vì ATTP năm 2021. Trên toàn tỉnh đã tổ chức 59 Lễ phát động và Hội nghị triển khai “Tháng hành động vì ATTP”.
Đại diện Sở Công Thương cho biết: Từ khi triển khai tháng hành động về ATTP cho đến nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã thành lập 130 đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP đối với 695 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, 679 cơ sở chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP (chiếm 97,7 %), 16 cơ sở chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về ATTP (chiếm 2,3 %), nhắc nhở 15 cơ sở, xử phạt 01 cơ sở với tổng số tiền phạt là 4,25 triệu đồng với hành vi vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa.
Theo bà Lê Thu Hải - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa, hiện nay, công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội quan tâm, chỉ đạo, ban hành các văn bản triển khai các Chỉ thị, kế hoạch, quy định của Trung ương kịp thời, đáp ứng được việc bảo đảm ATTP trong tình hình mới.
Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương số 5 đã tiến hành kiểm tra Nhà máy thực phẩm cao cấp SanestFood
Tuy nhiên công tác triển khai tháng ATTP vẫn còn một số khó khăn, cụ thể công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các mô hình, hệ thống quản lý, kiểm soát ATTP trong sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh thực phẩm, ... đã được chú trọng nhưng chưa được thực hiện thường xuyên từ cấp tỉnh đến cấp xã, đặc biệt, đối với các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa. Các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, chủ cơ sở không đáp ứng được kiến thức về ATTP và không cập nhật kịp thời các quy định mới về ATTP dẫn đến người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng không năm được các kiến thức về ATTP.
Bà Lê Thu Hải - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa
Bên cạnh đó, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở quy mô hộ gia đình nên nhận thức chấp hành pháp luật về bảo đảm ATTP chưa cao, việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng còn hạn chế, khó áp dụng bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất thực phẩm an toàn.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Khánh Hòa đề xuất Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu sửa đổi quy định về tập huấn, xác nhận kiến thức ATTP theo hướng Quy định điều kiện người tập huấn kiến thức về ATTP cho người trực tiếp sản xuất, kinh doanh phẩm như người tập huấn phải có chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực ATTP.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các mô hình kinh doanh chuỗi thực phẩm an toàn, các mô hình sản xuất sạch tiến tới thu hẹp các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, các chợ không đảm bảo ATTP. Tiếp tục lòng ghép hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm mong muốn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới quy trình công nghệ, mở rộng quy mô từ các nguồn kinh phí như khuyến công, xúc tiến thương mại, các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Phát biểu tại buổi làm việc - Ông Nguyễn Việt Tấn – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid 19, nhưng tỉnh Khánh Hòa vẫn tích cực vào cuộc, chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, triển khai Tháng hành động vì ATTP theo các nội dung đã được hướng dẫn. Công tác thanh tra, kiểm tra được duy trì nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống đã ý thức được tầm quan trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm, đã thực hiện sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, thực hiện tốt bảo quản, vận chuyển, chế biến thực phẩm.
Theo ông Tấn, tháng hành động ATTP năm 2021 diễn ra trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị quyết liệt phòng, chống dịch bệnh Covid- 19, do vậy ảnh hưởng đến việc triển khai công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Các ngành các cấp trên địa bàn không tổ chức triển khai được Tháng hành động ATTP như thông lệ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống,... tạm dừng hoạt động từ ngày 02/5/2021. Do vậy, đã tạo nhiều thách thức, buộc các Sở ngành, địa phương trên toàn tỉnh phải thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, để triển khai phù hợp với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Đoàn kiểm tra tại Công ty CP cà phê Hoàng Tuấn
Bên cạnh đó, nguồn ngân sách của tỉnh sử dụng cho công tác an toàn thực phẩm nói chung, cho truyền thông ATTP còn hạn chế, nên một số huyện có khó khăn trong triển khai chuyên môn. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có điều kiện sản xuất hạn chế, chưa đủ điều kiện vệ sinh ATTP theo quy định, do đó tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP.
Các đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở quy mô hộ gia đình nên nhận thức chấp hành pháp luật về bảo đảm ATTP chưa cao, việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng còn hạn chế, khó áp dụng bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất thực phẩm an toàn.
Khánh Hòa cần giám sát chặt chẽ hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa cần tiếp tục tăng cường phổ biến các văn bản của Nhà nước về thực hiện các quy định bảo đảm ATTP được triển khai đến các đối tượng trong địa bàn tỉnh để việc thực hiện được kịp thời, đạt hiểu quả cao hơn. Đặc biệt, giám sát chặt chẽ hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tiếp tục tăng cường kiểm tra, hậu kiểm và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, chiều ngày 4/5, đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương số 5 đã tiến hành kiểm tra Nhà máy thực phẩm cao cấp SanestFood, (quốc lộ 1A, xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh) và Công ty CP cà phê Hoàng Tuấn, (tổ 9 Phú Thạnh, Vĩnh Thạnh, Nha Trang). Ông Nguyễn Viết Tấn đánh giá, các cơ sở đã chấp hành đầy đủ các quy định về tự công bố sản phẩm, khám sức khỏe định kỳ và tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và người lao động, được chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong quá trình sản xuất. Việc thực hành đảm bảo vệ sinh trong sản xuất của người lao động trực tiếp sản xuất được chấp hành đầy đủ…
Ông Nguyễn Việt Tấn – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương): Tháng hành động vì ATTP năm 2021 là năm thứ 7 triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới. Đây là dịp để các Sở, ban, ngành, các cấp chính quyền tại địa phương quan tâm hơn trong chỉ đạo, điều hành, rà soát lại đối tượng quản lý, đánh giá hoạt động thanh, kiểm tra của địa phương; nhìn nhận lại khả năng điều phối chính quyền các cấp tại địa phương, từ đó đẩy mạnh hoạt động thông tin và truyền thông về an toàn thực phẩm, góp phần cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo: Báo Công Thương