[In trang]
Sản xuất thành công methyl-ß-cyclodextrin từ tinh bột sắn
Thứ ba, 23/02/2021 - 09:50
Bằng việc tận dụng nguồn nguyên liệu tinh bột sắn sẵn có; áp dụng công nghệ sản xuất hiệu quả, đồng bộ… sản phẩm methyl-ß-cyclodextrin (M-ß-CD) do Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hoá dầu nghiên cứu và phát triển sẽ có chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh.
Bằng việc tận dụng nguồn nguyên liệu tinh bột sắn sẵn có; áp dụng công nghệ sản xuất hiệu quả, đồng bộ… sản phẩm methyl-ß-cyclodextrin (M-ß-CD) do Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hoá dầu nghiên cứu và phát triển sẽ có chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh.    
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Việt Nam là nước xuất khẩu tinh bột sắn đứng thứ 3 trên thế giới. Tuy nhiên, đến nay, ngoài việc sử dụng trực tiếp hoặc xuất khẩu tinh bột, việc phát triển các công nghệ chuyển hóa tinh bột sắn thành những sản phẩm có giá trị gia tăng cao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Một trong những sản phẩm chuyển hóa từ tinh bột sắn có giá trị gia tăng cao phải kể đến các dẫn xuất của cyclodextrin.
Trên cơ sở đánh giá tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước và phân tích các nghiên cứu có liên quan trong lĩnh vực tổng hợp và ứng dụng Cyclodextrin (CD) nói chung và M-ß-CD nói riêng, Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hoá dầu nhận thấy nguồn nguyên liệu tinh bột sắn dồi dào, rẻ tiền có thể trở thành lợi thế cho sản xuất ß –CD. Từ sản phẩm này, có thể triển khai nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới là M-ß-CD có giá trị kinh tế cao bởi các ứng dụng tiềm năng trong sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.
Xuất phát từ thực tế này, Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hoá dầu đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất methyl-ß-cyclodextrin từ tinh bột sắn làm phụ gia thế hệ mới cho ngành công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm và thực phẩm chức năng”.
Đề tài thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì. Ngày 21 tháng 01, Bộ Công Thương đã tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ KHCN trên.
Toàn cảnh buổi nghiệm thu
TS. Phạm Thị Nam Bình cho biết, công nghệ nghiên cứu của đề tài đã sản xuất được 260kg/mẻ nguyên liệu M-ß-CD, vượt mức yêu cầu so với kế hoạch. Từ nguyên liệu thu được, nhóm thực hiện đề tài đã sản xuất 50.000 viên nang thực phẩm chức năng CoQ10 chứa tá dược tan M-ß-CD và 1.000 lọ (50 ml/lọ) kem dưỡng da chứa CoQ10 - M-ß-CD để làm đẹp da, chậm quá trình lão hoá và tăng cường sức khoẻ.
"Việc tận dụng nguồn nguyên liệu tinh bột sắn sẵn có, đồng thời áp dụng công nghệ sản xuất hiệu quả, sản phẩm M-ß-CD của đề tài giúp sản phẩm tạo ra có chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh. Thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục tiến hành sản xuất nhằm thương mại hóa sản phẩm." - TS. Phạm Thị Nam Bình cho hay.
TS. Phạm Thị Nam Bình trình bày báo cáo tổng kết tại buổi nghiệm thu.
Kết quả nghiên cứu đã cho thấy các giá trị kinh tế, hiệu quả xã hội mà đề tài đã đạt được. Việc sử dụng công nghệ tổng hợp M-ß-CD dưới điều kiện áp suất tự sinh góp phần đơn giản hóa thiết bị, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải môi trường. Về hiệu quả xã hội, sản phẩm của đề tài được ứng dụng trong triển khai sản xuất công nghiệp sẽ góp phần tạo việc làm cho người lao động, tạo sản phẩm công nghiệp mới cho xã hội. Đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng của nguồn sản phẩm nông nghiệp tinh bột sắn ở nước ta, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Tại buổi nghiệm thu, hội đồng đánh giá cao tính thực tiễn và ứng dụng mà đề tài mang lại. Đề tài không chỉ đạt được hiệu quả cao về mặt khoa học công nghệ, mà còn đáp ứng được các mục tiêu kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, cần phải bổ sung chi tiết các phương pháp nghiên cứu đã áp dụng, số liệu thống kê trong báo cáo tổng kết để thấy rõ được các tiêu chuẩn kỹ thuật và thành quả công nghệ thu được. Hội đồng cũng đánh giá rất cao những nỗ lực của nhóm nghiên cứu, các sản phẩm đều vượt chỉ tiêu, đáp ứng tiêu chí chất lượng theo đúng hợp đồng ký kết với Bộ Công Thương.
Sản phẩm nghiên cứu của đề tài
Có thể nói, việc sản xuất được M-ß-CD tại Việt Nam và ứng dụng trong sản xuất ngành công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm và thực phẩm chức năng sẽ giúp người Việt Nam có cơ hội tiếp cận thêm một dòng sản phẩm tốt cho sức khỏe. Đặc biệt là chế phẩm này chưa từng được nghiên cứu bào chế ở Việt Nam.
Vụ Khoa học và Công nghệ