[In trang]
Phụ phẩm từ chế biến gia cầm: Nguyên liệu quý sản xuất Glucosamine
Thứ hai, 04/01/2021 - 11:34
Thông qua việc triển khai Đề tài "Nghiên cứu sản xuất chế phẩm và thực phẩm chức năng giàu Glucosamine và Chondroitin sulphate (CS) từ phụ phẩm quá trình chế biến gia cầm", góp phần tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho người nông dân, đồng thời nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Thông qua việc triển khai Đề tài "Nghiên cứu sản xuất chế phẩm và thực phẩm chức năng giàu Glucosamine và Chondroitin sulphate (CS) từ phụ phẩm quá trình chế biến gia cầm", góp phần tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho người nông dân, đồng thời nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Đây là đề tài thuộc Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương quản lý và được giao cho Viện Công nghệ sinh học và Hóa dược Nova chủ trì.

Sản phẩm của đề tài nghiên cứu
TS. Đặng Trần Hoàng - Chủ nhiệm đề tài - cho biết: CS và Glucosamine là những hoạt chất hỗ trợ hình thành mô liên kết xương, giảm mất canxi. Trong ngành sản xuất dược phẩm và thực phẩm chức năng, đây là hai thành phần quan trọng được sử dụng phổ biến nhằm hỗ trợ điều trị, cải thiện chức năng cho người mắc và có nguy cơ mắc các bệnh lý về xương khớp.
Đặc biệt, khi thiếu Glucosamine thì sụn đặc biệt là sụn khớp háng, đầu gối bị hỏng, cứng, tạo gai xương gây biến dạng khớp làm hạn chế vận động, dẫn đến bệnh viêm xương khớp phát triển. Đồng thời, theo công ty nghiên cứu thị trường minh bạch TMR, thị trường CS toàn cầu sẽ đạt 457,7 triệu USD vào cuối năm 2025, so với 343,9 triệu USD năm 2016.
Hiện nay, ở Việt Nam, ước tính có khoảng 35% dân số đang mắc bệnh về xương khớp. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp Việt Nam vào nhóm nước có tỷ lệ dân số mắc bệnh xương khớp cao nhất thế giới. Hàng năm, theo ước tính của Bộ Y tế, nước ta phải bỏ ra hàng triệu USD để nhập khẩu các loại thuốc điều trị bệnh xương khớp, trong đó có rất nhiều các sản phẩm chứa CS và Glucosamine. Nhưng các thuốc này chủ yếu vẫn nhập khẩu từ nước ngoài.
"Ở Việt Nam, vấn đề nghiên cứu thu nhận CS và Glucosamine còn rất mới và chưa có công ty nào sản xuất hai chế phẩm nói trên. Một số doanh nghiệp nhập khẩu chế phẩm CS và chondroitin sulfate để sản xuất viên nang. Hiện nay, mới chỉ có rất ít các sản phẩm giàu Glucosamine và Chondroitin sulphate cho người mắc bệnh xương khớp được sản xuất tại Việt Nam" - TS. Đặng Trần Hoàng khẳng định.
Theo TS. Đặng Trần Hoàng, phụ phẩm của quá trình chế biến gia cầm chứa CS và Glucosamine bao gồm chân gà, vịt; khí quản gà, vịt; ức gà, vịt; sụn chân gà, vịt. Chẳng hạn, hàm lượng CS thu được từ sụn vây cá mập hoặc khí quản cá sấu chỉ là 18% (chất khô), nhỏ hơn 23% trong sụn xương cá sấu và đặc biệt là 30% trong sụn xương móng cá sấu và sụn ức gà. Ngoài ra, trong khí quản vịt có tới 3,6% CS và trong sụn chân gà có khoảng 2,5% là CS và 13% là Glucosamine, cũng là các nguyên liệu sẵn có, không thể bỏ qua để sản xuất CS và Glucosamine.
Trong khi đó, nguồn nguyên liệu chân gà hoặc sụn chân gà lại rất sẵn có ở các cơ sở chế biến gà trong nước hoặc gà nhập khẩu. Theo ước tính, một cơ sở chế biến gia cầm có thể cung cấp 2 tấn sụn chân gà/ngày, hiện nay mới chỉ được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. "Do vậy, đề tài có ý nghĩa khoa học, thực tiễn cao và nhiều triển vọng ứng dụng CS và Glucosamine để tạo ra các thực phẩm chức năng có giá trị hàng hóa cao, có lợi cho sức khỏe cộng đồng, giảm nhập ngoại các sản phẩm tương tự" - TS. Đặng Trần Hoàng nhấn mạnh.
Việc triển khai đề tài nhằm xây dựng được quy trình công nghệ, mô hình thiết bị và sản xuất được các chế phẩm Glucosamine và CS từ phụ phẩm chế biến gia cầm quy mô 150-200 kg/mẻ; xây dựng được 2 quy trình công nghệ ứng dụng các chế phẩm Glucosamine và CS tạo thành trong sản xuất thực phẩm chức năng; sản xuất được 20.000 chai nước uống và 300.000 viên nang giàu Glucosamine và CS.
Việc sản xuất chế phẩm và thực phẩm chức năng giàu Glucosamine và CS ở trong nước có khả năng cạnh tranh được với các sản phẩm ngoại nhập do nguyên liệu chủ động trong nước, nhân công hợp lý, công nghệ đảm bảo tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Báo Công Thương