[In trang]
Sinh viên Việt Nam làm giấy từ thân cây chuối
Thứ ba, 26/01/2021 - 15:48
Với mong muốn hỗ trợ bà con nông dân trong việc tận dụng cây chuối sau khi thu hoạch, nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã nghiên cứu và tạo ra nguyên liệu cho quá trình tạo giấy xanh, thân thiện môi trường từ thân cây chuối.
Với mong muốn hỗ trợ bà con nông dân trong việc tận dụng cây chuối sau khi thu hoạch, nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã nghiên cứu và tạo ra nguyên liệu cho quá trình tạo giấy xanh, thân thiện môi trường từ thân cây chuối. 
Nhóm sinh viên gồm Trịnh Ngọc Vân Anh, Lê Thị Bích Phượng, Phạm Thái Bình, Trần Út Thương và Lê Thụy Tường Vân đã nghiên cứu trong vòng 1 năm để có thể đưa ra sản phẩm hoàn chỉnh.
Nhóm sinh viên nhận giải nhất cuộc thi SV-STARTUP 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức
Sinh ra ở vùng quê Nam Bộ, Vân Anh và các bạn trong nhóm gắn bó với rất nhiều sản phẩm nông nghiệp và chứng kiến nhiều phế phẩm bị bỏ phí. Tìm hiểu rộng ra, nhóm thấy lượng phế phẩm nông nghiệp ở Việt Nam khoảng 60-70 triệu tấn mỗi năm. Trong đó đến 80% chưa được sử dụng, bị thải trực tiếp ra môi trường hoặc đốt bỏ gây ô nhiễm, cản trở dòng chảy.
"Làm sao để không lãng phí phế phẩm đó? Làm sao để bảo vệ môi trường?" Những câu hỏi liên tiếp khiến các thành viên đầu tư đọc các nghiên cứu, bài báo quốc tế để tìm giải pháp. Khi đọc được nghiên cứu làm giấy từ thân cây chuối, bã mía, rơm rạ, nhóm đã xác định đây là hướng đi của mình. Nhóm nghiên cứu đã bắt đầu lên ý tưởng cho đề tài "Làm giấy tái chế từ phế phẩm nông nghiệp". Trong đó, giấy được làm ra có thể dùng để sản xuất túi, hộp đựng, giấy gói hoa, quà - những sản phẩm mà ngoài thị trường đa số là nylon, nhựa.
Từ những ý tưởng ban đầu, Vân Anh và các bạn tiếp tục nghiên cứu sâu hơn dưới dự hướng dẫn của TS Hoàng Thị Tuyết Nhung, giảng viên khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm. Từ những ý tưởng trên giấy, các em được hỗ trợ làm trong phòng thí nghiệm để tạo ra sản phẩm thật.
Vân Anh chia sẻ cần nhiều công đoạn để làm ra được giấy từ thân cây chuối. Ban đầu, chuối phải được cắt nhỏ, phơi hoặc sấy khô rồi đem nấu ở nhiệt độ cao cùng một chút soda. Hỗn hợp này sau đó được mang đi rửa để đảm bảo độ trung tính, thân thiện với môi trường, rồi trộn với bột keo - loại làm từ phế phẩm nông nghiệp như khoai bị hư. Sau khi trộn, chúng được trải ra khuôn để tạo hình sản phẩm rồi mang sấy khô hoặc phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. 
Một số sản phẩm từ thân cây chuối
Nói về ý tưởng ban đầu cho dự án này, TS Hoàng Thị Tuyết Nhung cho rằng việc sử dụng phế phẩm nông nghiệp để làm giấy không phải mới vì người xưa đã từng chế tạo ra giấy từ rơm rạ rồi. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, mọi người quen dùng giấy đẹp mà quên đi giấy thô của ngày xưa. Do đó, nhóm muốn tạo ra giấy từ các loại phế phẩm như lá dứa, vỏ bắp, thân cây chuối... Khi chế tạo thành công và quyết định theo đuổi dự án, nhóm muốn tập trung vào một nguyên liệu phổ biến và dồi dào nhất cho dự án nên chọn loại thân cây chuối. 
Điều đặc biệt hơn là nhóm không sử dụng hóa chất vì muốn giữ lại những vân chuối trên giấy hay màu sắc theo giống chuối để tạo sự độc lạ, tự nhiên cho sản phẩm. Đồng thời, nó có khả năng phân hủy nhanh, thân thiện với môi trường. 
Mai Anh t/h