[In trang]
Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp sản xuất TPCN giá chỉ bằng 1/7 sản phẩm nhập ngoại
Thứ hai, 05/04/2021 - 08:47
Việc tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước từ phụ phẩm nông nghiệp kết hợp với chủ động quy trình công nghệ đã đưa giá thành sản xuất thực phẩm chức năng có chứa arabinoxylan của dự án chỉ bằng khoảng 1/7 so với thực phẩm chức năng tương tự nhập ngoại.
Arabinoxylan (AX) là polysaccharide được cấu tạo từ hai đường arabinose và xylose và thường được sử dụng làm thực phẩm chức năng (TPCN) tương đối phổ biến trên thế giới. AX thể hiện được hoạt tính miễn dịch, phòng chống ung thư, có ưu thế vượt trội so với các hoạt chất gây kích thích miễn dịch khác do có nguồn gốc tự nhiên và đã được sử dụng với chức năng tăng cường miễn dịch cho bệnh nhân nhiễm HIV, viêm gan và ung thư.
Hợp chất arabinoxylan có thể được tách chiết từ các phụ phẩm nông nghiệp như ngũ cốc, mày ngô, hay phổ biến hơn cả là từ cám gạo
Tận dụng nguyên liệu dồi dào, sẵn có
Hiện nay trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu và sản xuất thực phẩm chức năng chứa AX, các chế phẩm này có giá khá cao, hơn nữa, thành phần cụ thể cũng như hàm lượng arabinoxylan trong các chế phẩm đều không được các nhà sản xuất cung cấp một cách rõ ràng. Trong khi đó hợp chất arabinoxylan lại có thể được tách chiết từ các phụ phẩm nông nghiệp rẻ tiền như ngũ cốc, mày ngô, hay phổ biến hơn cả là từ cám gạo, những nguyên liệu rất sẵn có ở một nước nông nghiệp như Việt Nam.
Nhu cầu về thực phẩm chức năng tăng đang mở ra một thị trường đầy triển vọng cho AX. Tuy đã bắt đầu được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam nhưng các sản phẩm TPCN chứa arabinoxylan đều phải nhập khẩu từ nước ngoài,  chưa có  doanh nghiệp trong nước sản xuất được. 
Do đó, việc chế biến cám gạo thô thành TPCN được tinh chế giàu arabinoxylan dạng hòa tan giúp việc bổ sung chất kích thích miễn dịch và các thành phần vi lượng có ích đang là hướng nghiên cứu được nhiều nhà khoa học và các doanh nghiệp dược phẩm trong nước quan tâm.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhóm nghiên cứu trường Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội​  triển khai nghiên cứu dự án: “Sản xuất thực phẩm chức năng có arabinoxytan từ cám gạo”. Dự án thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì.
Đưa sản phẩm đến với thị trường
PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh, chủ nhiệm dự án cho biết thành công của dự án là sản phẩm kế thừa các kết quả nghiên cứu từ năm 2014 với đề tài “Nghiên cứu ứng dụng endo-xylanase để sản xuất arabinoxylan từ cám gạo làm thực phẩm chức năng”.
Theo đó, nhóm thực hiện đã tiến hành nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và mô hình thiết bị để phù hợp với quy mô sản xuất lớn 120 kg/mẻ với hiệu suất thu hồi arabinoxylan đạt tới 68% và tách chiết được arabinoxylan với dải kích thước rộng hơn, trong khoảng 6- 600 kDa để tăng hiệu suất và giảm giá thành sản phẩm.
Sản phẩm của dự án chỉ bằng khoảng 1/7 so với thực phẩm chức năng tương tự nhập ngoại
Sau khi tách chiết thành công arabinoxylan từ cám gạo, dự án đã thực hiện xây dựng quy trình công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng chứa arabinoxylan kết hợp với bào tử Bacillus subtilis lợi khuẩn. Nhóm nghiên cứu đã phối hợp với công ty Anabio R&D sản xuất thành công 3 loại thực phẩm chức năng gồm: Immunobran dạng viên nang, Sppbio Immunobran và Sppbio Immunobran kids dạng bột.
Bên cạnh đó, nhóm thực hiện dự án đã đánh giá được tác dụng sinh học tăng cường miễn dịch của các sản phẩm đều có hiệu quả kích thích sinh tổng hợp IFN- (đều tăng 3,5 lần), tăng hoạt tính diệt tế bào ung thư Sarcoma-180 của tế bào lympho (tăng 1,5-2,4 lần), hoạt tính thực bào của đai thực bào (tăng 62-68%) và tương đương với chế phẩm thương mại Lentin plus 1000 của hãng Daiwa, Nhật bản ở cùng liều sử dụng.
“Việc tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước từ phụ phẩm nông nghiệp kết hợp với chủ động quy trình công nghệ đã đưa giá thành sản xuất thực phẩm chức năng có chứa arabinoxylan của dự án chỉ bằng khoảng 1/7 so với thực phẩm chức năng tương tự nhập ngoại. Đây là mức giá rất phù hợp với điều kiện chung của nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, HIV/AIDS, viêm gan ở Việt Nam.” -  PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh cho biết.
Gian hàng sản phẩm của dự án tham dự hội chợ, triển lãm được người tiêu dùng đón nhận
Cả 3 sản phẩm của dự án đã có giấy tiếp nhận công bố sản phẩm của Cục VSATTP, Bộ Y tế và  đã được bày bán rộng rãi qua các kênh phân phối gồm bệnh viện và các nhà thuốc.
Dự án đã ký hợp đồng phân phối, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm với một số công ty Dược như: với Công ty CP Europharma; Công ty Phoennik, Công ty Thiên Phú, Công ty Thống Nhất. 
Bà Nguyễn Thị Hoàng Mai, Phó Giám đốc Công ty CP Europharma cho biết thêm “Các sản phẩm đều có hình thức đẹp, thông tin ghi trên bao bì dễ hiểu và rõ ràng. Bước đầu chúng tôi đã nhận được sự phản hồi rất tốt từ khách hàng về tác dụng của Immunobran và Sppbio Immunobran góp phần cải thiện sức khỏe, giảm mệt mỏi và kích thích ăn ngon của bệnh nhân sau phẫu thuật, hóa trị. Đối với sản phẩm Sppbio Immunobran kids có tác dụng rõ rệt trong việc kích thích ăn ngon, tiêu hóa tốt ở trẻ. Thời gian tới công ty sẽ đẩy mạnh triển khai và phân phối đế sản phẩm đến được nhiều người tiêu dùng hơn nữa”.
Hợp chất arabinoxytan được tách chiết từ các phụ phẩm nông nghiệp đang được các quốc gia trên thế giới chú trọng nghiên cứu để ứng dụng trong sản xuất thực phẩm chức năng nhằm tăng cường hệ thống miễn dịch cho bệnh nhân ung thư và suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, virut gây bệnh viêm gan và cúm). Kết quả đạt được của dự án “Sản xuất thực phẩm chức năng có arabinoxytan từ cám gạo” do trường Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện sẽ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường.
Sản phẩm của dự án có thể thay thế sản phẩm nhập ngoại, giảm chi phí sản xuất do tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước đồng thời giải quyết được bài toán môi trường nhờ tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp. 
Các sản phẩm của dự án bắt đầu từng bước gia nhập thị trường thực phẩm chức năng trong nước. Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển mạnh các sản phẩm của dự án thời gian tới.
Mai Anh