[In trang]
Tìm hướng đi mới phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương
Thứ năm, 31/12/2020 - 10:07
Ngày 29/12/2020, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030”.
Ngày 29/12/2020, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030” nhằm rà soát, đánh giá kết quả triển khai Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 (Đề án) và lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia trong nước về định hướng cụ thể triển khai Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030.
Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Công Thương, các ban, ngành liên quan, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, các chuyên gia độc lập trong lĩnh vực công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm,…cùng các cơ quan thông tấn báo chí đến đưa tin về hội thảo. Ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) chủ trì buổi hội thảo.
Ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo chuyên đề, ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Hội thảo ngày hôm nay được tổ chức nhằm trao đổi, nhìn nhận những kết quả triển khai Đề án trong giai đoạn 2007-2020 cũng như tìm hướng đi mới, cách tiếp cận mới cho Đề án trong giai đoạn tiếp theo. Mặc dù dự thảo Đề án giai đoạn đến 2030 đã được Bộ Công Thương hoàn thành và đang trong giai đoạn hoàn thiện, chờ trình Thủ tướng Chính phê duyệt nhưng việc chúng ta tiếp tục trao đổi, tìm các hướng đi phù hợp cho Đề án giai đoạn đến 2030 trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm từ các nội dung đã triển khai trong giai đoạn 2007-2020 để sẵn sàng xây dựng những nội dung cụ thể, cách tiếp cận cụ thể trong giai đoạn đến 2030 là hết sức cần thiết. Bộ Công Thương cảm ơn tất cả các đơn vị, các viện nghiên cứu, trường, doanh nghiệp đã tích cực tham gia và đồng hành cùng với Bộ Công Thương đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong triển khai Đề án giai đoạn vừa qua. Chúng tôi cũng hi vọng các đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương để đạt được thêm thành công trong giai đoạn tiếp theo.”
Toàn cảnh hội thảo
Trong những năm qua, công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến ở nước ta đã có những tiến bộ nhanh chóng, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế so với các nước tiên tiến trên thế giới, chưa tạo ra được sản phẩm chủ lực cho nền kinh tế.
Với mục tiêu nghiên cứu tạo ra các công nghệ sinh học tiên tiến, ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả các công nghệ này trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm chế biến, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ngày 25/1/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 14/2007/QĐ0TTg phê duyệt Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020.
Trong 13 năm triển khai, Ban Điều hành Đề án đã phê duyệt tổ chức triển khai thực hiện tổng số 148 nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN), trong đó có 97 đề tài (chiếm 65,5%) và 51 dự án sản xuất thử nghiệm (chiếm 34,5%).
Đại biểu chăm chú theo dõi diễn giả trình bày tham luận tại hội thảo.
Báo cáo tại hội thảo, TS. Đặng Tất Thành – Chuyên viên chính Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, các nhiệm vụ KHCN thuộc Đề án được triển khai theo định hướng nghiên cứu ứng dụng. Theo đó, hầu hết kết quả nghiên cứu của các đề tài/dự án sản xuất thử nghiệm đã được ứng dụng và chuyển giao vào thực tiễn sản xuất tại doanh nghiệp. Nếu như năm 2007 – năm đầu tiên thực hiện Đề án, chỉ có 01 nhiệm vụ KHCN được triển khai và doanh nghiệp tham gia còn ở quy mô nhỏ thì đến năm 2015, số lượng doanh nghiệp tham gia vào các nhiệm vụ KHCN đã tăng lên 75%. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, 100% nhiệm vụ KHCN đã có sự tham gia phối hợp của doanh nghiệp hoạt động ở nhiều quy mô khác nhau.
Bên cạnh đó, Đề án đã nghiên cứu, hoàn thiện được hơn 200 quy trình công nghệ, ứng dụng rộng rãi vào sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, đã có gần 100 sản phẩm tiêu biểu thuộc Đề án đã được nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất, kinh doanh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp tham gia.
Phần thảo luận diễn ra sôi nổi dưới sự chủ trì của ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (ngồi giữa).
Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN đã đào tạo được gần 200 tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư và cử nhân và hơn 300 công nhân, người lao động trực tiếp tại doanh nghiệp. Đối với công tác tăng cường đầu tư chiều sâu, nâng cấp các phòng thí nghiệm, đã có 02 phòng thí nghiệm đã đi vào hoạt động và đang tham gia gia vào mạng lưới các phòng thí nghiệm để triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ vi sinh, phân tích kiểm tra, kiểm nghiệm thực phẩm, góp phần không nhỏ vào công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong nước.
Nhiều đại biểu tích cực đóng góp ý kiến tại hội thảo.
Dựa trên những kết quả và kinh nghiệm triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2007-2020, Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng dự thảo Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030. Mục tiêu chung là đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến, đổi mới cơ chế chính sách, tranh thủ hợp tác và hỗ trợ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư nhằm đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị sản xuất để nâng cao hiệu quả ứng dụng nghiên cứu, nâng cấp quy mô công nghệ, công suất sản xuất, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để tạo ra các sản phẩm sạch và an toàn tại các doanh nghiệp; đón đầu cơ hội phát triển đột phá từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tạo ra một ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng và góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030.
Để đạt được mục tiêu này, dự thảo đề ra 05 nhóm giải pháp, bao gồm 1) giải pháp về phát triển khoa học và công nghệ; 2) giải pháp về chính sách, đầu tư và tài chính; 3) giải pháp về phát triển tiềm lực; 4) giải pháp về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp sinh học ngành Công Thương; và 5) giải pháp về thông tin, truyền thông.
Đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã được lắng nghe nhiều tham luận với nội dung phong phú, hữu ích về kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến thực phẩm và hàng tiêu dùng, trong chế biển thủy, hải sản và phụ phẩm trong quá trình chế biến thủy, hải sản cũng như ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến nông sản và phụ phẩm nông sản. Các bài tham luận do đại diện các viện nghiên cứu trình bày đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu. Phần thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến xác đáng đóng góp vào dự thảo Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030.
Vụ Khoa học và Công nghệ