[In trang]
Những kiến nghị cho phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030
Thứ tư, 27/01/2021 - 07:39
Công nghệ sinh học là một lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học về sự sống, nhằm tạo ra các công nghệ khai thác các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào thực vật và động vật để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm sinh học có chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
Công nghệ sinh học là một lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học về sự sống, nhằm tạo ra các công nghệ khai thác các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào thực vật và động vật để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm sinh học có chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì được thực hiện từ năm 2007. Trong giai đoạn 2007-2020, công nghệ vi sinh và công nghệ enzyme là hai lĩnh vực chủ chốt được triển khai của Đề án. Trong đó, ứng dụng sản xuất các chế phẩm vi sinh, enzyme phục vụ công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng là định hướng trọng tâm. 
144 nhiệm vụ KHCN được triển khai
Hội thảo Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030.
Với mục tiêu nghiên cứu tạo ra các CNSH tiên tiến ở trong nước, kết hợp với việc nhập khẩu các CNSH hiện đại của nước ngoài, ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả các công nghệ này trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm chế biến, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; giai đoạn 2007-2020 vừa qua đã có tới 144 nhiệm vụ KHCN được triển khai thực tế. Các nhiệm vụ KHCN được triển khai theo 05 định hướng phát triển nghiên cứu chính, bao gồm: (1) Ứng dụng công nghệ, thiết bị lên men vi sinh để sản xuất, chế biến thực phẩm; (2) Ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; (3) Ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất, chế biến nguyên liệu hóa dược; (4) Ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất các chế phẩm vi sinh, enzyme phục vụ công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng; (5) Ứng dụng công nghệ enzyme để sản xuất, chế biến thực phẩm. Nhìn chung, hầu hết kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án đã được ứng dụng và chuyển giao vào thực tiễn sản xuất tại doanh nghiệp, được Hội đồng nghiệm thu và các doanh nghiệp đánh giá cao về khả năng ứng dụng của công nghệ, chất lượng và hiệu quả kinh tế của sản phẩm.
Toàn cảnh buổi hội thảo. 
Tiếp nối những thành quả đã đạt được của Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực Công Thương đến năm 2030. Giai đoạn đến 2030 sẽ không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến mà mở rộng ra hơn nữa.
Mở rộng phạm vi
Tại hội thảo “Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 29 tháng 12 năm 20 tại Hà Nội, các đơn vị, viện nghiên cứu, tổ chức, doanh nghiệp đã chia sẻ, đóng góp ý kiến về những điểm cần bổ sung, điều chỉnh để hoàn thiện đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công thương trong giai đoạn tới. Theo TS. Phạm Đức Thuận - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm NOVACO, "Bộ Công Thương cần nhanh, quyết liệt về vấn đề cấp vốn để rút ngắn thời gian từ khi ra chủ trương đến quá trình triển khai thực hiện, hạn chế mâu thuẫn trong cấp vốn giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ...". Ngoài ra, ông cũng đề xuất xây dựng một sàn giao dịch trao đổi mua bán các sản phẩm khoa học - công nghệ, tăng cường quản lý giao dịch thương mại sau khi các dự án đã hoàn thành, giải quyết các vấn đề hậu dự án để nâng cao hiệu quả triển khai.
TS. Nguyễn Viết Nghĩa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản nhận định: Thông qua các nhiệm vụ khoa học công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm, các nhà khoa học đã phối hợp tốt hơn với nhà sản xuất và các doanh nghiệp, nhiều sản phẩm mới đã được hình thành từ đây như chế phẩm sinh học, dinh dưỡng và thức ăn thủy sản… “Công nghệ sinh học được ứng dụng, có tác động trực tiếp trong các công đoạn chế biến sản phẩm theo hướng bảo tồn và nâng cao giá trị dinh dưỡng, giá trị sử dụng từ nhiều đối tượng thủy sản khác nhau” - TS. Nguyễn Viết Nghĩa khẳng định.
Không chỉ vậy, để có thể thành công hơn trong giai đoạn tiếp theo thì việc phối hợp chặt chẽ, gắn kết giữa tất cả các bên cần phải được đặc biệt quan tâm để có thể giải quyết những mặt còn khó khăn, hạn chế, thúc đẩy hiệu quả nghiên cứu sản xuất. Đó là mong muốn của các nhà nghiên cứu, nếu có thể dễ dàng tiếp cận với các công nghệ, thiết bị, tự động hóa... và cơ hội phối hợp với nhau thì hiệu quả nghiên cứu chắc chắn sẽ được cải thiện. Cùng với đó, việc phát triển một cơ sở dữ liệu số hóa về thông tin dự án, đề tài để có thể dễ dàng tìm kiếm, tham khảo, check trùng đề tài sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các nhà nghiên cứu trong việc phát triển và đưa ra các kết quả nghiên cứu hiệu quả hơn và trong thời gian ngắn hơn.
Bộ Công Thương đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp, phản hồi từ các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học, tiếp tục cải thiện, tinh chỉnh nhằm hoàn thiện Đề án, và cũng nhấn mạnh rằng Đề án sẽ tập trung vào một số nội dung chính như: khả năng cạnh tranh về công nghệ, định hướng tới nguồn nguyên liệu, phát triển theo hướng bền vững và kết nối, chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, việc nghiên cứu theo hướng mở rộng phạm vi triển khai để hướng tới phát triển mạnh ngành công nghiệp sinh học chứ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến sẽ được chú trọng.
Vụ Khoa học và Công nghệ