[In trang]
Bộ Công Thương chủ động, tích cực phát triển công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến
Thứ ba, 04/05/2021 - 09:07
Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực triển khai đề án và đạt được nhiều thành công trong việc ứng dụng các công nghệ vi sinh, công nghệ enzyme, protein trong lĩnh vực công nghiệp chế biến.
Thực hiện Quyết định số 14/2007/QĐ-TTg ngày 25/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực triển khai đề án và đạt được nhiều thành công trong việc ứng dụng các công nghệ vi sinh, công nghệ enzyme, protein trong lĩnh vực công nghiệp chế biến.

Ảnh minh họa (Nguồn: H.H) 
Sau 12 năm triển khai thực hiện Quyết định số 14/QĐ-TTg, Bộ Công Thương đã triển khai đạt hiệu quả đối với việc phát triển công nghệ sinh học nói chung và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nói riêng. Bộ luôn đặt doanh nghiệp với vai trò trung tâm tiếp nhận các nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất tại doanh nghiệp và sản xuất tạo sản phẩm, một số nhiệm vụ bước đầu đã được triển khai theo chuỗi giá trị từ nghiên cứu công nghệ đến sản xuất sản phẩm và thương mại hóa trên thị trường nội địa, ghi nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ người tiêu dùng về chất lượng, sự ổn định của sản phẩm.
Đây chính là cách tiếp cận triển khai phù hợp với thực tế hiện nay, thúc đẩy hợp tác, gắn kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học tại các tổ chức khoa học công nghệ với các doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy và phát triển sản phẩm nội địa từ chính các nghiên cứu trong nước, góp phần khẳng định vai trò của khoa học và công nghệ trong việc tái cơ cấu ngành Công Thương. Sự tham gia của công nghệ nghiên cứu đã giúp chúng ta đa dạng hóa các sản phẩm đầu ra, tạo ra nhiều sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao từ các nguyên liệu chủ lực của Việt Nam.
Theo TS. Đặng Tất Thành - Chuyên viên chính Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc đề án được triển khai theo định hướng nghiên cứu ứng dụng. Theo đó, hầu hết kết quả nghiên cứu của các đề tài/dự án sản xuất thử nghiệm đã được ứng dụng và chuyển giao vào thực tiễn sản xuất tại doanh nghiệp. Nếu như năm 2007 - năm đầu tiên thực hiện đề án, chỉ có 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai và doanh nghiệp tham gia còn ở quy mô nhỏ thì đến năm 2015, số lượng doanh nghiệp tham gia vào các nhiệm vụ đã tăng lên 75%. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, 100% nhiệm vụ đã có sự tham gia phối hợp của doanh nghiệp hoạt động ở nhiều quy mô khác nhau.
Bên cạnh đó, đề án đã nghiên cứu, hoàn thiện được hơn 200 quy trình công nghệ, ứng dụng rộng rãi vào sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, đã có hơn 75 sản phẩm tiêu biểu thuộc đề án đã được nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất, kinh doanh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp tham gia. Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã đào tạo được gần 200 tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân và hơn 300 công nhân, người lao động trực tiếp tại doanh nghiệp.
Cũng theo PGS.TS Chu Kỳ Sơn - Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, trong thời gian qua, Viện đã thực hiện 12 đề tài/dự án nằm trong khuôn khổ đề án. Qua việc triển khai các đề tài/dự án đã giúp Viện nâng cao năng lực nghiên cứu; mở rộng và tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, sẵn sàng giải quyết các yêu cầu thực tế của doanh nghiệp; góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng và trình độ cao về công nghệ sinh học công nghiệp và công nghệ thực phẩm cho đất nước; tạo ra các công nghệ và sản phẩm có thể tiếp cận và đáp ứng yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp.
Căn cứ vào các kết quả triển khai “Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020” và yêu cầu của Chính phủ đối với triển khai phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030, Bộ Công Thương đã xây dựng “Đề án phát triển công nghệ sinh học ngành Công Thương đến năm 2030”. Đây là giai đoạn giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công nghệ, sản phẩm vào thực tiễn sản xuất và thị trường tiêu thụ nhằm gia tăng GDP từ chính các công nghệ tiềm năng đã được nghiên cứu triển khai trong giai đoạn trước.
Ghi nhận những kết quả rõ nét của đề án trong giai đoạn vừa qua, ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - cho rằng: Mặc dù dự thảo Đề án giai đoạn đến 2030 đã được Bộ Công Thương hoàn thành và đang trong giai đoạn trình Thủ tướng Chính phê duyệt nhưng việc chúng ta tiếp tục trao đổi, tìm các hướng triển khai phù hợp cho Đề án giai đoạn đến 2030 trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm từ các nội dung đã triển khai trong giai đoạn 2007-2020 để sẵn sàng đưa ra những giải pháp thực hiện cụ thể trong giai đoạn đến 2030 sau khi đề án được phê duyệt là hết sức cần thiết.
Để thúc đẩy phát triển công nghiệp sinh học, Thạc sĩ Trần Hoàng Quyên - Giám đốc Trung tâm thực nghiệm sản xuất và chuyển giao công nghệ, Viện Công nghiệp thực phẩm cho rằng: Định hướng hát triển công nghiệp sinh học cần dựa trên những nguồn nguyên liệu nông, lâm, ngư nghiệp chủ đạo của Việt Nam để có thể triển khai ở quy mô lớn, tạo chuyển biến cho nền kinh tế; phát triển công nghiệp sinh học cần được đồng hành cùng phát triển công nghiệp hỗ trợ như chế tạo máy, tự động hóa, công nghiệp vật liệu, hóa chất…; cần xây dựng trung tâm kết nối doanh nghiệp và hỗ trợ truyển giao công nghệ nhằm tạo cầu nối giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước, giữa các nhà cung cấp công nghệ với doanh nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã hoàn thành việc xây dựng dự thảo Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030. Mục tiêu chung là đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến, đổi mới cơ chế chính sách, tranh thủ hợp tác và hỗ trợ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư nhằm đổi mới, hiện đại hóa công nghệ…
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam