[In trang]
Hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn nuôi thủy sản giàu Lysine từ phế phụ phẩm cá tra
Thứ tư, 27/01/2021 - 07:40
Đối với ngành nuôi trồng thủy sản, thức ăn là nhân tố đóng vai trò chủ lực và chiếm khoảng 60% tổng chi phí đầu tư nuôi thủy sản, và chất lượng thức ăn có ý nghĩa quan trọng tác động đến hiệu quả nuôi tôm, cá.
Đối với ngành nuôi trồng thủy sản, thức ăn là nhân tố đóng vai trò chủ lực và chiếm khoảng 60% tổng chi phí đầu tư nuôi thủy sản, và chất lượng thức ăn có ý nghĩa quan trọng tác động đến hiệu quả nuôi tôm, cá. Do vậy, việc nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn nuôi thủy sản là nhiệm vụ rất cần thiết nhằm nắm vững và chủ động được công nghệ sản xuất thức ăn, góp phần tăng hiệu quả nuôi và tính bền vững trong nghề nuôi thủy sản.
Việc lựa chọn nguyên liệu trong xây dựng công thức thức ăn thủy sản có vai trò quan trọng, đóng góp vào sự thành công của quá trình nuôi trồng thủy sản. Các nguyên liệu phải đảm bảo sự hài hòa về dinh dưỡng, thành phần đa lượng và vi lượng. L-Lysine là một trong các axit amin thiết yếu, rất cần thiết cho nhiều quá trình sinh hóa của tế bào, sự tăng trưởng và miễn dịch ở thủy sản, thế nên bổ sung nguyên liệu giàu lysine vào thức ăn nuôi thủy sản có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển của ngành này. Việc hoàn thiện công nghệ sản xuất chế phẩm lysine với mục tiêu chủ động cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thức ăn nuôi thủy sản sẽ đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển ngành công nghiệp sản xuất thức ăn và nuôi thủy sản.
Xuất phát từ thực tế đó, Viện nghiên cứu Hải sản đã thực hiện dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản giàu lysine từ phế phụ phẩm cá tra” với sự phối hợp của Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch và Phát triển Thủy sản (TRISEDCO) và Công ty TNHH Khoa Thành, Hải Phòng. Dự án do TS. Nguyễn Hữu Hoàng làm chủ nhiệm, nằm trong Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020.
TS. Nguyễn Hữu Hoàng – Chủ nhiệm dự án trình bày báo cáo tổng kết.
Với mục tiêu hoàn thiện được quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất chế phẩm lysine, sản xuất thức ăn nuôi thủy sản giàu lysine; xây dựng được mô hình nuôi thử nghiệm thức ăn nuôi thủy sản; đào tạo và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ kỹ thuật, vận hành công nghệ và thiết bị sản xuất; sau quá trình triển khai, dự án đã hoàn thiện được quy trình công nghệ, mô hình thiết bị và sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản giàu lysine từ phế phụ phẩm cá tra quy mô bán công nghiệp.
Cụ thể là hoàn thiện công nghệ sản xuất chế phẩm lysine, quy mô 1.000 lít/mẻ, chế phẩm lysine thu hồi đạt hàm lượng 54,1% và đảm bảo các điều kiện làm nguyên liệu thức ăn thủy sản và các yêu cầu theo đăng ký; công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất thức ăn nuôi thủy sản giàu lysine, quy mô 2.000 kg nguyên liệu/mẻ, quy trình công nghệ này đã được hiệu chỉnh và tập huấn chuyển giao cho công ty TRISEDCO thử nghiệm sản xuất.
Thức ăn sản xuất ra từ công nghệ và mô hình thiết bị tại công ty đạt các tiêu chuẩn theo đăng ký, và tiêu chuẩn TCVN 10300:2014. Mô hình nuôi thử nghiệm cá rô phi bằng thức ăn giàu lysine cho hiệu quả tăng trưởng cá tốt.
Ngoài ra, dự án còn đào tạo được đội ngũ cán bộ kỹ thuật và nhân công lành nghề, có khả năng tiếp thu và làm chủ công nghệ mới để quá trình sản xuất đạt hiệu quả cao.
Sản phẩm thức ăn chăn nuôi thủy sản giàu lysine từ phế phụ phẩm cá tra.
Dự án hoàn thành đã góp phần nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ sinh học (công nghệ lên men, công nghệ enzyme) trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, đa dạng cho phát triển ngành chế biến sản xuất các sản phẩm thủy sản, nâng cao tính ứng dụng trong sản xuất của các kết quả nghiên cứu, có sự gắn kết chặt chẽ giữa khoa học và sản xuất thực tiễn. Việc sử dụng có hiệu quả phế phụ phẩm chế biến cá tra có ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, chủ động nguồn nguyên liệu để sản xuất thức ăn thủy sản sẽ làm giảm giá thành thức ăn thủy sản, tăng hiệu quả nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế, và bảo vệ môi trường.
Bộ Công Thương đánh giá cao các kết quả nghiên cứu, ứng dụng do Viện Nghiên cứu Hải sản chủ trì, cụ thể ở đây là dự án sản xuất thức ăn nuôi thủy sản giàu lysine từ phế phụ phẩm cá tra. Trong định hướng triển khai Đề án phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030, lĩnh vực công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm thủy sản sẽ đặc biệt được quan tâm và đây là tiềm năng lớn để đưa công nghệ sinh học tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ phát triển kinh tế.
Minh Nhật