[In trang]
Lần đầu tiên sản xuất được omega tổng hợp có chứa omega 6 tại Việt Nam
Thứ sáu, 27/11/2020 - 16:52
Ngày 26/11/2020, Bộ Công Thương đã tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất omega 6, 7, 9 từ vi khuẩn tía quang hợp ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm và dược phẩm.” Đề tài do TS. Hoàng Thị Yến - Viện Công nghệ sinh học làm chủ nhiệm.
Ngày 26/11/2020, Bộ Công Thương đã tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất omega 6, 7, 9 từ vi khuẩn tía quang hợp ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm và dược phẩm.” Đề tài do TS. Hoàng Thị Yến - Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) làm chủ nhiệm, nằm trong Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020.
Toàn cảnh buổi nghiệm thu đề tài
Tại buổi nghiệm thu, TS. Hoàng Thị Yến đã trình bày tóm tắt các kết quả nhóm nghiên cứu đạt được. Cụ thể, nhóm đã phân lập được 155 chủng vi khuẩn tía quang hợp (VKTQH), sàng lọc được 2 chủng có khả năng sinh trưởng mạnh, tích lũy lipid cao và có khả năng tổng hợp omega 6,7 và 9; tiến hành nghiên cứu sản xuất sinh khối VKTQH làm nguyên liệu tách chiết dầu. Từ đó, xây dựng thành công quy trình sản xuất và làm sạch hỗn hợp dầu omega 6,7,9 từ sinh khối khô VKTQH; đánh giá lại chất lượng dầu omega 6, 7, 9 tách chiết được sau quá trình bảo quản và xây dựng tiêu chuẩn cơ sở của dầu sinh học giàu omega 6, 7, 9 tách chiết từ sinh khối khô VKTQH.
Không dừng ở đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe giàu axit béo không no omega 3, 6, 7, 9; đã sản xuất và thu nhận 20.000 viên nang mềm từ 5kg dầu nguyên liệu, mỗi viên có khối lượng 500mg, chứa 250mg dịch omega 3, 6, 7, 9 có độ tinh khiết 80% và đã xây dựng tiêu chuẩn cơ sở của viên nang mềm thực phẩm bảo vệ sức khỏe LIVES omega 3, 6, 7, 9. Sản phẩm đã được Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 8454/2020/ĐKSP ngày 3/9/2020. Kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy viên nang TPCN có khả năng làm giảm các nồng độ lipid máu thông qua các chỉ số cholesterol, triglyceride, LDL-C và làm tăng HDL-C, có tiềm năng hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch.
Sản phẩm LIVES OMEGA 3,6,7,9
Theo TS. Hoàng Thị Yến, con người và động vật hầu như không tự tổng hợp được omega 6, 7, 9, mà chủ yếu được cung cấp từ thức ăn. Mặc dù omega 6, 9 có nhiều trong các loại dầu động, thực vật nhưng omega 7 lại rất khan hiếm trong thực vật và cả động vật. Chính vì vậy, việc sử dụng sinh khối vi khuẩn tía quang hợp để tách chiết dầu sinh học giàu axit béo không bão hòa một nối và đa nối đôi (omega 6, 7, 9) sử dụng cho sản xuất thực phẩm chức năng là một hướng nghiên cứu hoàn toàn mới ở Việt Nam và mới chỉ được đề cập đến trong vài năm trở lại đây. Có thể nói, những kết quả đạt được của nhóm nghiên cứu đề tài rất đáng ghi nhận, đạt được mục tiêu ứng dụng công nghệ lên men để sản xuất sinh khối vi khuẩn tía quang hợp và công nghệ enzyme để sản xuất các axit béo không no (omega 6, 7, 9) sử dụng trong công nghiệp thực phẩm và dược phẩm từ nguồn nguyên liệu trong nước.
Qua trình bày của đại diện nhóm nghiên cứu và xem xét các báo cáo tổng kết và tóm tắt, các thành viên Hội đồng đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, đề tài đã thực hiện tốt các nội dung và báo cáo tổng kết chi tiết, số lượng, khối lượng và chủng loại sản phẩm của đề tài đạt và vượt so với Hợp đồng đã ký với Bộ Công Thương. Đề tài có khả năng ứng dụng cao, tiềm năng thương mại rất tốt. Điểm nổi bật của đề tài là đã nghiên cứu bổ sung thành công thành phần omega 3 vào trong sản phẩm thử nghiệm với tỷ lệ tinh khiết cao trên 80%. Đây là điều ít có trên thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh tốt nếu sản phẩm được thương mại hoá. Vì vậy Tổ giúp việc của Ban điều hành Đề án đề nghị Viện và chủ nhiệm đề tài nên chú ý đầu tư bao bì nhãn mác và liên kết với doanh nghiệp để nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ.
Các thành viên hội đồng đánh giá nghiệm thu kết quả nghiên cứu
Phát biểu kết luận buổi nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng nhất trí với các nhận xét, đánh giá, phản biện của thành viên Hội đồng; đồng thời, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và tâm huyết của nhóm nghiên cứu, thực hiện đề tài. Kết quả nghiên cứu thực hiện công phu, bám sát với mục tiêu và yêu cầu đề ra. Các sản phẩm của đề tài đáp ứng được yêu cầu về mặt khoa học và thực tiễn. Chất lượng các sản phẩm đáp ứng yêu cầu theo Hợp đồng với Bộ Công Thương. Chủ tịch Hội đồng đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, nhận xét của các thành viên Hội đồng để hoàn thiện và nhanh chóng đưa kết quả nghiên cứu áp dụng trong thực tiễn.
Vụ Khoa học và Công nghệ